Pháp đình

Anh em ruột tranh nhà, tòa xử 12 năm chưa xong

20/04/2015, 11:34

Vụ kiện này kéo dài 12 năm, với 8 phiên xử qua nhiều cấp nhưng vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

tranh chap dat dai
Căn nhà xảy ra tranh chấp giữa hai anh em ông Phạm Trường Tân và Phạm Trường Thanh

Ngày 21/4, TAND tỉnh Bình Định sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sở hữu nhà ở giữa nguyên đơn là ông Phạm Trường Tân (78 tuổi), bị đơn là vợ chồng ông Phạm Trường Thanh (69 tuổi) và bà Võ Thị Bình (56 tuổi, cùng ngụ TP Quy Nhơn) vào ngày 21/4. Nguyên đơn và bị đơn là anh em ruột. Vụ kiện này kéo dài 12 năm, với 8 phiên xử qua nhiều cấp nhưng nhiều vấn đề của vụ kiện vẫn chưa được làm rõ.

Em mua đất, anh đòi nhà

Năm 2003, Phạm Trường Tân khởi kiện ra tòa cho rằng năm 1990 ông mua lô đất tại 127 đường Diên Hồng, TP Quy Nhơn cho xây nhà mới. Ông Tân nhờ em ruột là Phạm Trường Thanh quản lý việc xây dựng nhà. Sau đó, vợ chồng ông Thanh cùng con cái đến ở luôn từ đó đến nay. Do đó, ông Tân khởi kiện ra tòa, yêu cầu vợ chồng ông Thanh trả lại nhà.

Tuy vậy, vợ chồng ông Thanh trình bày lô đất 127 đường Diên Hồng là của vợ chồng ông sang lại từ ông Trần Lợi (TP Quy Nhơn) với giá 9 chỉ vàng và 200.000 đồng, có giấy viết tay. Khi xây dựng nhà, vợ chồng ông Thanh có mượn vật liệu xây dựng của ông Tân trị giá khoảng 50 chỉ vàng và ở ổn định đến nay.

Khi đăng ký quyền sở hữu, ông Tân bảo để ông đứng tên sở hữu để có điều kiện đăng ký kinh doanh ngành xây dựng do ông Tân là thầu xây dựng. Hiện vợ chồng ông Thanh đang giữ sổ chứng nhận quyền sở hữu nhà 127 Diên Hồng do UBND tỉnh Bình Định cấp. Việc vợ chồng ông Thanh mua đất, làm nhà và ở tại ngôi nhà này từ năm 1989 đến nay đều có những người sống liền kề xác nhận. Thực tế, từ năm 1990 đến nay, vợ chồng ông Thanh đều đứng tên đóng thuế quyền sử dụng đất.

Tòa xử bất nhất

Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 14/9/2004, TAND TP Quy Nhơn tuyên công nhận nhà 127 Diên Hồng thuộc quyền sử dụng của ông Tân; buộc vợ chồng ông Thanh phải giao lại ngôi nhà trên và sổ chứng nhận quyền sở hữu; đồng thời buộc ông Tân trả lại hơn 36 triệu đồng tiền xây dựng mới cho vợ chồng ông Thanh.

Ngày 19/9/2005, TAND tỉnh Bình Định xử phúc thẩm, nhận định án sơ thẩm buộc vợ chồng ông Thanh phải trả nhà và đất cho ông Tân là chưa có căn cứ. Bởi lẽ, việc chuyển nhượng đất giữa ông Trần Lợi và vợ chồng ông Phạm Trường Thanh từ đó đến nay không xảy ra tranh chấp gì. Do đó, tòa tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND TP Quy Nhơn, giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm thẩm tra, giải quyết lại với thành phần hội đồng xét xử khác.

Ngày 2/8/2007, TAND TP Quy Nhơn xử sơ thẩm lại vụ kiện, tuyên công nhận ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Phạm Trường Thanh, bà Võ Thị Bình. Thế nhưng, tại phiên xử phúc thẩm ngày 27/12/2007, TAND tỉnh Bình Định lại tuyên ngược lại, công nhận ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của ông Tân.

Ngày 26/2/2009, chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị bản án ngày 27/12/2007 của TAND tỉnh Bình Định. Theo đó, chánh án TAND Tối cao nhận định, về mặt pháp lý, ông Tân là người có tên trong các giấy tờ về quyền sở hữu nhà nhưng thực tế ông Thanh là người trực tiếp đứng tên giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trực tiếp xây dựng nhà ở, quản lý sử dụng từ khi chuyển nhượng đến nay. Việc tòa cấp phúc thẩm chỉ căn cứ vào việc ông Tân được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà để công nhận ông Tân có quyền sở hữu nhà, từ đó buộc vợ chồng ông Thanh giao nhà cho ông Tân là chưa có căn cứ vững chắc.

