Góc nhìn

"Áp lực ngàn cân" đang đổ đầu ông Kim Jong-un

09/06/2018, 07:51

Chương trình hạt nhân vốn là “chìa khóa” cho an ninh và thịnh vượng của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Nguy cơ đảo chính trong nước?

Các chuyên gia quân sự trên tờ The Atlantic ngày 7/6 đưa một bài bình luận cho rằng, ông Kim Jong-un có thể đang gặp phải trở ngại đáng kể trong nội bộ chính quyền Bình Nhưỡng đối với việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Ngay trước các cuộc đàm phán về phi hạt nhân với ông Trump tại Singapore, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thay thế ba quan chức quân sự hàng đầu của mình bằng những nhân vật trẻ hơn; quan trọng là có quan điểm cởi mở hơn trong quan hệ liên Triều và phát triển vũ khí hạt nhân của quốc gia.

Chương trình hạt nhân Triều Tiên vốn được ông nội và cha ông Kim Jong-un theo đuổi và ca ngợi là “hạt nhân” của vấn đề an ninh cũng như thịnh vượng của đất nước.

Ken Eom (người đào tẩu khỏi Triều Tiên năm 2010) kể rằng, Chính phủ luôn tuyên truyền: Vũ khí hạt nhân là điều cần thiết để bảo vệ đất của chúng ta khỏi cuộc tấn công của Mỹ. Phát triển vũ khí cũng là để “phát triển nền kinh tế” vì các nước mạnh như Mỹ và Nga sẽ không thể “phớt lờ” một Triều Tiên được trang bị hạt nhân và sẽ buộc phải cung cấp kinh tế và nhượng bộ ngoại giao với Bình Nhưỡng.

Vì thế, việc từ bỏ chương trình như thế có thể tạo ra “kẻ thù nội bộ”, đặc biệt nếu được tuyên bố bởi một nhà lãnh đạo - đã tỏ ra cứng rắn trong việc thanh trừng các đối thủ cấp cao kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011.

The Atlantic dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ (giấu tên) cho rằng, “có một số bất đồng trong quân đội về việc đàm phán của ông Kim với Hàn Quốc và Mỹ - một sự đảo ngược hoàn toàn trong việc theo đuổi vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng và mối thù địch lịch sử giữa các bên”.

Tình báo Mỹ từng đánh giá âm mưu đảo chính là một trong những nguy cơ lớn nhất mà ông Kim Jong-un phải đối mặt khi tới Singapore, nơi nằm cách Triều Tiên khoảng 4.800km. Quan hệ lạnh nhạt giữa Triều Tiên và Trung Quốc, đồng minh lâu năm và là nước bảo trợ lớn nhất của Bình Nhưỡng, cũng khiến nguy cơ này tăng lên.

Còn báo Asahi Shinbum của Nhật cho rằng, Triều Tiên đang đưa những tướng lĩnh ôn hòa lên vị trí chủ chốt vào thời điểm này là động thái nhằm củng cố quyền lực của ông Kim và ngăn ngừa một cuộc đảo chính khi nhà lãnh đạo này rời Triều Tiên trong nhiều ngày.

Đòi hỏi từ bên ngoài

Tờ Korea Herald ngày 7/6 đăng một bài phỏng vấn cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-seok cho rằng, Triều Tiên ngày càng chân thành hơn đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo và ông Kim Jong-un đang rất háo hức để cải thiện nền kinh tế đất nước.

Ông Lee, hiện là cố vấn cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về phi hạt nhân dường như chân thành hơn so với những người tiền nhiệm: “Nếu ông Kim chỉ cố gắng để đánh lừa mà không có bất kỳ cam kết phi hạt nhân nào, nhà lãnh đạo này đang chơi một trò chơi thực sự nguy hiểm”.

Ông Lee cho rằng, lãnh đạo Triều Tiên đã thực hiện một loạt các bước khiến cam kết phi hạt nhân của mình không thể đảo ngược và một thông điệp như vậy đã được gửi đến không chỉ cho các quốc gia có liên quan mà còn cho cả đông đảo người dân trong nước.

Vị cố vấn lần lượt chỉ ra rằng: Ngày 20/4, người đứng đầu Triều Tiên tuyên bố đất nước đã thông qua một “chiến lược mới” chỉ tập trung vào phát triển nền kinh tế, xu hướng khác với trước đây khi đồng thời theo đuổi vũ khí hạt nhân và tăng trưởng kinh tế.

Tiếp theo đó là một loạt các cuộc họp chưa từng có với các nhà lãnh đạo nước ngoài và các đặc phái viên của các nước lớn, nơi ông Kim tái khẳng định cam kết của mình để phi hạt nhân hóa và cuối cùng đã ngừng hoạt động bãi thử nghiệm hạt nhân duy nhất.

Ông Lee cũng chỉ ra rằng, ông Kim có thể đang háo hức để chuyển đổi đất nước nghèo ở bán đảo Đông Bắc Á thành “cường quốc kinh tế”. Ông Kim đã vạch ra kế hoạch như vậy kể từ khi nhậm chức cuối năm 2011. Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Triều Tiên, nước này đã thiết lập 22 khu phát triển kinh tế trong năm 2013 và 2014, ngoài 5 đặc khu kinh tế đã có từ lâu.

Chính quyền Bình Nhưỡng đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ và người dân đang dồn sức để nhanh chóng hoàn thành dự án khu du lịch lớn ở thành phố ven biển phía Đông Wonsan vào năm tới. “Khu du lịch này có quy mô tương đương với một số thành phố mới phát triển ở Hàn Quốc”, ông Lee cho biết.

Vị chuyên gia người Hàn Quốc cho rằng, sẽ lãng phí các nguồn lực của Triều Tiên nếu các biện pháp trừng phạt kinh tế vẫn bị áp đặt như hiện nay. Vì thế, để đạt được mục tiêu, Bình Nhưỡng cần phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và cách duy nhất là phi hạt nhân.

Ông Lee cho rằng, “chìa khóa để Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công chính là việc khuyến khích Triều Tiên giữ nguyên đường lối hiện tại: “Gắn cam kết phi hạt nhân với tiến tới cải cách đất nước”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.