Thế giới

ASEAN-31: Hé lộ chi tiết có thể công bố về vấn đề biển Đông

14/11/2017, 07:30

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 31 đang diễn ra với nhiều chương trình...

21

Các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-31

Cơ hội tốt để thảo luận các vấn đề khu vực

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á khai mạc vào hôm qua (13/11) với sự tham gia của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu. Lãnh đạo của khoảng 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc đã tham dự phiên khai mạc.

Tại Trung tâm văn hóa Philippines, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Philippines Rodrigo Duterte cho rằng, các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN 31 và các hội nghị liên quan sẽ là cơ hội tốt để các thành viên ASEAN và các đối tác thảo luận về các vấn đề của khu vực nhưng có tầm quan trọng quốc tế.

Đáng chú ý nhất là vấn đề chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, điểm nóng Triều Tiên và vấn đề căng thẳng trên biển Đông. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN cũng thảo luận các biện pháp phát triển Cộng đồng ASEAN và khẳng định vị thế của cộng đồng trong nền kinh tế toàn cầu.

Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN. Dự kiến, con số rất lớn là 55 văn kiện sẽ được ký, thông qua tại các hội nghị. Trong đó, các nhà lãnh đạo sẽ ký 1 văn kiện, thông qua 25 văn kiện và ghi nhận 20 văn kiện khác; Philippines dự định sẽ ban hành 9 Tuyên bố của Chủ tịch các Hội nghị Cấp cao.

Dự thảo thông báo đề cập tới Biển Đông

Biển Đông là một trong những vấn đề quan trọng trong khu vực nhưng lần này lại không được đặt lên chương trình nghị sự hàng đầu. Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Philippines không đề cập tới căng thẳng trên tuyến đường biển quan trọng này và trước đó cũng cho rằng, “các nước tốt nhất không nên bàn về vấn đề biển Đông”.

Dù vậy, theo một số nguồn tin tham dự hội nghị, một dự thảo thông báo chung dự kiến được công bố trong ngày hôm nay (14/11) sẽ nhắc lại việc “tìm giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp bao gồm tôn trọng hoàn toàn các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực” và đề cập “tự do hàng hải, hàng không” là “một trong những vấn đề quan tâm xuyên suốt”.

Theo Reuters, dự thảo thông báo còn viết: “Điều quan trọng là chúng ta hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, theo luật pháp quốc tế. Điều này nằm trong lợi ích của tất cả các bên nhằm giải quyết những hiểu nhầm có thể dẫn tới leo thang căng thẳng”, thông báo viết.

Theo trang Global Nation, dự thảo này còn viết, các nước ASEAN hoan nghênh những tiến triển giữa hiệp hội và Trung Quốc về vấn đề biển Đông, gọi đây là “bước ngoặt quan trọng” trong quan hệ các bên. “Chúng tôi có niềm tin sẽ tiếp tục động lực tích cực và làm việc hướng đến Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả”. ASEAN cũng mong đợi “sẽ sớm có kết quả về COC”.

Về vấn đề Triều Tiên, dự thảo thông báo một lần nữa coi đây là “mối lo ngại về tình hình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt bao gồm vũ khí hóa học và hạt nhân”. Văn kiện trên dự kiến sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc. Sự kiện này có sự tham gia của các nước thành viên ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Hôm nay kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN

Sau Hội nghị Cấp cao ASEAN sẽ diễn ra các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN và các đối tác, bao gồm Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) lần thứ 20; Cấp cao ASEAN+1 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Canada, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc) và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 12 tại Manila. Đặc biệt, hôm nay (14/11) tại Pampanga, Philippines sẽ diễn ra lễ kỷ niệm đặc biệt 50 năm thành lập ASEAN với sự tham dự của các nhà lãnh đạo ASEAN. ASEAN và nước chủ nhà Philippines tổ chức trọng thị các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập, góp phần nâng cao nhận thức người dân về Cộng đồng ASEAN cũng như hình ảnh và uy tín trên trường quốc tế. Kể từ khi thành lập vào năm 1967 đến nay, ASEAN đã nâng cao được vai trò của Hiệp hội trong quan hệ với các đối tác, giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình, được các nước đối tác cam kết hỗ trợ thúc đẩy việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các kế hoạch, chương trình hợp tác trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. ASEAN còn phát huy vai trò và tiếng nói quan trọng trong việc xác định các chương trình nghị sự, định hướng phát triển của tiến trình tại các diễn đàn, thể chế do ASEAN dẫn dắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.