Thế giới

7 quan chức "rời bỏ" bà Theresa May vì thỏa thuận Brexit

17/11/2018, 08:07

Quan chức chủ chốt trong Chính phủ Anh xin từ chức nhằm gây áp lực đối với Thủ tướng May về thỏa thuận Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc họp báo tại L

Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc họp báo tại London ngày 15/11

Bộ trưởng Bắc Ireland Shailesh Vara là quan chức cấp cao đầu tiên tuyên bố từ chức sau khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố rằng Nội các Anh đã thông qua một dự thảo thỏa thuận Brexit.

Một tiếng sau đó, Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, người được cho là đã đàm phán và hoàn tất thỏa thuận gây tranh cãi nêu trên, cũng thông báo từ chức.

Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Raab nhấn mạnh: “Với lương tâm của mình, tôi không thể ủng hộ các điều khoản được đề xuất” cho việc Anh rời khỏi EU. Ông Raab là Bộ trưởng phụ trách Brexit thứ hai từ chức trong năm nay.

Tiếp đó, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Esther McVey đã đệ đơn từ chức với lý do thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May không tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016.

Sự ra đi của ba bộ trưởng trên cùng với các quan chức cấp cao khác đã làm cho bộ máy chính phủ vốn bị chia rẽ của Thủ tướng May rơi vào khủng hoảng. Bất ổn chính trị đang đe dọa thỏa thuận Brexit mà bà May đã mất rất nhiều công sức mới đàm phán được với EU.

Bản dự thảo này bao gồm ý tưởng thiết lập một hệ thống an ninh nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với CH Ireland; toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.

Hiện bản dự thảo thỏa thuận Brexit cần được Quốc hội Anh thông qua. Tuy nhiên, đây được dự báo là một tiến trình đặc biệt khó khăn. Khoảng 40 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền tuyên bố sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận.

Bản dự thảo gây tranh cãi này bị chỉ trích nghiêm trọng trong Đảng Bảo thủ và theo cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, các điều khoản trong bản dự thảo sẽ biến Vương quốc Anh thành một “quốc gia chư hầu” của EU.

Văn bản thỏa thuận dự thảo thể hiện Vương quốc Anh có thể yêu cầu gia hạn giai đoạn chuyển tiếp bất kỳ lúc nào trước ngày 1/7/2020. Việc chuyển đổi có thể được gia hạn bằng sự đồng ý chung.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.