Thế giới giao thông

Ấn Độ cấm xe tải nặng lưu thông cao tốc trong giờ vàng

11/10/2016, 11:55
image

Theo sáng kiến “Các giờ vàng”, xe tải hạng nặng sẽ bị cấm hoạt động trên tuyến khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ.

unnamed
Đoàn công tác của ông R.K.Padmanabhan - người đứng đầu dự án “Các giờ vàng” thị sát tuyến cao tốc Pune - Mumbai tuần trước

Tháng trước, sáng kiến “Các giờ vàng” được chính thức áp dụng trên tuyến cao tốc Pune - Mumbai (Ấn Độ) nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sáng kiến này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các chủ xe và doanh nghiệp vận tải. Trong khi đó, hành khách lại tỏ ra đồng tình và tình trạng tắc nghẽn giao thông trên cao tốc này cũng đã được cải thiện…

Triển khai “Các giờ vàng” để giảm tắc nghẽn

Theo sáng kiến “Các giờ vàng” trên đường cao tốc Pune - Mumbai (Ấn Độ), xe tải hạng nặng sẽ bị cấm hoạt động trên tuyến khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ vào các ngày cuối tuần, thứ hai cũng như các ngày lễ nhằm đối phó với tình trạng tắc nghẽn giao thông, đặc biệt tại khu vực đồi núi Khandala.

Được biết, đây là dự án “Các giờ vàng” của Đội tuần tra (HSP) và cơ quan quản lý đường cao tốc do ông R.K.Padmanabhan - quan chức cảnh sát cấp cao kiêm người đứng đầu. Thông tin cũng cho biết thêm, quyết định cấm sẽ ngoại trừ các xe tải hạng nặng chở hàng hóa thiết yếu; Đồng thời, cũng sẽ thông báo thời gian biểu linh động để điều phối giao thông vào những ngày lễ.

Nói về quy định cấm xe này, một cảnh sát trên tuyến cao tốc Pune - Mumbai cho biết, các xe tải hạng nặng thường gặp trở ngại về kĩ thuật và dễ gặp tai nạn khi đi qua khu vực đồi núi, đặc biệt tại cầu Amrutanjan. Nếu xảy ra tai nạn, giao thông sẽ tắc nghẽn, nhất là dịp cuối tuần. Sau khi Đội tuần tra đường cao tốc thử nghiệm dự án này vào hai ngày thứ sáu và thứ bảy đã cho kết quả đáng ngạc nhiên: Không có ùn tắc giao thông xảy ra khi di chuyển từ Mumbai đến Pune.

Trước khi tiến hành thử nghiệm, HSP đã nghiên cứu dữ liệu về ùn tắc giao thông suốt ba tháng trước đó. Nghiên cứu cho thấy, vào thứ bảy và chủ nhật, khu vực này rơi vào tình trạng tắc nghẽn bởi các xe hạng nặng. Những chiếc xe này gặp trở ngại vì độ dốc của khu vực đồi núi; Trong khi những chiếc xe khác bị va chạm do tắc nghẽn. Theo nghiên cứu, có những hôm ùn tắc kéo dài đến 7 tiếng đồng hồ với quãng đường 5 - 6km khiến các phương tiện giao thông “án binh bất động”.

Doanh nghiệp phản đối, người dân đồng tình

“Các giờ vàng” sau khi được đưa vào thực tế gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các chủ xe. Theo các chủ xe và doanh nghiệp vận tải, việc cấm xe sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu. Cùng với đó, họ cho biết sẽ đưa ra quan điểm của mình với người đứng đầu bang Maharashtra - ông Devendra Fadnavis để đưa ra giải pháp thích hợp. Các chủ xe và doanh nghiệp vận tải cũng tuyên bố, mặc dù cấm các xe tải hạng nặng trên đường cao tốc vào những thời điểm nhất định nhưng tình hình giao thông vẫn không biến chuyển vào thứ bảy và chủ nhật.

Ông Baba Shinde - Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Ấn Độ cho biết, họ không phản đối việc tổ chức, sắp xếp giao thông trên đường cao tốc. “Thực tế, xe thương mại sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu không xảy ra ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc cấm các phương tiện cơ giới lớn hơn không phải là một giải pháp. Đường cao tốc được xây dựng nhằm đảm bảo sự kết nối nhanh hơn đến cảng Mumbai và quyết định cấm xe này sẽ đi ngược với mục tiêu ban đầu”, ông Baba nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Baba Shinde cũng đề xuất biện pháp: “Các nhà chức trách có thể đánh dấu một đường dành riêng cho các xe tải hạng nặng, còn lại dành cho các xe hạng nhẹ. Họ có thể chạy thử để kiểm tra tính khả thi…”. Cũng theo vị này, các cơ quan chức năng cần xem xét những điểm hạn chế của dự án “Các giờ vàng” và bắt đầu các biện pháp khắc phục để tránh tai nạn và sự cố.

Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ “Các giờ vàng”. Balakrishna Hegde, một người thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến này cho biết, xe cộ phải di chuyển chậm lại trong khu vực đồi núi chính bởi các xe tải hạng nặng. Những người lái xe không tuân thủ luật lệ về làn đường, dẫn đến việc ùn tắc. Trong một diễn biến khác, vào thứ bảy tuần trước, quan chức cảnh sát cấp cao ông R.K.Padmanabhan đã thị sát tuyến cao tốc Pune - Mumbai nhằm đánh giá lại “Các giờ vàng” - đứa con tinh thần của ông sau một tháng đi vào thực tế. Ngoài ra, ông này cũng tiếp xúc với hành khách và cùng thảo luận về các giải pháp nhằm cải thiện điều kiện giao thông, ngăn ngừa tai nạn.

Thanh tra cảnh sát Sudhir Aspat trên tuyến cao tốc Pune - Mumbai cho biết, ông R.K.Padmanabhan trao đổi với những người sử dụng đường cao tốc để giúp họ hiểu được ý nghĩa của dự án này: “Hầu hết các hành khách đều cho biết, dự án “Các giờ vàng” đã giảm bớt lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc”, vị này thông báo.

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.