Vận tải

Ẩn họa mới: Chiếu laser vào buồng lái phi công

16/03/2016, 19:03

Một máy bay của Vietnam Airlines vừa đối mặt với nguy cơ mất an toàn khi phi bay bất ngờ bị tia laser chiếu...

7
Chiếu tia laser vào khoang lái là hành vi nguy hiểm, có thể gây tổn thương mắt phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời tàu bayHiểm họa khôn lường

Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Sơn cho biết, vừa qua, tại Sân bay Pleiku (Gia Lai), khi tàu bay của Vietnam Airlines hạ cánh đã xảy ra hiện tượng buồng lái bị chiếu ánh sáng laser gây chói mắt phi công đang điều khiển tàu bay. “Đây là hành vi nguy hiểm, có thể gây tổn thương mắt phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời tàu bay, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hoạt động bay hàng không dân dụng, vi phạm các quy định của quốc tế và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng”, ông Sơn nói.

- Tại Việt Nam, tia laser được coi như một loại công cụ hỗ trợ và được quản lý sử dụng theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và kiểm tra định kỳ về kỹ năng sử dụng.

-Năm ngoái, tại Mỹ, một người đàn ông đã bị cảnh sát bắt giữ vì chiếu tia laser vào mắt các phi công đang điều khiển máy bay cất và hạ cánh ở Sân bay LaGuardia, TP New York, Mỹ. Trò nghịch dại này gây tổn thương mắt của 3 phi công. Được biết, từ năm 2011, Mỹ đã thông qua luật cấm dùng bút laser chỉ vào phi công trên máy bay, nếu vi phạm sẽ phạt tiền và lĩnh án 5 năm tù giam.

Trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề này, Phó trưởng phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không VN) Tô Tử Hùng cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận các trường hợp như thế này. Trước đó, trong một báo cáo gửi Cục Hàng không VN, Jetstar Pacific cho biết, khi máy bay của Jetstar đang hạ cánh tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, phi công của hãng này đã cảm thấy có hiện tượng như bị tia laser chiếu vào mắt. Rất may hiện tượng này xảy ra nhanh và chưa gây ảnh hưởng đến an toàn của chuyến bay.

Cũng theo ông Hùng, ngành Hàng không dân dụng nhiều nước trên thế giới cũng đã phải đối mặt với vấn đề này, đặc biệt là Nga, New Zealand.

“Trên thực tế, việc chiếu laser vào mắt phi công sẽ gây ra tình trạng mù tạm thời. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu lúc đó phi công đang điều khiển máy bay cất, hạ cánh”, ông Hùng nói và phân tích thêm: Laser có 2 loại gồm tia laser đỏ, thường thấy là các bút laser dùng để chỉ trong khi trình chiếu tài liệu. Một loại khác là tia laser xanh, có bước chiếu xa hơn, được ứng dụng trong công nghệ trình chiếu ánh sáng, hiệu ứng ánh sáng nhất định. Người thường nếu bị tia laser xanh chiếu vào mắt với cường độ cao có thể bị tổn thương giác mạc, thậm chí có thể mù vĩnh viễn.

Liên quan đến vụ việc vừa xảy ra với phi công của Vietnam Airlines, ông Hùng cho rằng: “Có thể do sự bất cẩn của những người làm công tác liên quan đến nghệ thuật biểu diễn, khi ở gần sân bay, hoặc đường tiếp cận sân bay, lúc máy bay hạ cánh thì vô tình chiếu vào mắt phi công chứ không ác ý”, ông Hùng phân tích và cho biết, khả năng do người dân “nghịch dại”, mua các thiết bị này để chiếu lên máy bay là có nhưng rất hãn hữu.

Dùng đèn chiếu gần sân bay phải thông báo

Liên quan đến chế tài cho hành vi chiếu tia laser vào khoang lái máy bay, Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn cho biết, hiện chưa có quy định xử lý về hành vi này. Mặc dù vậy, ông Sơn cho biết thêm, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã khuyến cáo quốc gia ngăn ngừa việc sử dụng đèn laser làm ảnh hưởng hoạt động bay. Ủy ban An ninh hàng không quốc gia vừa có chỉ thị gửi các cơ quan liên quan về vấn đề này.

Để đảm bảo tuyệt đối hoạt động an toàn bay hàng không dân dụng, ngăn chặn các hành vi vi phạm tương tự, chỉ thị yêu cầu Ban chỉ huy khẩn nguy hàng không địa phương chỉ đạo cơ quan công an địa phương xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát, phát hiện và có biện pháp khuyến cáo tổ chức, cá nhân xung quanh khu vực CHK, sân bay không sử dụng đèn chiếu tia laser gây nguy hiểm cho hoạt động bay. Các CHK, sân bay cần chủ trì, phối hợp với đại diện cảng vụ hàng không và đài kiểm soát không lưu, chủ động phát hiện hiện tượng dùng đèn chiếu tia laser chiếu vào khu vực có tàu bay hoạt động để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời.

Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân khi tổ chức các sự kiện gần khu vực cảng hàng không, sân bay có sử dụng các loại đèn chiếu laser phải xin phép chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền và thông báo với nhà chức trách hàng không tại CHK, sân bay đó. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.