Góc nhìn

Bản chất, giá trị thỏa thuận Mỹ-Triều: Mới chỉ là sự khởi đầu

13/06/2018, 09:49

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh...

26

Cuộc gặp giữa Tổng tống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký một tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử được tổ chức tại quốc đảo Singapore ngày 12/6. Cuộc gặp đặc biệt này đã khép lại quá khứ nhiều hiềm khích, mở ra một khởi đầu mới cho quan hệ song phương Mỹ - Triều và tương lai hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Mỹ - Triều ký thỏa thuận lịch sử

Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm Mỹ ngồi họp với người đứng đầu Nhà nước Triều Tiên. Đây là kết quả của hàng loạt nỗ lực ngoại giao từ cả hai nước trong vài tháng qua và cũng là “một màn đặt cược lớn” của ông Donald Trump nhằm giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân, điều mà 4 đời Tổng thống Mỹ đã luôn cố gắng duy trì và thúc đẩy nhưng chưa thành công.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp riêng kéo dài 41 phút sau khi trao cho nhau cái bắt tay lịch sử, thân tình và thể hiện sự tin tưởng vào kết quả tốt đẹp của cuộc gặp vốn được kỳ vọng từ lâu.

Nhận xét ngắn gọn với giới truyền thông ngay từ trước khi bắt đầu cuộc họp, ông Trump tự tin về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên nói rằng, dù không phải là dễ dàng nhưng hai nước đã vượt qua tất cả các rào cản.

Tuyên bố chung 4 điểm của thượng đỉnh Mỹ - Triều nhấn mạnh: “Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim đã có những trao đổi toàn diện, có chiều sâu và chân thành về việc thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như xây dựng một nền hòa bình lâu dài và mạnh mẽ trên bán đảo Triều Tiên”.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cam kết sẽ thực hiện những nội dung trong tuyên bố chung này một cách toàn diện và nhanh chóng. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy xây dựng mối quan hệ mới Mỹ - Triều và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, an ninh trên bán đảo Triều Tiên và toàn thế giới.

Theo một số đánh giá từ các nhà quan sát ở châu Á, việc Mỹ và Triều Tiên ký với nhau một tuyên bố chung 4 điểm, tuy chưa giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất nhưng là tiền đề để mở ra những cuộc đàm phán sâu rộng và triệt để tiếp theo.

Trong 4 vấn đề mà 2 bên đạt được, có 1 điểm có lợi cho Mỹ (cam kết truy tìm hài cốt và phóng thích tù nhân chiến tranh); 1 điểm có lợi cho Triều Tiên (Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ mới giữa hai nước). Hai nội dung còn lại thể hiện “quyết tâm và mong muốn” và sẽ phụ thuộc nhiều vào các đàm phán kế tiếp.

“Dường như hai nhà lãnh đạo đồng ý tiếp tục đối thoại. Tuyên bố chung chưa đạt đến mức độ của một thỏa thuận có tính ràng buộc. Đây là sự khởi đầu của đàm phán, chứ không phải kết thúc”, bình luận viên chính trị Jim Acosta của hãng tin CNN nhận định.

LHQ sẵn sàng hỗ trợ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) António Guterres lập tức hoan nghênh cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Singapore vì cho rằng, đây là một diễn tiến đầy hứa hẹn cho hòa bình và an ninh thế giới.

Theo ông Guterres, nếu các bên yêu cầu, các bộ phận liên hệ của hệ thống LHQ sẵn sàng hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa, kể cả kiểm chứng.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Cơ quan Nguyên tử năng lượng quốc tế Yukiya Amano cũng cho biết, cơ quan ông sẵn sàng tái tục các hoạt động kiểm chứng hạt nhân tại Triều Tiên nếu một thỏa thuận chính trị giúp việc này có thể xảy ra.

“Chúng tôi tiếp tục củng cố sự sẵn sàng của chúng tôi để đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm chứng chương trình hạt nhân của Triều Tiên nếu một thỏa thuận chính trị đạt được giữa các quốc gia liên quan”, ông Amano nói với hội đồng quản trị của cơ quan này.

Nhận định về hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng: “Hãy bỏ lại những ngày tháng tăm tối của chiến tranh và xung đột lại phía sau, chúng ta sẽ viết lên một chương mới về hòa bình và hợp tác...

Thỏa thuận Sentosa 12/6 sẽ được ghi nhận như một sự kiện lịch sử giúp phá vỡ cuộc “Chiến tranh lạnh cuối cùng” trên Trái đất”, ông Moon nói và khẳng định, chính quyền Seoul sẵn sàng song hành cùng Bình Nhưỡng trên con đường hòa bình và hợp tác, cam kết viết lên một “lịch sử mới” với Triều Tiên.