Chánh án TAND Tối cao đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao xem xét giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm nêu trên của TAND tỉnh Bình Định và hủy bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP Quy Nhơn; giao hồ sơ cho TAND TP Quy Nhơn xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Thế nhưng, khi xét xử sơ thẩm lại vào ngày 30/9/2010, TAND TP Quy Nhơn vẫn tuyên công nhận ngôi nhà 127 Diên Hồng thuộc quyền sở hữu của ông  Tân. Tòa cũng buộc ông Tân có nghĩa vụ trả cho vợ chồng ông Thanh 300 triệu đồng tiền công sức trông coi nhà.

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 22/5/2012, TAND tỉnh Bình Định hủy bản án dân sự sơ thẩm số của TAND TP Quy Nhơn vì vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Ngày 5/8/2014, TAND TP Quy Nhơn đưa vụ tranh chấp trên ra xét xử sơ thẩm lại, tuyên án với nội dung như phiên xử sơ thẩm ngày 30/9/2010, tức công nhận ngôi nhà và đất số 127 Diên Hồng thuộc quyền sở hữu của ông Tân. Sau đó, vợ chồng ông Thanh kháng cáo.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Theo vợ chồng ông Phạm Trường Thanh, TAND TP Quy Nhơn đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng khi không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là sáu người con của vợ chồng ông tham gia tố tụng, bởi những người con của vợ chồng ông Thanh đều được sinh ra, lớn lên tại căn nhà số 127 Diên Hồng. Trong nhiều lần sửa chữa, xây dựng nhà, đều có sự đóng góp tiền bạc của các người con. Mặt khác, trong quá sinh sống, những người con của vợ chồng ông Thanh đều có góp công sức trong việc san lấp, phát triển thêm diện tích đất khuôn viên của căn nhà.

Mặt khác, ông Thanh cho rằng cấp sơ thẩm đã xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định sai quan hệ tranh chấp trong vụ kiện này. Trong khi nguyên đơn không hề yêu cầu tòa án công nhận quyền sở hữu ngôi nhà 127 Diên Hồng mà từ đầu đến cuối chỉ yêu cầu bị đơn trả lại nhà, bồi thường thiệt hại. Do đó, cấp sơ thẩm đã áp dụng pháp luật sai khi công nhận luôn phần đất lấn chiếm ngoài chủ quyền (hơn 30 m2) cho ông Phạm Trường Tân thay vì phải công nhận phần đất này cho vợ chồng ông Thanh.

Sau khi vợ chồng ông Thanh kiến nghị, TAND tỉnh Bình Định đồng ý đưa năm người con của vợ chồng ông Thanh tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, theo luật sư Đàm Bảo Hoàng (Văn phòng Luật sư Đàm Bảo Hoàng, TP HCM), thực tế việc đưa những người trên tham gia cấp phúc thẩm chỉ mang tính chất hình thức bởi những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có quyền được kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 5/8/2014 của TAND TP Quy Nhơn. Khi không kháng cáo thì đương nhiên không được tòa cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết các yêu cầu, đề nghị của họ đối với bản án sơ thẩm. 

Nguồn cơn do cấp "sổ đỏ" sai

Chứng cứ quan trọng nhất để ông Phạm Trường Tân khởi kiện đòi căn nhà 127 Diên Hồng là “sổ chứng nhận quyền sở hữu nhà” do UBND tỉnh Bình Định cấp cho ông Tân ngày 30/11/1992. 

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, Sở Xây dựng Bình Định thừa nhận việc cấp đất, chứng nhận quyền sở hữu nhà cho ông Phạm Trường Tân không đúng theo các quy định ở thời điểm năm 1992; hồ sơ, thủ tục, trình tự giao đất, cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà đều không đúng quy định. Trách nhiệm này thuộc các cơ quan tham mưu và UBND TP Quy Nhơn thời điểm đó. Căn cứ để UBND tỉnh Bình Định ra quyết định giao đất, cấp sổ chứng nhận quyền sở hữu nhà cho ông Tân là một danh sách cán bộ được cấp đất, trong đó ông Phạm Trường Tân khai là cán bộ Xí nghiệp Xăng dầu tỉnh Nghĩa Bình. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Tân mạo danh cán bộ để được cấp đất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.