Góc nhìn

13 căn cứ tên lửa bí mật Triều Tiên sẽ khiến Trump bối rối?

14/11/2018, 08:45

Một mạng lưới các căn cứ quân sự bí mật mà Bình Nhưỡng chưa bao giờ công khai, có thể chính là...

23

Một loại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên

Một mạng lưới các căn cứ quân sự bí mật mà Bình Nhưỡng chưa bao giờ công khai, có thể chính là “nước cờ dự phòng” trong trường hợp các cuộc hòa đàm và tiến trình phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bị đổ vỡ.

Các căn cứ tên lửa bí mật làm suy yếu nỗ lực của Trump

Phát hiện mới của chương trình Beyond Parallel thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) được đưa ra dựa trên phân tích các hình ảnh vệ tinh. Trong đó, căn cứ tên lửa Sakkanmol, cách Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ 135km về phía Tây Bắc.

Hình ảnh về căn cứ Sakkanmol cho thấy, 7 khu đặt bệ phóng tên lửa đều được ngụy trang và những thay đổi cơ sở hạ tầng mới đây đều tương đồng, nhất quán với các tiêu chuẩn mang đặc thù của của căn cứ quân sự chính quy của quân đội Triều Tiên.

Các báo cáo của CSIS được tung ra vào thời điểm này dường như cố làm phức tạp nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong việc thuyết phục dư luận Mỹ rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang hướng tới cam kết phi hạt nhân và chính quyền của ông chủ Nhà Trắng đang đi đúng hướng.

Thực tế cho thấy, ông Kim Jong-un đã từng hứa rằng, sẽ giải trừ các khu thử hạt nhân và tên lửa, nhưng chưa hề nhắc tới các căn cứ quân sự được trang bị sức mạnh của các vũ khí chiến lược.

Theo ông Stephan Haggard, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên - Thái Bình Dương tại Đại học California (ở San Diego), khả năng quân sự (sức mạnh tên lửa, hạt nhân) của Triều Tiên chưa hề bị vô hiệu hóa. Điều duy nhất mà các cuộc đàm phán Mỹ - Triều, Hàn - Triều đạt được vào lúc này là tạm ngưng các thử nghiệm. Tuy nhiên, điều này có thể bị đảo ngược một cách dễ dàng.

Tổng thống Trump vốn vấp phải những lời chỉ trích nói rằng, cách tiếp cận của ông đối với Triều Tiên đã cho phép ông Kim Jong-un tiếp tục xây dựng khả năng tên lửa hạt nhân. Thì nay, báo cáo mới của CSIS lại được ví như một lần tiếp thêm “đạn dược” cho các nhà chỉ trích không ưa thích ông Trump.

24

Hình ảnh vệ tinh căn cứ quân sự tên lửa Sakkanmol

Chiến thuật 3 vành đai phòng thủ

Sau khi tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn với những người đào tẩu khỏi Triều Tiên cũng như tham vấn ý liến nhiều quan chức Chính phủ, quốc phòng, tình báo trên khắp thế giới, các nhà nghiên cứu của CSIS ước chừng, quân đội Triều Tiên hiện có khoảng 15 - 20 căn cứ được trang bị tên lửa đạn đạo.

Các căn cứ này được phân loại hoạt động thành 3 khu vực hay còn gọi là 3 lớp vành đai. Trong đó, vành đai gần khu phi quân sự DMZ nhất, được biết với tên gọi “chiến thuật” (dùng để chống lại quân đội địch ở phạm vi ngắn). Căn cứ Sakkanmol nằm trong khu vực này.

Vành đai thứ 2 nằm ở vị trí cách 50 - 90km kể từ khu DMZ chia tách 2 miền Triều Tiên. Những căn cứ quân sự trong khu vực này đủ khả năng tấn công các cơ sở quan trọng trong phạm vi thuộc khoảng 2/3 lãnh thổ miền Bắc của Hàn Quốc, nhưng lại có đủ khoảng cách để tránh được tầm bắn pháo tầm xa của liên quân Hàn - Mỹ.

Vành đai cuối cùng, hay còn gọi là “chiến lược”, cách hơn 150km từ khu DMZ, có thể sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Triều Tiên, với tầm bắn có thể vươn tới lục địa Mỹ.

Theo phân tích của CSIS, việc triển khai phân tán các căn cứ này, ngụy trang chúng, kèm với việc sử dụng các chiến thuật tính toán kỹ lưỡng nêu trên, quân đội của Bình Nhưỡng sẽ tối ưu hóa được khả năng bảo vệ các đơn vị tên lửa quan trọng khi vướng phải một cuộc tấn công mang tính phủ đầu từ kẻ địch.

Nhận định về vấn đề này, ông Paul Stares, một ủy viên cao cấp về phòng chống xung đột, chiến tranh kiêm Giám đốc Trung tâm Dự phòng hành động ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại New York cho rằng, những phát hiện mới này không có khả năng khiến chính quyền Trump thay đổi chính sách hiện tại đối với Bình Nhưỡng.

Nhưng, chúng cũng cho thấy, đến một lúc nào đó, chính quyền Mỹ sẽ buộc phải thừa nhận thất bại trong việc gây áp lực lên Triều Tiên. Đến lúc đó, điều gì sẽ xảy ra?

Bình Nhưỡng từ lâu đã yêu cầu Mỹ phải gương mẫu, có “các biện pháp đồng bộ và theo giai đoạn” để phi hạt nhân. Có nghĩa là, cộng đồng quốc tế do Mỹ dẫn đầu sẽ bãi bỏ dần các lệnh trừng phạt song hành với quá trình phi hạt nhân.

Điều này lại tiếp tục được tái khẳng định khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp ông Kim Jong-un vào tháng 9. Ông Moon khẳng định rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện quyết tâm phi hạt nhân và muốn “tập trung vào phát triển kinh tế” càng sớm càng tốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.