Tuyên bố chung 4 điểm của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Thứ nhất, Mỹ - Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ song phương mới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.

Thứ hai, Mỹ - Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực xây dựng một chế độ ổn định và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

Thứ ba, tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên. Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.

Thứ tư, Mỹ - Triều Tiên cam kết các hoạt động tìm hài cốt, tù nhân chiến tranh, bao gồm việc đưa những nạn nhân đã được nhận dạng hồi hương ngay lập tức.

Lãnh đạo Mỹ - Triều mời nhau đến thăm

Dù chưa đạt được cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” như điều kiện ban đầu từ phía Mỹ trước thượng đỉnh Trump - Kim, nhưng có vẻ như ông chủ Nhà Trắng vẫn rất hài lòng về cuộc gặp này. “Chúng tôi đã có một ngày tuyệt vời và đã hiểu hơn về nhau cũng như đất nước của nhau. Tôi thấy ông Kim là một người rất tài năng và hiểu được ông ấy là người yêu đất nước mình vô cùng”, ông Trump cho biết trong họp báo chung sau khi hội nghị thượng đỉnh.

Đáng chú ý, người đứng đầu nước Mỹ còn hứa hẹn, sẽ gặp ông Kim Jong-un nhiều lần tiếp nữa. Ông Trump có biết mình được mời đến Bình Nhưỡng vào tháng 7 tới theo đề nghị của ông Kim Jong-un. Trong khi đó, ông Trump cũng đã mời nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên tới thăm Nhà Trắng vào thời điểm thích hợp.

Việt Thùy

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe:
Cảm phục ông Trump, tin tưởng ông Kim

Theo Đài NHK, ngay sau khi kết thúc cuộc đàm phán thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bình luận rằng, cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng là bước đi đầu tiên trong việc giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Ông Abe nói với các phóng viên tại Tokyo rằng, cá nhân ông muốn bày tỏ sự cảm phục sự lãnh đạo và những nỗ lực của ông Trump khi xúc tiến, buộc cuộc họp thượng đỉnh với Triều Tiên diễn ra. Thủ tướng Nhật bày tỏ tin tưởng rằng, những cam kết về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của ông Kim Jong-un sẽ được thực thi toàn diện. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đánh giá cao quan ngại mà ông Trump đã nêu ra khi gặp gỡ ông Kim Jong-un về vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc.

Hòa Bình

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị:
Chương mới trong lịch sử

Ngày 12/6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, việc 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể ngồi cùng nhau trao đổi một cách bình đẳng mang một ý nghĩa quan trọng và tích cực. “Cuộc gặp đã mở ra một chương mới trong lịch sử”, ông Vương nhấn mạnh.

Trung Quốc không có đại diện chính thức trong các cuộc đàm phán lịch sử này, nhưng điều đó đã không ngăn được “sự hiện diện” của Bắc Kinh. Ông Kim Jong-un đến Singapore hôm chủ nhật trên một chiếc Boeing 747 của Trung Quốc. Điều này đã mang tới một thông điệp chính trị mạnh mẽ: Thể hiện vai trò không thể thiếu của Bắc Kinh và nước này đang ủng hộ Triều Tiên.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ, ông Kim đã đến Trung Quốc hai lần để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp hồi tháng 3 tại Bắc Kinh, ông Tập nói với lãnh đạo Triều Tiên rằng, Trung Quốc đã thực hiện một “lựa chọn chiến lược” để có quan hệ thân thiện với Triều Tiên và họ sẽ “không thay đổi trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Ngọc Linh

Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma Nga:
“Đừng vội mừng, ông Trump là người khó đoán trước”

Nga đánh giá tích cực về thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng “khó khăn nhất vẫn là chi tiết hóa các thỏa thuận”, hãng tin TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov phát biểu hôm 12/6.

Phó chủ tịch Ủy ban Quan hệ quốc tế Alexei Chepa của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga cũng nhận xét, “cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã đi vào lịch sử. Nhưng, tất cả vẫn phải chờ đợi mọi hành động từ phía Mỹ”. Nhà chính trị Nga cho rằng, “mong đợi từ các bên có thể được thực hiện nếu các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra không quá nhanh, được thực hiện cẩn thận, hiểu biết lẫn nhau và từng bước giải quyết những vấn đề khó khăn. Nhưng nếu ai đó chỉ muốn có được vinh quang của người chiến thắng, tuyên bố to tát, thì hãy tính đến việc ông Trump là người không thể dự đoán trước”.

Thùy Dương

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.