Y tế

7 người chết sau chạy thận: Nghi vấn khâu bảo trì máy lọc nước

01/06/2017, 10:49

Nếu có những trục trặc trong hệ thống lọc nước cho bệnh nhân chạy thận, thì nguy cơ tai biến là rất lớn.

18

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân vụ chạy thận làm 7 người tử vong

Bảo trì hôm trước, hôm sau tai biến

Ngày 31/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, quy trình chạy thận cho bệnh nhân gồm nhiều bước, được Bộ Y tế quy định rất cụ thể và đơn vị đã thực hiện trong suốt 10 năm qua, chưa xảy ra sự cố nào đáng tiếc. Ngày 28/5, một ngày trước khi xảy ra vụ tai biến y khoa làm 7 bệnh nhân đang chạy thận tử vong, có hoạt động bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết dùng để phục vụ bệnh nhân tại Khoa Điều trị lọc máu của BV. “Việc bảo trì hệ thống máy móc đều được bệnh viện tiến hành định kỳ hàng năm, bên cạnh đó, tùy thuộc loại máy, độ hỏng hóc của máy móc, đơn vị sẽ cho sửa chữa”, ông Dương nói.

KIỂM TRA CÔNG TY CP DƯỢC THIÊN SƠN

Sáng 31/5, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Công an, y tế, UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn (hiện đã đóng cửa, ngưng hoạt động). Trước đó, tối 30/5, lực lượng công an cũng đã đến làm việc với công ty này. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Tiệp, Phó chủ tịch UBND phường Trung Hòa cho biết, việc kiểm tra Công ty CP Thiên Sơn nằm trong kế hoạch kiểm tra thường xuyên đối với các công ty, đơn vị trên địa bàn phường. Qua quá trình kiểm tra, công ty có đầy đủ giấy phép hoạt động. Công ty được cấp phép hoạt động từ năm 2012 đến nay và trong quá trình hoạt động tại phường Trung Hòa chưa vi phạm gì về hành chính.

Được biết, trong hệ thống chạy thận nhân tạo, nước là một trong hai nhân tố quan trọng nhất. Do thận hư không còn khả năng lọc các tạp chất, ion và vi khuẩn xâm nhập vào máu từ nước truyền nên rất dễ có những rủi ro bất ngờ, kể cả tử vong. Các nguyên tố vô cơ như nhôm, thủy ngân, đồng, chì, kẽm và các độc tố hữu cơ như: Nitơrat, nitrit, amoniac, chloramine, vi khuẩn, tảo, nấm đều có thể gây tai biến. Vì vậy, nước dùng cho thận nhân tạo phải là nước siêu tinh khiết, đã qua quy trình xử lý nghiêm ngặt. Nếu có những trục trặc trong hệ thống lọc nước cho bệnh nhân chạy thận, thì nguy cơ tai biến là rất lớn.

Theo BS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai, với bệnh nhân chạy thận có hai quy trình lọc máu chu kỳ và lọc máu cấp cứu. Quá trình lọc máu chu kỳ mỗi bệnh nhân 3-4 tiếng và có quy định rõ. “Với chu trình lọc máu, thống kê có khoảng 20 loại biến chứng có thể xảy ra, các tai biến này xảy ra nhanh và nghiêm trọng nếu không tìm hiểu kịp thời có thể tử vong. Dù có hệ thống cảnh báo nhưng máy móc thì vẫn không thể loại trừ khả năng hỏng bộ phận nào đó”, ông Dũng cho hay.

