Ăn và bán không từ thứ gì nhưng luôn "đúng quy trình"

25/07/2016, 14:11

ĐBQH Bùi Văn Phương và Nguyễn Sỹ Cương thẳng thẳn nêu ra những bức xúc về bộ máy cán bộ công chức hiện nay.

201607251106474501_DSC_5129

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017

Sáng nay 25/7, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Ủng hộ nội dung giám sát về bộ máy hành chính, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, nếu chúng ta muốn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính thì chắc chắc phải đặt ra vấn đề này. "Bộ máy của chúng ta dường như là kín, đầy đủ, chặt chẽ từ thôn xóm, tổ dân phố nhưng tại sao vẫn xảy ra rất nhiều chuyện để người dân ai oán?" - ĐB Phương đặt vấn đề.

Theo ĐB Phương, chúng ta để người dân ăn bẩn ảnh hưởng sức khoẻ; để môi trường ô nhiễm tức là bộ máy cán bộ không làm tròn trách nhiệm. Trước đây có đề cập đến việc “ăn không từ thứ gì” thì nay thêm từ “bán không từ thứ gì”.

"Có người nói năng lực kém, nhưng cử tri nói năng lực không hề kém vì việc đó người dân biết cả, nhưng đằng sau có lợi ích chi phối nên làm ngơ cho xả thải chất độc ra môi trường, cho hàng gian, hàng giả lộng hành. Cái này là do phẩm chất đội ngũ cán bộ" - ĐB phân tích và cho rằng, cần xem lại việc quy trách nhiệm của cán bộ.

Dẫn câu chuyện mà ĐB Nguyễn Bá Thuyền từng kể về "cháu nhỏ chơi chạy trốn", nhưng trốn đâu cũng bị bắt, cuối cùng: “Cháu cứ trốn vào tập thể là không bắt được”, ĐB Phương cho rằng đâu là câu chuyện vui nhưng để thấy rằng nếu không quy trách nhiệm cá nhân thì với tập thể đều không xử lý được.

"70% người dân đóng thuế nuôi bộ máy cán bộ, cán bộ không làm trách nhiệm thì trách nhiệm thuộc về ai" - ĐB đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thẳng thắn nhận định rằng bộ máy nhà nước có vấn đề nhưng bộ máy tự thân nó không làm nên điều gì mà được tạo ra từ hành động của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

"Chúng ta ai cũng nhận thấy, nếu có bộ máy tốt, đội ngũ cán bộ biết trách nhiệm, bổn phận của mình thì không có nền hành chính còn nhiều ách tắc, phiền hà, đầu tư dàn trải kém hiệu quả để hàng tỷ triệu USD lãng phí mỗi năm góp thêm vào nợ công, không có việc xả thải làm ô nhiễm và huỷ diệt môi trường khủng khiếp như ở miền Trung vừa qua, không có tình trạng phá rừng diễn ra ở nhiều nơi, không có nạn cấp khống chứng nhận chất lượng thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi làm nông dân khốn đốn...  Nếu chúng ta có bộ máy chính quyền địa phương vững mạnh và đội ngũ cán bộ đạt chuẩn như tiêu chí xác định nông thôn mới thì chắc chắn không có tình trạng thực phẩm không an toàn tràn lan, hàng chục vạn dân nghèo phải khốn khổ vì đa cấp, hàng ngàn người rơi vào cùng quẫn khi vỡ nợ tín dụng đen..." - ĐB Cương nêu quan điểm.

Ông cũng đặt câu hỏi về vai trò chính quyền địa phương ở đây là gì? Chính quyền ở đâu cũng có bộ máy đầy đủ, đội ngũ cán bộ công chức viên chức đông đảo nhưng hễ việc gì xảy ra trên địa bàn cũng không biết, kiểm tra, kiểm điểm rồi cũng thì không thấy rõ khuyết điểm thuộc về ai và cuối cùng luôn đúng quy trình.

"Dường như cán bộ bây giờ họp hành quá nhiều, đến mức khi có việc gì xảy ra, người dân kêu cứu, báo chí xin gặp thì bận họp, luôn từ chối" - ông Cương nêu thực trạng.

ĐB tỉnh Ninh Thuận cho rằng, sự vận hành của bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là nguyên nhân chủ yếu của của nhiều vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội và rất cần giám sát. Vì vậy, ĐB đồng tình cao với giám sát bộ máy hành chính nhưng cần đi vào nội dung cụ thể làm rõ thực hiện quy định pháp luật về trách nhiệm của cơ quan tổ chức hành chính các cấp và cán bộ công chức viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.