Điều tra

Ai chịu trách nhiệm việc chậm điều tra các vụ xâm hại trẻ em?

20/03/2017, 13:02

Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em dù được tố giác từ rất lâu nhưng cơ quan điều tra viện dẫn đủ lý do...

17

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM)

Nhiều vụ việc xâm hại trẻ em dù được tố giác từ rất lâu nhưng cơ quan điều tra viện dẫn đủ lý do để trì hoãn việc giải quyết. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo từ Trung ương, các vụ việc tưởng như sẽ chìm xuồng đó lập tức được khởi tố, các nghi can nhanh chóng bị bắt tạm giam. Báo Giao thông ghi nhận ý kiến của một số luật sư về trách nhiệm của các cơ quan điều tra, tố tụng trong việc chậm trễ xử lý, giải quyết đơn thư tố giác tội phạm nói chung, tội phạm xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em nói riêng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM):

Chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan điều tra

Với những hành vi phạm tội kiểu xâm hại trẻ em, theo tôi, khi nhận được tin báo, cơ quan điều tra phải vào cuộc ngay vì thực tế, sự việc càng để lâu càng khó xác định chứng cứ, để lại hậu quả nặng nề cho các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em.

Đúng là để bắt những hung thủ gây ra hành vi phạm tội này là thách thức lớn, nhưng nếu cơ quan điều tra, tố tụng cứ nói rằng khó, đòi phải có đầy đủ bằng chứng mới giải quyết thì tức là chưa làm hết trách nhiệm. Bởi, việc chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan điều tra, tố tụng chứ đâu phải nghĩa vụ của nạn nhân? Nếu nói rằng, xác định chứng cứ khó thì họ phải dùng mọi biện pháp nghiệp vụ, chứ không thể vì cái khó ấy mà không giải quyết, không thể đẩy cái khó ấy cho nạn nhân được.

Như vừa rồi dư luận có nhiều ý kiến về vụ dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu và Hoàng Mai (Hà Nội) cũng bị trì hoãn rất lâu, chỉ đến khi Phó Thủ tướng có chỉ đạo mới rốt ráo vào cuộc. Với thực tế ấy, sau này muốn truy cứu trách nhiệm thì hoàn toàn có cơ sở để xem xét trách nhiệm trong việc giải quyết vụ án của các cơ quan điều tra, tố tụng.

18

Luật sư Nguyễn Hữu Toại

Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Đủ chứng cứ mà không khởi tố là vi phạm pháp luật

Gia đình nạn nhân đã cung cấp chứng cứ, có đơn tố cáo các đối tượng có hành vi dâm ô với trẻ em. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng của địa phương vẫn không khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Chỉ khi các cơ quan thực thi pháp luật Trung ương có văn bản chỉ đạo thì họ mới ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Việc này dấy lên sự nghi ngờ của công chúng về tính nhất quán trong áp dụng pháp luật. Có thể các cơ quan tiến hành tố tụng của địa phương sợ trách nhiệm, sợ làm oan sai khi chứng cứ chưa thực sự vững chắc để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, nếu đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà các cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố là hành vi bao che cho tội phạm, cần bị xử lý nghiêm theo quy định tại Điều 294, Bộ luật Hình sự “Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”.

Tuy nhiên, cần khẳng định thêm rằng, nếu chứng cứ chưa đầy đủ, chưa thỏa mãn cấu thành tội phạm mà khởi tố vụ án, khởi tố bị can sẽ là việc làm sai lầm. Dưới áp lực của dư luận, các cơ quan tiến hành tố tụng phải độc lập, khách quan, không thể chiều theo công chúng. Công lý không thể theo ý muốn của đám đông và càng không phải sự trả thù.

19

Luật sư Giang Hồng Thanh 

Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Không loại trừ có khuất tất

Với tội dâm ô trẻ em, chỉ cần cố ý đụng chạm vào các vị trí nhạy cảm trên cơ thể trẻ em đã là phạm tội. Mà sự đụng chạm thì hầu như không thể chứng minh. Bởi thế, sự thận trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng là dễ hiểu. Nếu chỉ căn cứ vào lời tố giác của trẻ em mà kết luận một ai đó phạm tội sẽ dễ gây nên oan sai.

Thông thường để kết luận ai đó có hành vi dâm ô trẻ em, cơ quan pháp luật căn cứ vào lời khai của bị hại, lời thú nhận của người phạm tội, hoặc lời trình bày của người chứng kiến sự việc. Nếu những lời này trùng khớp nhau về nội dung thì khi đó mới có thể đưa ra kết luận. Chính vì những phân tích ở trên mà nhiều khi cơ quan pháp luật, dù muốn đưa ra ánh sáng những hành vi đồi bại này, cũng “không làm gì được”.

Tuy nhiên, không loại trừ nguyên nhân là trong một số vụ việc cụ thể, cơ quan chức năng chưa quyết liệt vào cuộc khiến người phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Điều này khiến dư luận đặt nghi vấn rằng đã có khuất tất nào đó.

20

Luật sư Lê Văn Luân

Luật sư Lê Văn Luân (Đoàn luật sư TP Hà Nội, người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị xâm hại ở quận Hoàng Mai):

Gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự

Việc nhiều vụ dâm ô, lạm dụng tình dục trẻ em chưa được giải quyết kịp thời và nghiêm khắc đúng mức có nhiều nguyên nhân. Trước hết có thể do trình độ và nhận thức pháp luật của những người thuộc cơ quan có thẩm quyền giải quyết chưa đầy đủ dẫn đến việc điều tra không đến nơi đến chốn, thậm chí dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa đúng, họ cứ phải chờ đầy đủ chứng cứ mới dám truy, khởi tố. Mà như vậy thường rất lâu, rất khó.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, có sự chi phối nào đó nên cơ quan chức năng chưa thực sự làm hết trách nhiệm. Điều này có thể lý giải khi sự việc xảy ra, các cơ quan bên dưới luôn khẳng định, không thể khởi tố điều tra vì không đủ căn cứ, nhưng đến khi cấp trên chỉ đạo xuống thì khởi tố được ngay. Vậy có vấn đề gì khuất tất ở đây? Nếu có, đây chính là hành vi xâm phạm vào hoạt động tư pháp, vi phạm pháp luật mà Bộ luật Hình sự đã có những quy định rất cụ thể.

Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm:

a) Không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng;

b) Gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm.

(Điều 294, Bộ luật Hình sự quy định Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.