Theo thông tin từ BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đơn vị đã tiến hành bảo trì, sửa chữa hệ thống lọc nước tinh khiết dùng để phục vụ bệnh nhân chạy thận tại Khoa Điều trị lọc máu của BV ngày 28/5 là Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn, có địa chỉ tại ngõ Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trung thực và trách nhiệm trong xác định nguyên nhân

Ngày 31/5, tại buổi làm việc với Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tai biến y khoa luôn rình rập trong hoạt động khám chữa bệnh, nhưng tai biến khiến 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận ở Hòa Bình rất nghiêm trọng. Quy trình chạy thận đã được Bộ Y tế ban hành theo chuẩn y tế thế giới, mỗi năm có hàng triệu người chạy thận an toàn. “10 năm nay, BV Đa khoa Hòa Bình vận hành quy trình chạy thận bình thường, giờ không bình thường, chắc chắn phải có sự cố ở một khâu nào đó”, Bộ trưởng Tiến phân tích.

“Sự cố không mong muốn này xảy ra, chúng ta phải tìm nguyên nhân để khắc phục, phải có người chịu trách nhiệm. Trong quá trình từ lúc nhận bệnh nhân, rồi vận hành, sửa soạn, rửa dụng cụ, quy trình đó BV nắm được hết. Cần có sự cầu thị, trung thực và trách nhiệm để thúc đẩy nhanh quá trình tìm ra nguyên nhân”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh và yêu cầu BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để nhanh chóng xác định nguyên nhân vụ việc. Hiện, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng đã mời 4 chuyên gia đầu ngành tham gia Hội đồng chuyên môn nhằm có báo cáo khách quan trong thời gian sớm nhất.

Về tình hình sức khỏe các bệnh nhân trong sự cố tai biến y khoa, chiều 31/5, 10 bệnh nhân được đưa về điều trị tại BV Bạch Mai đã ổn định, tiến triển tốt. Riêng với bệnh nhân nguy kịch Nguyễn Thị Bích Nguyên, 45 tuổi bị suy thận mãn, đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của BV Đa khoa Hòa Bình, sau khi được đoàn các chuyên gia hàng đầu của BV Bạch Mai tăng cường lên điều chỉnh phác đồ điều trị cũng đã có tiến triển nhất định. “Đến thời điểm này, qua các chỉ số đo được, bệnh nhân có chuyển biến tích cực”, ông Dương xác nhận. 

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla:

“Sẽ rõ lỗi do đâu và ai chịu trách nhiệm”

Để có thể truy cứu trách nhiệm bác sĩ thì phải chứng minh sự cố xảy ra là do lỗi của bác sỹ. Do đó, cần phải thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định nguyên nhân tử vong của 7 người này. Đồng thời, Hội đồng chuyên môn sẽ xác định y, bác sĩ có sai sót về chuyên môn kỹ thuật khi đã thực hiện một trong các hành vi sau: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; Xâm phạm quyền của người bệnh.

Nếu trong trường hợp các bác sĩ trực tiếp chịu trách nhiệm chạy thận không tuân thủ đúng quy trình được quy định tại Quyết định 3931/QĐ-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận, tiết niệu - là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các bệnh nhân tử vong thì các y, bác sĩ này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 242, Bộ luật Hình sự với mức hình phạt tù từ 1-15 năm. Đồng thời, các y, bác sĩ này cũng có thể bị cấm hành nghề trong thời hạn từ 1-5 năm.

Bên cạnh đó, các y bác sỹ này và BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình còn phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại theo Điều 76, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Người đứng đầu, cụ thể là Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình có thể bị kỷ luật theo quy chế của bệnh viện, của ngành Y tế nếu do sai sót trong quá trình quản lý, điều hành bệnh viện của mình gây nên tai nạn đáng tiếc trên.

Trường hợp máy móc của BV có hỏng hóc thì trách nhiệm trước tiên sẽ thuộc về những người trực tiếp quản lý, bảo trì với máy móc, hơn nữa trước khi đưa máy vào sử dụng cần phải được kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Vì vậy, cần kiểm tra thật kỹ trước khi đưa ra kết luận vụ việc trên là lỗi do đâu và ai phải là người chịu trách nhiệm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người bị hại, cũng như các y bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Hữu Tuấn (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.