Y tế

2 ca tử vong tại BV Trí Đức: Người nhà tiếp tục kêu cứu

13/02/2017, 18:02

Sau 2 tháng chưa thấy kết luận vụ việc, người nhà 2 nạn nhân tử vong tại BV Trí Đức tiếp tục kêu cứu.

nguoi nha nan nhan benh vien tri duc

Người nhà nạn nhân Hoàng Văn Trấn đau đớn khi biết tin anh đã tử vong sau gây mê tại BV Trí Đức

Ngày 13/2, chị Vũ Hà Phương, vợ nạn nhân Hoàng Văn Trấn (Hồng Thái, Phú Xuyên, Hà Nội) tất tả lo làm lễ 49 ngày cho chồng. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, giọng người phụ nữ như nghẹn lại: “Vòng xoáy cơm áo nó buộc mình phải đứng dậy để còn nuôi 4 đứa con. Không nhắc tới thì thôi, nhắc lại thấy đau lắm cô à. Ngày anh mất, tôi vừa sinh đứa út được 1 tháng, cháu thứ ba gần 3 tuổi còn lại hai cháu lớn đang ăn học. Trước đây 5 mẹ con trông chờ cả vào anh, giờ anh không còn nữa, mình như thuyền không lái, cảnh nhà thêm phần nheo nhóc”.

Được biết, sau đám tang của chồng, chị Phương đã hai lần gửi văn bản tới BV Trí Đức để yêu cầu gặp mặt song không thấy hồi âm. “Gần hai tháng trôi qua, nguyên nhân sự việc vẫn chưa được làm rõ. Ban đầu người ta nói 4 tuần sau sẽ có kết luận của pháp y nhưng tới nay cũng không thấy... Thử hỏi làm sao chồng tôi có thể ngậm cười nơi chín suối”. Cũng theo chị Phương, trong lá đơn gửi Thanh tra Bộ Y tế, gia đình đã tố cáo BV Trí Đức đã vô trách nhiệm, gây chết người oan.

Tương tự, chị Quách Thị Phương Thanh, em gái của nạn nhân Quách Thị Mai Phương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi được biết đã có kết luận cơ quan pháp y về nguyên nhân cái chết của chị gái tôi song tới giờ này, gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào từ phía cơ quan chức năng. Chính vì thế chúng tôi buộc phải làm đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Bộ Y tế mong vụ việc sớm được sáng tỏ”.

Theo chị Thanh, thủ thuật gây mê trước ca phẫu thuật của chị Phương đã không đúng quy trình. “Khoảng 8h15 ngày 25/12, chị Phương được y tá BV Trí Đức truyền cho một chai thuốc và tiêm một mũi tiêm vào đường truyền. Sau đó 5 phút chị Phương cho biết chị thấy buồn nôn nhưng vẫn được y tá đưa vào phòng mổ. Rõ ràng chị tôi có biểu hiện phản ứng với thuốc nếu đúng quy định phải được chỉ định dừng ca phẫu thuật nhưng ekip thực hiện đã không làm như thế”, chị Thanh nói.

Chiều 13/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Hồ sơ vụ việc đã được chuyển sang cơ quan công an điều tra, xử lý. Tới lúc này chúng tôi cũng chưa có thêm thông tin gì. Chỉ tới khi có kết luận điều tra, trên cơ sở đó cơ quan quản lý mới có thể đưa ra phương án xử lý”.

Trước đó, bệnh nhân Quách Thị Mai Phương được chẩn đoán đa u 2 thùy tuyến giáp, có chỉ định phẫu thuật vô cảm bằng gây mê nội khí quản. Theo đó, bệnh nhân đã đặt lịch mổ vào sáng  25/12/2016, tại BV Trí Đức. Khoảng 8h15 phút, chị Phương  được tiêm Atropine 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg, (tiền mê). Sau đó 15 phút có sử dụng tiếp 100mg Diprivan và 30mg Esmeron. Sau 30 giây, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ và được cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai.

Sau đó khoảng 30 phút, bệnh nhân thứ hai là anh Hoàng Văn Trân, được đẩy vào phòng phẫu thuật để phẫu thuật nội soi xoang - cắt amidal - chỉnh hình vách ngăn- nạo sùi vòm và cũng gây gây mê nội khí quản. Bệnh nhân Trân bắt đầu được tiêm Atropin 0.25mg, Midazolam 5mg, Solumedrol 40mg (tiền mê) vào khoảng 8h40 phút. Sau 15 phút, bệnh nhân được sử dụng tiếp 120mg Diprivan và 30mg Esmeron.Cũng sau 30 giây tiêm thuốc, bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ, được tiến hành cấp cứu tại phòng mổ, sau đó được chuyển đến Khoa A9 – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Như vậy, cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm các thuốc ở giai đoạn hai và tử vong sau đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.