Xã hội

Băn khoăn phương án tuyển sinh ĐH - CĐ 2017

14/09/2016, 10:16

Thí sinh thi THPT năm 2017 sẽ thi 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên.

thi
Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2017 có nhiều điểm mới gây tranh cãi

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017, chiều 13/9, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam tổ chức hội thảo về vấn đề này.

Thi trắc nghiệm phải có đề tốt

Nội dung gây nhiều băn khoăn nhất là kỳ thi THPT 2017 sẽ áp dụng thi trắc nghiệm đối với môn Toán và môn Sử. Theo GS. TSKH. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), cả hai phương pháp thi trắc nghiệm và tự luận đều có ưu và nhược điểm. Tuy nhiên, nếu sử dụng cho kỳ thi tiêu chuẩn hóa như thi tốt nghiệp THPT thì phương án trắc nghiệm có ưu thế hơn so với tự luận. “Nếu thi trắc nghiệm, chất lượng kỳ thi phụ thuộc vào đề thi. Còn tự luận chất lượng kỳ thi sẽ phụ thuộc vào năng lực của người chấm. Về đề thi, chúng ta liệu đã hoàn toàn có thể chủ động xây dựng ngân hàng câu hỏi?”, GS. Lâm Quang Thiệp đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nhận định: “Việc thi trắc nghiệm kết quả tốt hay không, tin tưởng được không cốt yếu là ở đề thi. Chính vì vậy, ngân hàng đề thi của Bộ phải thực sự phong phú và chuẩn xác. Làm sao để mỗi thí sinh có một đề thi riêng, như vậy thì kết quả mới đáng tin tưởng”. Bà Nga cũng khẳng định, thi trắc nghiệm không ảnh hưởng tới phương thức dạy và học trên lớp. “Lo ngại nhất của phương án thi mới là số lượng và chất lượng câu hỏi có đủ trình độ phân loại thí sinh hay không? Tuy nhiên, đó là công việc của các cấp quản lý. Đối với thí sinh chỉ cần học đúng, đủ chương trình đảm bảo sẽ đỗ THPT”, bà Nga nói.

Lo ngại ảnh hưởng chất lượng xét tuyển

Tại cuộc hội thảo chiều 13/9, TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục ĐH (Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam) đặt câu hỏi về chất lượng kỳ thi có được đảm bảo khi công tác tổ chức thi THPT 2017 sẽ được giao hoàn toàn cho địa phương? Các trường ĐH-CĐ có đủ tin tưởng để lấy kết quả xét tuyển hay không?

“Nếu giao công tác tổ chức thi về địa phương quản lý, Bộ GD&ĐT phải đồng thời giao trách nhiệm cho người đứng đầu. Có nghĩa Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra hiện tượng tiêu cực tại địa điểm thi trên địa bàn. Mặt khác, cũng phải tăng cường giám sát xã hội để đảm bảo công bằng”, ông Khuyến nói.

Mục tiêu của kỳ thi THPT không phải để tuyển chọn nhân tài mà là xét tuyển đủ khả năng tốt nghiệp THPT hay không. Nếu thi chọn lọc nhân tài, đánh giá năng lực tư duy cao như Olympic thì mới nên thi tự luận”.

GS. Lâm Quang Thiệp,nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học   

Trước đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ yêu cầu các trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, phải sớm công bố phương thức tuyển sinh. Trong đó, phương thức tuyển sinh cần chỉ rõ: Sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển hay chỉ để sơ tuyển và có thêm hình thức đánh giá năng lực chuyên biệt; Tổ hợp các môn thi/bài thi để xét tuyển vào ngành/nhóm ngành, hệ số đối với môn thi/bài thi (nếu có); Các điều kiện xét tuyển khác...

Ngoài ra, để đảm bảo tối đa quyền lợi cho thí sinh, phương án tuyển sinh năm 2017 sẽ cho phép được đăng ký nhiều hơn nguyện vọng xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành của nhiều trường và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Để khống chế tình trạng thí sinh ảo, Bộ GD&ĐT sẽ sử dụng phần mềm lọc ảo.

Theo PGS. TS. Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, phần mềm lọc ảo mà Bộ GD&ĐT nhắc đến chính là dựa vào thuật toán trì hoãn. ĐH Thăng Long và các nhóm trường trong thời gian qua đã tổ chức thí điểm phần mềm này. “Phần mềm lọc ảo chỉ có hiệu quả khi tất cả các trường đều lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Nếu trường không lấy kết quả này mà thi riêng thì phần mềm sẽ không phù hợp nữa”, ông Phú cho biết.

Theo Dự thảo, thí sinh thi THPT năm 2017 sẽ thi 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). Với cách thức này, ông Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, sẽ gây khó khăn đối với việc xét tuyển ĐH-CĐ. “Nếu các trường sử dụng khối thi cũ để xét tuyển, một hợp phần môn trong bài thi tổ hợp với 20 câu trắc nghiệm khó có thể đủ để đánh giá đúng kiến thức của môn học đó. Vì vậy, nếu Bộ GD&ĐT vẫn quyết sử dụng phương án này thì nhiều trường ĐH sẽ phải tính đến phương án tuyển sinh riêng hoặc thi riêng”, vị Phó hiệu trưởng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.