Hạ tầng

2020 sẽ xong hạ tầng phục vụ người khuyết tật tại cảng hàng không

24/04/2015, 15:56

Đây là khẳng định của Tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN Lê Mạnh Hùng.

 

IMG_0278
Chỉ các cảng được xây dựng và sửa chữa trong khoảng 5 năm trở lại đây như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Pleiku, Phú Bài, Phù Cát, Thọ Xuân, Cát Bi, Vình… là có đầy đủ hệ thống giao thông và khu vực vệ sinh cho người khuyết tật.

Theo Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng, hiện tại, tất cả các cảng hàng không đều đã bố trí chỗ ngồi riêng cho người già yếu, phụ nữ có thai, người khuyết tật.

Tuy nhiên, về hệ thống giao thông và khu vực vệ sinh cho người khuyết tật, ông Hùng cho biết mới chỉ có các cảng được xây dựng và sửa chữa trong khoảng 5 năm trở lại đây như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Pleiku, Phú Bài, Phù Cát, Thọ Xuân, Cát Bi, Vình… là có đầy đủ. “Tại hầu hết các cảng đều có bố trí ram dốc cho người khuyết tật tại điểm tiếp cận, bố trí ghế chờ với số lượng không nhỏ hơn 5% tổng số ghế. Tương tự, nhà vệ sinh cho người khuyết tật cũng đảm bảo chiếm ít nhất là 5 tổng số phòng vệ sinh” – ông Hùng nói.

“Những CHK chưa đáp ứng yêu cầu trên sẽ được lên kế hoạch sửa chữa trước năm 2020, đảm bảo phục vụ tốt người khuyết tật” – ông Hùng khẳng định.

Liên quan đến trang thiết bị ông Hùng thừa nhận “hiện chỉ  5/21 sân bay tại Việt Nam gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Liên Khương có xe nâng phục vụ người khuyết tật”.

Trong năm 2015, ông Hùng cho biết sẽ tập trung đầu tư xe cho các cảng có chuyến bay quốc tế đến như Vinh, Cát Bi, Phú Bài, Cần Thơ. Kế đó, giai đoạn 2016 – 2017 sẽ tới các cảng Thọ Xuân, Pleiku, Đồng Hới, Buôn Mê Thuột, Phù Cát.

“Các cảng hàng không Điện Biên, Chu Lai, Cà Mau, Rạch Giá, Côn Đảo sẽ chỉ xem xét đầu tư khi có kế hoạch khai thác loại tàu bay lớn và sản lượng hành khách tăng cao” – ông Hùng khẳng định.

Xin được nhắc lại rằng vấn đề xe nâng phục vụ người khuyết tật tại sân bay mới đây được đề cập đến nhiều sau khi xảy ra việc 2 nhân viên Vietjet Air bị phạt vì từ chối làm thủ tục lên máy bay cho một hành khách khuyết tật tại sân bay Đà Nẵng. Sự việc đáng tiếc một phần là do cách xử lý cứng nhắc, chưa linh hoạt của nhân viên Vietjet Air phần khác là do “cái khó bó cái khôn” khi số lượng xe nâng quá ít như đã nói trên.

“Thực tế, các sân bay ở Việt Nam sẽ không có đủ trang thiết bị hỗ trợ (xe nâng và các phương tiện khác) nếu cùng lúc có vài chuyến bay có khách hàng cần sự trợ giúp” – Giám đốc điều hành Vietjet Air Lưu Đức Khánh cho biết.

Liên quan đến giá dịch vụ xe nâng, TGĐ ACV cho biết với các chuyến bay quốc tế, mức giá tương ứng với xe nâng phục vụ từ 3 khách trở xuống tại 3 miền Bắc – Trung – Nam lần lượt là 40 – 30 – 30 USD. Nếu thuê xe theo giờ, con số này sẽ là 115 – 120 và 100 USD cho một giờ thuê.

Tại các chuyến bay nội địa, giá tiền tương ứng sẽ là 1,7 triệu, 1,1 triệu và 1,4 triệu đồng một giờ thuê.

Thực tế, mức thu này không hề cao nếu không muốn nói là rất nhỏ so với khoản tiền đầu tư một chiếc xe nâng (được biết, giá một chiếc xe nâng đầu tư trong thời điểm hiện tại lên tới 5 tỷ đồng) trong khi lượng người sử dụng dịch vụ này cũng không nhiều.

 “Việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cũng như chi phí phục vụ thực tế cho hành khách là người khuyết tật không tương xứng với mức thu từ dịch vụ. Do đó, ACV kiến nghị Cục Hàng không VN đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính có chính sách về mức giá tương xứng với sự đầu tư, các yếu tố chi phí thực tế cũng như chính sách nhân đạo với người khuyết tật” – ông Hùng đề xuất. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.