Lối sống

Áp lực học hành khắc nghiệt của trẻ em Singapore

12/11/2017, 08:05

Singapore từ một làng chài bé nhỏ vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á...

19

Học sinh Singapore luôn đứng đầu các bảng xếp hạng về toán học, khoa học và ngôn ngữ nhưng đi kèm là áp lực nặng nề

Singapore từ một làng chài bé nhỏ vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu khu vực Đông Nam Á và là biểu tượng của thế giới về sự phát triển thần kỳ. Góp phần vào thành công đó chính là một nền giáo dục chú trọng toán học, khoa học cho trẻ em từ khi còn nhỏ. Thế nhưng, đây cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ em tại Singapore đối mặt áp lực học hành khắc nghiệt.

Thà tự tử còn hơn mang điểm về nhà

Chỉ trong khoảng 50 năm, Singapore, một thuộc địa cũ của Anh đã vươn lên từ nền kinh tế lao động kỹ năng thấp, giá rẻ thành một thị trường lao động kỹ năng cao với hơn một nửa nhân lực là các sinh viên tốt nghiệp đại học. Thế nhưng, xã hội Singapore vẫn phải đối mặt với rất nhiều câu chuyện như sự việc đau lòng vừa xảy ra cách đây vài tháng với một học sinh lớp 5.

Cậu bé lao từ cửa sổ phòng ngủ tầng 17 xuống đường, tự vẫn vào đúng ngày nhận điểm kiểm tra. Em học sinh này vốn chưa bao giờ bị điểm kém từ lớp 1 đến lớp 4, điểm trung bình hầu hết từ 70/100. Để thúc con học hành, mẹ cậu có quy định sẽ đánh “nhẹ” vào lòng bàn tay mỗi điểm dưới số 70, theo Strait Times.

Nhưng kỳ thi lần này, cậu bé bị thấp điểm môn tiếng Trung và toán học. Trên thang điểm 100, bé chỉ đạt 53,8 điểm tiếng Trung và 57,5 điểm khoa học. Dù điểm số trên trung bình nhưng vẫn tạo áp lực cho cậu bé đến mức sợ hãi, tìm đến cái chết còn hơn phải mang điểm số thấp về nhà.

Câu chuyện này phần nào lột tả một khía cạnh áp lực mà các em học sinh từ cấp tiểu học đã phải chịu đựng, chưa kể các cấp học cao hơn, người đi làm và cả người về hưu...

Theo nghiên cứu quốc tế do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thực hiện, sinh viên Singapore luôn đứng đầu các bảng xếp hạng về toán học, khoa học và ngôn ngữ nhưng các em cũng phải trả giá rất đắt về cảm xúc để đạt được những thành tích đó.

Nghiên cứu của OECD đã khảo sát khoảng 540.000 học sinh đến từ 72 quốc gia và nền kinh tế để tìm ra kết nối giữa mức độ hạnh phúc và những thành tích trong các bài thi Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (Pisa). Nếu như 66% sinh viên trên tất cả các nước OECD lo lắng về điểm thấp ở trường thì trong số các sinh viên Singapore, tỉ lệ này lên tới 86%.

Làm việc nhiều nhất, mức sống đắt đỏ

Cô Gwenn Tong một trong những người sinh ra và lớn lên tại Singapore chia sẻ: “Từ nhỏ, trẻ em Singapore lớn lên trong môi trường được dạy phải học hành chăm chỉ, phải học trường cấp 2 tốt, rồi trường đại học danh tiếng, có một công việc ổn định”. Trong môi trường cạnh tranh, các bậc cha mẹ tại Singapore ra sức ép con cái học hành từ khi còn rất bé. Không ngạc nhiên khi có những cô bé mới 11 tuổi như bé Cherlyn Lee đã có rất nhiều giải số học trí tuệ. Bé đã được bố mẹ cho đi học số học trí tuệ từ lúc 5 tuổi trong khi hầu hết các bạn nhỏ cùng lứa trên thế giới đang mải mê ở các khu vui chơi.

Cha của Cherlyn, ông Brandon cho biết, sở dĩ họ cho con học số học trí tuệ từ nhỏ vì đó là giai đoạn trí óc phát triển nhanh nhất. Tờ Strait Times cho biết, hơn 70% phụ huynh cho con đi học thêm để rèn giũa tiếng Anh và toán học với mức chi phí trung bình cho các lớp học thêm khoảng 150 - 250 USD/tháng.

Mức độ stress nặng trong xã hội Singapore đã lý giải nguyên nhân vì sao, một dịch vụ “phòng xả stress” ra mắt đầu tháng 11 vừa qua đã rất hút khách, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Vào căn phòng này, khách hàng có thể dùng gậy bóng chày để đập phá đồ vật nhằm xả bỏ mọi cảm xúc căng thẳng phẫn nộ.

Tất cả những món đồ được sử dụng để phá vỡ đều được lấy từ một nhà máy sản xuất mỳ sợi bỏ hoang ở Singapore. Ngoài ra, khách cũng có thể mang theo đồ của mình để xả giận. Royce Tan, người thành lập “phòng xả stress”, cho biết, dịch vụ này được đông đảo người dân Singapore ở mọi đối tượng, lứa tuổi ủng hộ từ nhân viên văn phòng, sinh viên đến người nghỉ hưu. Bởi, ở Singapore, bất kể bạn đến từ đâu, có gia cảnh như thế nào, làm nghề gì và bao nhiêu tuổi, bạn đều có thể bị căng thẳng, Tan nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.