Vận tải

“Anh cả đỏ” vận tải biển VOSCO thoát lỗ bằng cách nào?

22/11/2017, 09:30

VOSCO đang tích cực làm việc với các tổ chức tín dụng để hoàn thành việc tái cơ cấu nợ...

14

Dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh vận tải của VOSCO trong năm 2017 có lãi - Ảnh: Tạ Tôn

Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) một thời được xem là “Anh cả đỏ” trong ngành vận tải biển, nhưng những năm qua không tránh khỏi thua lỗ bởi sự xuống dốc của thị trường vận tải biển. Dù vậy, VOSCO đã tìm được hướng đi mới và thoát lỗ, thậm chí sản xuất kinh doanh có lãi trong năm 2017.

Tận dụng lợi thế, tạo liên kết vận tải

Theo một số nghiên cứu vận tải, đà suy giảm của thị trường vận tải biển bắt đầu từ năm 2008. Chỉ số BDI (Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic để đánh giá mức phí thuê tàu chở những mặt hàng nguyên liệu thô như: Quặng sắt, than, xi măng, ngũ cốc…) từ mốc 12.000 điểm giảm một mạch xuống dưới 700 điểm vào cuối năm. Thậm chí đầu năm 2016, BDI có lúc rơi xuống chỉ còn 290 điểm, khiến hầu hết doanh nghiệp vận tải biển thua lỗ nặng. Một số đơn vị của Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) cũng không tránh được điều này, bởi theo tính toán, khi chỉ số BDI khoảng 2.500-3.000 điểm thì đội tàu của Vinalines mới hòa vốn.

Thực hiện theo chủ trương chung của Vinalines là liên kết các công ty nhằm huy động nguồn lực tăng khả năng cạnh tranh, vừa qua, VOSCO và các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Vinalines đã liên kết để tạo sức mạnh chung. Cụ thể, VOSCO và Công ty Vận tải biển Vinalines VLC, Công ty CP Vận tải biển Vinaship và Công ty CP Hàng hải Đông Đô đã liên kết tổ chức một “Consortsiom” để ký kết Hợp đồng khung với các tập đoàn lớn của Maylaysia như: Petronas Chemicals Marketing Ltd, Hemat Marine Sdn Bhd về vận chuyển phân bón. Theo đó, đội tàu biển của Vinalines, do VOSCO thực hiện vai trò “điều phối”, sẽ vận chuyển phân bón từ Malaysia đi Thái Lan, Philippines. Sản lượng vận chuyển dự kiến từ 1-2 triệu tấn/năm và có thể tăng dần trong các năm tiếp theo.

Có thể thấy rõ sự suy giảm theo kiểu “rơi tự do” này bằng ví dụ về cước thuê định hạn tàu loại tàu hàng khô có trọng tải từ 40.000 tấn đến trên 100.000 tấn giảm tới 90%. Có thời điểm, chỉ trong một tuần, giá cho thuê định hạn tàu hàng rời trọng tải 74.000 DWT từ mức 40.000 USD/ngày đã giảm xuống còn 19.000 USD/ngày.  Trong khi đó, thời kỳ thịnh vượng của vận tải biển, giá cho thuê định hạn một tàu loại này lên tới 70.000 USD/ngày. Còn thời điểm hiện tại, giá cước chỉ còn từ 5.000 - 8.000 USD/ngày.

Trong bối cảnh trên, để giúp các doanh nghiệp vận tải biển thoát cơn bĩ cực, Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo, hướng dẫn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tổ chức đấu thầu trong nước đối với các hợp đồng vận chuyển than nhập khẩu bằng đường biển. Đây là cơ hội cho đội tàu Việt Nam tham gia vận chuyển và nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Thực hiện chủ trương trên, Vinalines (Công ty mẹ của VOSCO) khẩn trương triển khai những động thái cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị vận tải thành viên. Có thể kể đến là đầu năm 2017, Vinalines và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Vinalines sẽ cung cấp dịch vụ vận tải bằng tàu hàng rời/sà lan theo nhu cầu của TKV đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế. Sự hợp tác với TKV, một khách hàng lớn của các doanh nghiệp vận tải biển, đặc biệt là mặt hàng than xuất nhập khẩu, đã mang lại nguồn hàng ổn định cho VOSCO.

Thêm hướng đi mới, kết quả khởi sắc

Đáng nói là VOSCO đã không thụ động, chỉ trông chờ sự hỗ trợ của công ty mẹ để vượt qua khó khăn. Lãnh đạo VOSCO cho biết, hàng loạt giải pháp đã được đưa ra trong những năm qua và được thực hiện quyết liệt trong năm 2017. Từ việc cơ cấu lại đội tàu, thanh lý tàu già, cũ đến việc tái cơ cấu nợ từ các tổ chức tín dụng trong nước, mua bán nợ theo cơ chế thị trường.

“Biện pháp quan trọng nhất mà VOSCO đã làm là tìm hướng đi mới để vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh. VOSCO đang khai thác 25 tàu, trong đó hơn 1 năm nay thường xuyên có 7 - 10 tàu được VOSCO thuê của thị trường bên ngoài”, lãnh đạo VOSCO cho biết.

Tìm hiểu từ giới vận tải biển cho thấy, đây là lần đầu tiên một công ty vận tải biển trong nước áp dụng hình thức này. Ngay cả trong các đơn vị thành viên của Vinalines, thông thường các doanh nghiệp vận tải biển thành viên của Vinalines vẫn đầu tư tàu và cho thuê định hạn. Nhìn chung, đây cũng là cách làm vẫn mang lại hiệu quả ở thời điểm hiện tại.

Cũng theo lãnh đạo VOSCO, đơn vị đang tiếp tục phấn đấu để những tháng cuối năm 2017 kết quả kinh doanh tiếp tục khởi sắc. Sau một giai đoạn thua lỗ kéo dài, dự kiến năm 2017 sẽ là lần đầu tiên trong vài năm qua, VOSCO hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu, có lợi nhuận cân bằng từ sản xuất kinh doanh.

“VOSCO đang tích cực làm việc với các tổ chức tín dụng để hoàn thành việc tái cơ cấu nợ, qua đó bức tranh chung vào cuối năm của VOSCO sẽ sáng sủa hơn nhiều và đơn vị sẽ có lãi”, thông tin từ VOSCO cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.