Quản lý

Bài 3: Đường hỏng chậm sửa chữa sẽ dừng thu phí

01/06/2016, 09:09

Việc bảo trì, bảo dưỡng các dự án BOT được quy định rõ trong hợp đồng và được giám sát chặt...

13

Chủ đầu tư phải sửa chữa kịp thời khi có hư hỏng nếu không sẽ bị dừng thu phí (Bảo trì đường bộ bằng công nghệ Microsurfacin) - Ảnh: Khánh Linh

Việc bảo trì, bảo dưỡng các dự án BOT được quy định rõ trong hợp đồng và được giám sát chặt không khác các dự án ngân sách. Nếu nhà đầu tư để đường hỏng, không khắc phục, xử lý kịp thời sẽ bị tước quyền thu phí.

Đường BOT phải tốt hơn

Liên quan đến công tác bảo trì các dự án BOT, dư luận đặc biệt quan tâm đến công trình cải tạo nền, mặt đường QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai mới đây. Nhà đầu tư Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) sau nhiều lần nhận được văn bản đôn đốc, yêu cầu khắc phục hư hỏng mặt đường, nhưng không kịp thời khắc phục triệt để đã bị Tổng cục Đường bộ VN tạm dừng thu phí. Chỉ sau khi hoàn tất việc sửa chữa, công tác thu phí mới được tiến hành trở lại.

"Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ VN thỏa thuận kế hoạch cụ thể và kinh phí bảo trì với các nhà đầu tư theo các quy định tại Thông tư 52/2013. Trường hợp kinh phí cao hơn so với hợp đồng, ảnh hưởng đến thời gian hoàn vốn, Tổng cục Đường bộ VN đều báo cáo Bộ GTVT xem xét, chấp thuận trước khi thỏa thuận chính thức với nhà đầu tư”.

Ông Nguyễn Văn Huyện 
Tổng cục trưởng
Tổng cục Đường bộ VN

Đây không phải là trường hợp dự án BOT đầu tiên bị tước quyền thu phí. Trước đó, vào tháng 7/2014, Bộ GTVT cũng có văn bản dừng thu phí đối với dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang do trước cửa hầm xuất hiện các vệt lún bánh xe nhưng chủ đầu tư dự án không khắc phục kịp thời. Cùng đó, không ít dự án BOT khác cũng bị Tổng cục Đường bộ VN nhắc nhở, chấn chỉnh, hoãn thu phí do công tác duy tu, bảo dưỡng đường không đảm bảo…

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Quyết định 2777 của Bộ GTVT ban hành năm 2015 giao Tổng cục thỏa thuận kế hoạch và kinh phí bảo trì với nhà đầu tư BOT. Các quy định đều rất chặt chẽ, không khác gì với đường sử dụng vốn ngân sách.

“Tổng cục Đường bộ VN tiến hành kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất các dự án BOT để có biện pháp chấn chỉnh nhà đầu tư khai thác dự án đúng quy định của pháp luật và hợp đồng dự án. Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết về bảo trì, để đường hỏng không sửa chữa kịp thời sẽ dừng thu phí ngay”, ông Huyện nói.

Giám sát nhà đầu tư bằng định mức

Cho biết về quy trình thực hiện bảo trì các dự án BOT, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, việc bảo trì các dự án BOT được chia ra làm các giai đoạn bảo trì khác nhau như: Bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ (sửa chữa vừa, sửa chữa lớn). Có khác chỉ là nguồn kinh phí, công cụ và phương thức đầu tư.

Các dự án ngân sách sử dụng kinh phí từ Quỹ Bảo trì đường bộ, kinh phí cho các dự án BOT được xác định ngay từ khi đàm phán hợp đồng dự án. Chi phí bảo trì dự án BOT không lấy ở chi phí đầu tư xây dựng ban đầu mà lấy từ nguồn để lại sau khi tổ chức thu phí. “Nếu các dự án ngân sách chưa đáp ứng được 100% yêu cầu về vốn bảo trì, đối với các dự án BOT luôn phải đảm bảo đúng định mức đề ra và sát với hợp đồng đã ký. Chính vì thế về nguyên tắc, đường BOT phải có chất lượng tốt hơn đường ngân sách”, ông Điệp cho biết.

Về định mức chi phí bảo trì đường BOT, ông Điệp thông tin thêm, hiện định mức bảo trì đường BOT đang có hai trường hợp. Một là các hợp đồng BOT ký trước năm 2014, khi chưa áp dụng định mức tại bộ tiêu chuẩn cơ sở TCCS 07:2013/TCĐBVN và Quyết định số 3409 của Bộ GTVT ban hành ngày 8/9/2014; các hợp đồng BOT từ năm 2015 áp dụng định mức mới. Đối với các hợp đồng được ký sau năm 2014, sau khi áp dụng bộ tiêu chuẩn cơ sở TCCS 07:2013/TCĐBVN và Quyết định số 3409 của Bộ GTVT ban hành ngày 8/9/2014 về định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ, định mức để ký các hợp đồng BOT đã khá rõ ràng, minh bạch và rất dễ giám sát.

Các dự án được đàm phán trước năm 2014, chi phí duy tu thường xuyên đường thường tính mức 0,55% chi phí xây dựng mặt đường. Tuy nhiên hiện nay, cách tính này không còn phù hợp vì nó chưa xét đến tính chất của từng tuyến đường như: Số km cầu, lưu lượng xe, công trình trên đường… có sự khác nhau. Vì thế, hiện những hợp đồng tính định mức như trên đang được Tổng cục đề xuất cho tính lại và điều chỉnh hợp đồng BOT theo định mức mới để sát với công việc cụ thể.

Đối với chi phí sửa chữa đang được thực hiện 5 năm/ lần theo đúng tiêu chuẩn thiết kế mặt đường. Chi phí bảo trì được xác định bằng 5,1% giá trị xây lắp phần mặt đường. “Về mức này thì chúng tôi cũng cho rằng cũng cần có sự điều chỉnh trong thời gian tới vì thực tế hiện nay yêu cầu về chất lượng mặt đường cần tốt hơn vì các tuyến đường hiện được khai thác tốc độ cao hơn trước, lưu lượng phương tiện cũng lớn hơn”, ông Điệp nói và cho biết, đối với chi phí sửa chữa lớn, từ trước đến nay vẫn quy định 15 năm sửa một lần và bằng 42% chi phí làm mặt đường. Về thời gian bảo trì như vậy là tương đối phù hợp.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, việc quy định bảo trì như hiện nay cơ đáp ứng được yêu cầu. Thực tế, các công trình có cấp đường càng lớn, tỷ lệ chi phí cho bảo trì càng nhỏ. “Thực tế các dự án BOT luôn được người dân, xã hội đòi hỏi ngày càng cao cả về hình thức lẫn vệ sinh môi trường như: Cắt tỉa cây xanh, quét rửa đường… Vì thế, chúng tôi luôn phải quan tâm hơn đến việc bảo đảm chất lượng, mỹ quan và vệ sinh môi trường”, ông Khôi nói. 

img

Minh bạch đầu tư BOT giao thông: Chống thất thoát thu phí cách nào?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.