Giao thông

Bàn giải pháp hút vốn nước ngoài làm cao tốc Bắc - Nam

26/04/2018, 13:06

Hội thảo tập trung thảo luận các giải pháp thu hút nguồn vốn nước ngoài đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam.

TT Dong

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng đại diện WB chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đây là hội thảo rất quan trọng để Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến chuyên gia, kinh nghiệm của quốc tế về mô hình đầu tư PPP trước khi triển khai xây dựng các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.  

Theo Thứ trưởng Đông, hình thức đầu tư theo mô hình đối tác công tư (PPP) là kênh thu hút vốn và thực hiện đầu tư đem lại hiệu quả rất lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có kinh nghiệm và lộ trình thực hiện đầu tư theo hình thức PPP khác nhau.

“Đối với Việt Nam để huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, việc áp dụng hình thức PPP là một trong những giải pháp quan trọng được Chính phủ quan tâm trong thời gian qua. Với lĩnh vực hạ tầng giao thông, từ năm 1997, Bộ GTVT đã kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ bằng hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay, các dự án BOT được triển khai mới chỉ có nhà đầu tư và tổ chức tín dụng trong nước tham gia đầu tư:, Thứ trưởng Đông nói.

“Nhiều dự án đã tiến hành thu phí, thậm chí một số công trình kết thúc thời gian hoàn vốn cho thấy nhiều mặt tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhìn nhận còn một số tồn tại, bất cập, nhất là hệ thống pháp luật về đầu tư PPP chưa đồng bộ, đầy đủ”, Thứ trưởng đánh giá và cho rằng, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, cần thiết phải tạo mọi điều kiện để huy động nguồn vốn đầu tư quốc tế.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, từ năm 2008, WB đã thống nhất với Chính phủ Việt Nam triển khai dự án thí điểm đầu tư theo PPP là dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Sau nhiều năm thẩm định, với sự nỗ lực của WB, Bộ GTVT và các cơ chế đặc thù của Chính phủ, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhất là hệ thống luật pháp liên quan đến vốn góp của Nhà nước, cơ chế bảo lãnh, cơ chế chia sẻ rủi ro,… nên dự án đã dừng triển khai thí điểm.

“Dự án thí điểm không triển khai được như mong muốn, nhưng có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong đó phải kể đến là việc chúng ta cần tập trung xây dựng một hệ thống luật pháp, cơ chế trong thu hút đầu tư cho các dự án PPP; cần phải có sự chia sẻ rủi ro của Nhà nước và khu vực tư nhân một cách rõ ràng mới tạo động lực cho việc thu hút nguồn lực”, Thứ trưởng Đông nói và cho rằng, đây là kinh nghiệm, kiến thức để vận dụng trong việc đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thứ trưởng Đông phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại hội thảo

Theo Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017 của Quốc hội, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021 với sự tham gia hỗ trợ của nguồn vốn Nhà nước. Đồng thời, Quốc hội và Chính phủ cũng thông qua một số nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách trong quá trình thực đầu tư dự án này.

“Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đề xuất sửa đổi Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến Nghị định sửa đổi sẽ được Chính phủ thông qua trong thời gian tới. Đây là nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xúc tiến triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cũng như các dự án BOT khác để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng”, Thứ trưởng chia sẻ và đánh giá tích cực về những đóng góp của WB trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cho đầu tư PPP giao thông nói chung và dự án cao tốc Bắc - Nam nói riêng.

“Thông qua hội thảo, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý về các thách thức, đề xuất các giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đã triển khai mô hình PPP làm cơ sở giúp Bộ GTVT triển khai thành công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo nghị quyết của Quốc hội”, Thứ trưởng Đông chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Bộ GTVT, WB, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, chuyên gia kinh tế đã tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam như: Cơ chế chia sẻ rủi ro, nguồn vốn thực hiện, cơ chế đấu thầu,…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.