Xem - ăn - chơi

Ân tình rơm rạ

23/06/2018, 19:12

Nhiều lúc tôi bần thần đứng trước cánh đồng quê sau vụ gặt chi chít những gốc rạ như mắt lưới.

65

Ảnh minh họa

Cái tấm lưới rạ không choàng lên chụp xuống bầy chim sẻ, cu gáy đi nhặt bòn mót những hạt thóc rụng còn sót lại. Mẹ tôi, người đã gắn bó cả đời mình với cánh đồng quê, với rơm với rạ. May sao rơm rạ ấm lòng đã quây lại sum vầy cho mẹ bớt đi khuya khoắt,nhọc nhằn. Quờ tay vào đâu cũng gặp xôm xốp mềm thơm tin cậy yêu thương. Ngả lưng xuống rơm rạ thành giường. Nhóm bếp lên rạ rơm thành cơm sôi, chè chát…

Rạ là phần thân dưới của thân lúa, rơm là phần ngọn bông lúa. Khi gặt người ta gánh phần ngọn lúa tuốt hạt lúa rơi ra khỏi ngọn thành ngọn rơm. Còn rạ được phơi ngoài đồng để khi khô nỏ mới gánh về. Màu rơm rạ khi phơi khô cũng khác nhau: Rơm có màu vàng ươm ngược lại rạ có màu xám như cánh chim sẻ. Chức năng sử dụng của rơm rạ cũng khác nhau: Rơm được phơi khô để làm thức ăn cho trâu bò khi mùa đông giá rét cỏ tươi khan hiếm. Rạ dùng lợp nhà hoặc làm chất đốt cho việc đun nấu. Cái thân cây sót lại sau vụ gặt đã âm ỉ cháy rồi bất chợt bùng lên trước khi tro tàn. Cái ánh lửa rơm rạ có chút gì nuối tiếc mà không yếu đuối không vùng vằng ánh lên như một niềm kiêu hãnh để không thành than mà thành tro thành đất, thành phù sa sạch, phù sa thật, phù sa ấm - Phù sa từ quà tặng cánh đồng …

Khi rơm rạ khô nỏ, người ta chôn một cây tre già đã phơi khô trên mảnh đất rộng thường là đầu chái bếp hoặc cạnh chuồng trâu. Rồi rãi rạ rơm xung quanh từng lớp, từng lớp hình vòng tròn cho người leo lên dẫm thật chặt. Cái khó của việc “đánh” cây rơm, cây rạ là sao cho thành ngọn càng lên cao càng nhỏ dần cho đến khi thành hình chiếc nón úp. Cái hình thù cây rơm thật ngộ nghĩnh là bạn chơi của đám trẻ con trốn tìm. Là ủ bóng cho đàn gà trưa hè, là nơi con trâu đủng đỉnh lim dim mắt nằm nhai rơm, nhai nắng. Cái hình thù cây rơm trong ký ức tuổi thơ là: “Đầu đội chiếc nồi đất - Xương sống cọc tre vườn”. Cây rơm, cây rạ cũng có thân phận như con người vậy. Vì thế dân gian đã đúc kết chắt lọc những kinh nghiệm sống trong đối nhân xử thế: “Quyền rơm vạ đá…”.

Mùa gặt xong rơm theo người về làng còn rạ lại được chùm lên như những cái nơm úp xuống mặt cánh đồng. Rơm rạ thật hiền và có hậu. Mẹ đã dày công chọn lựa những sợi rơm mập mạp, vàng óng nhất để tỷ mẩn đan cài vào nhau sống sít rồi nút lạc xiết vòng làm chổi rơm. Chổi rơm quét rác, không chỉ rác trong sân nhà mà quét ra cả ngoài ngõ, đường làng cho thơm thảo sạch sẽ: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” mẹ tôi bảo thế. Mẹ lấy cái ăn cái mặc thường ngày để truyền cái đức hạnh phẩm hạnh cho con cái. Mẹ đã chọn dâu từ cái dáng lưng thắt eo của người con gái quét sân bằng chiếc chổi rơm. Mềm mại mà không tất bật lại có gì cao sang quấn quýt. Và tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh chứa chan bao nỗi niềm ân tình rơm rạ: “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”… N.N.P

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.