Thời sự

17 tỉnh thành, 16 bộ ngành không báo cáo chống lãng phí

13/04/2018, 06:14

Sáng 12/4, Ủy ban TVQH cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

5

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 12/4, Ủy ban TVQH cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Thực tế cho thấy nhiều nơi thực hiện không nghiêm túc khi không gửi báo cáo, thậm chí… gửi nhầm báo cáo.

Báo cáo năm 2017, gửi nhầm… năm 2016

Theo báo cáo của Chính phủ, có đến 16/34 bộ, cơ quan T.Ư; 17/63 tỉnh, thành phố; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước không gửi báo cáo Chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 để Bộ Tài chính tổng hợp. Thậm chí, có địa phương còn… gửi nhầm báo cáo của năm 2016.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng, trong quản lý NSNN, còn tình trạng quản lý, sử dụng sai nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương; sử dụng vốn đầu tư ở nhiều bộ, địa phương còn dàn trải, lãng phí. Qua công tác thanh, kiểm tra phát hiện tình trạng chi NSNN sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra tại nhiều đơn vị.

Trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng, thực tế vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, trong khi giải ngân vốn đầu tư công chậm. Vẫn còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư chưa đúng quy định, thủ tục đầu tư chưa đầy đủ; bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian. Đặc biệt, có tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn của ngành, địa phương…

Trong tổ chức bộ máy Nhà nước, việc đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển cán bộ, công chức ở một số nơi chưa đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận.

Đặc biệt, theo số liệu về công tác thanh tra, kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 257 cuộc kiểm toán, phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính 43.660  tỷ đồng; phát hiện thừa biên chế trong khu vực Nhà nước 57.175 người; kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, năm 2018, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm triệt để kinh phí chi thường xuyên, cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia.

Chính phủ cũng yêu cầu thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng quy định; Rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ; hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư…

Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu

Dẫn lại việc hơn nửa số tỉnh, thành phố, bộ ngành T.Ư và các tập đoàn kinh tế Nhà nước không gửi báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: “Với số lượng lớn đơn vị chưa có báo cáo như thế thì đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ có phản ánh đúng bản chất và nhận định có chính xác hay không?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị xem xét nghiêm túc vấn đề này vì hơn một nửa đơn vị không gửi báo cáo về chương trình này là không ổn, đồng thời, bày tỏ băn khoăn khi “báo cáo chưa thấy biểu dương hay phê bình, đề nghị xử lý trách nhiệm bộ, ngành, địa phương nào”.

Đề cập tình trạng có nơi gửi số liệu của năm 2016, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, điều này thể hiện sự chưa nghiêm túc, dẫn đến báo cáo của Chính phủ không đầy đủ số liệu và chưa thể hiện được kết quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy, việc nhiều bộ, ngành, địa phương không gửi báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chứng tỏ nhận thức tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa ăn sâu ở nhiều nơi, vì đến “dễ như viết báo cáo còn không làm”.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong ngày 12/4 sẽ báo cáo Thủ tướng về những đơn vị chưa có chương trình để yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban TVQH phê bình các bộ, địa phương và tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo, thể hiện sự chưa nghiêm túc.

Đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 có nhiều tiến bộ so với năm 2016. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội nhận định, tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, nguồn lực còn kém hiệu quả, lãng phí diễn ra ở các góc độ khác nhau. Ông đề nghị báo cáo của Chính phủ cần làm rõ địa chỉ trách nhiệm để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có bước tiến mới trong năm sau, đồng thời, yêu cầu làm quyết liệt hơn và cần công bố công khai những hiện tượng lãng phí để dư luận theo dõi.

Theo số liệu báo cáo, số tiền tiết kiệm kinh phí, tiền vốn Nhà nước năm 2017 của Bộ Quốc phòng là hơn 1.400 tỷ đồng, Bộ Tài chính là hơn 795 tỷ đồng, Bộ Y tế là 605 tỷ đồng, Bộ Công thương là hơn 538 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước là 410 tỷ đồng, của Bộ TT&TT là hơn 192 tỷ đồng…

Cũng theo báo cáo, các bộ chưa gửi báo cáo như: Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ VH,TT&DL, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước… Các địa phương như: Bạc Liêu, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Lâm Đồng, Nghệ An, Sóc Trăng… Các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước như: Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Sông Đà…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.