Kinh tế

2018, sẽ có 50 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD?

16/01/2018, 07:57

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Công thương phải đối mặt với khó khăn để tận dụng cơ hội...

16

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với lãnh đạo Bộ Công thương và các đại biểu bên lề Hội nghị tổng kết ngành ngày 15/1 - Ảnh: Quang Hiếu

29 ngành xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, năm qua, ngành Da - Giày - Túi xách Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 trong khu vực, sau Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD. Giá trị gia tăng người lao động tạo ra trong ngành này là 25-30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, vật tư của ngành chiếm 50% trong nước và tỷ lệ nội địa hóa ngành này đã đạt 40-50%.

Da - Giày - Túi xách là một trong số 29 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD trong năm qua. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2017 là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD (đạt 213,7 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016), vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao.

Bên cạnh xuất khẩu, ông Trần Tuấn Anh cũng cho biết, năm 2017, điểm nổi bật khác của ngành là chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, cao hơn mức tăng 7,4% của năm 2016 và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1-8%). Thương mại nội địa giữ vững đà tăng trưởng với 10,9%. Thương mại nội địa cùng với xuất khẩu, đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Ngoài ra, ông Trần Tuấn Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong hội nghị tổng kết năm 2016, Bộ đã cải cách tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc Bộ, cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng (tương đương giảm 36,5% số phòng trong toàn cơ quan bộ). Bên cạnh đó, điểm nổi bật của ngành là sự kiện cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 55,3% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương); cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 508 thủ tục hành chính của bộ này.

Cần phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ

Đánh giá cao những nỗ lực và thành quả của ngành Công thương trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Ngành Công thương biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đồng thời cũng là Bộ tiên phong đi đầu trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính”. Trong tái cơ cấu bộ máy, người đứng đầu Chính phủ cũng ghi nhận thái độ “dũng cảm, không sợ va chạm” của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu kém mà ngành Công thương cần tập trung khắc phục như: Một số chiến lược, quy hoạch trong ngành còn chậm bổ sung, sửa đổi; chưa chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện phát triển công nghiệp theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0; công tác thị trường và dự báo cung cầu còn yếu, chưa gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro.... Năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh ngành Công thương phải đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa một cách có chiều sâu, thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp...

“Làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ ở tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà chủ yếu phải là tư nhân, hợp tác xã. Làm sao các tỉnh đều thặng dư ngân sách nếu đi từ thế mạnh công thương, công nghệ thông tin, nông nghiệp chất lượng cao và du lịch. Làm sao công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp, nông thôn, làm sao phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam?…”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương phải đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn dài hạn. Kể cả cán bộ các cấp, các ngành cũng như ngay Bộ Công thương, vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn; vượt qua lợi ích cục bộ của ngành để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành khác một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương năm nay tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước để lắng nghe doanh nghiệp; khai thác hết tiềm năng để phấn đấu năm 2018 có 50 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Mạnh dạn từ bỏ những lợi ích trong phân bổ vốn đầu tư

Chiều 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tới dự Hội nghị tổng kết của Bộ KH&ĐT. Theo báo cáo của bộ này, năm 2018 sẽ tập trung chuẩn bị các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua, như: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Hoàn thiện đề án xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư…

Tại hội nghị, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, mạnh dạn từ bỏ những lợi ích trong công tác phân bổ vốn đầu tư. Trước đó, Báo cáo kiểm toán tình hình phân bổ vốn đầu tư công năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư của Bộ KH&ĐT như bố trí kế hoạch vốn hơn 575 tỷ đồng cho 18 dự án không có cơ sở, vượt tỷ lệ hỗ trợ ngân sách Trung ương 20 tỷ đồng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.