Chính trị

Bản lĩnh chất vấn “truy đến cùng”

31/10/2018, 06:22

ĐBQH hỏi vấn đề thuộc ngành nào thì người đứng đầu ngành đó trả lời, tạo nên không khí hỏi đáp-tranh luận sôi nổi...

1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 30/10 - Ảnh: TTXVN

Đất công biến thành “đất ông”

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà là người đầu tiên đăng đàn khi trả lời chất vấn của ĐB Trần Tất Thế (tỉnh Hà Nam), khi ĐB nhắc lại phần chất vấn tại kỳ họp thứ 3 (cuối năm 2016) và được Bộ trưởng Hà hứa sau 5 năm sẽ trả lại “màu xanh” cho sông Nhuệ, sông Đáy vốn đang bị ô nhiễm nặng nề. ĐB cho biết, đến hôm nay 2 con sông chảy qua Hà Nam vẫn chưa được khắc phục ô nhiễm, nguồn xả thải từ Hà Nội chưa được khắc phục hiệu quả.

Trả lời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Như tôi nói, 5 năm sau 2 dòng sông sẽ sạch thì đi kèm với những điều kiện. Việc xử lý ô nhiễm tại các dòng sông liên tỉnh thì phải xử lý tại nguồn, địa phương gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm”. Theo Bộ trưởng Hà, Hà Nội có phương án xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy rồi, nhưng cơ chế phối hợp với các địa phương khác có 2 con sông này chảy qua không hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực.

Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng phải rà soát lại trách nhiệm của Bộ và các địa phương liên quan, nhất là về vai trò điều phối, phối hợp của Bộ với các địa phương.

Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về giải pháp siết chặt quản lý đất đai, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chia sẻ suy nghĩ, đất đai không chỉ là tài sản, mà còn là máu, là nước mắt của người dân.

Cảm ơn ĐB đã có ý kiến tâm huyết và day dứt về việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận, đầu nhiệm kỳ, đúng là có vấn đề “đất công biến thành đất ông”, quản lý đất lâm trường lỏng lẻo, lấn chiếm trái phép… Nhưng sau đó, Bộ TN&MT đã tiến hành giải pháp đồng bộ giải quyết tình trạng trên, tập trung vào các khu vực đang để xảy ra nhiều vi phạm, tạo bức xúc trong dư luận. Năm 2016, 2017 ngành đã tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra, qua đó thu hồi hàng chục nghìn ha đất sử dụng trái phép hoặc không hiệu quả.

Tranh luận lại vấn đề này ĐB Hồng chỉ ra, vấn đề lớn nhất là kỷ cương và kỷ luật dẫn đến vi phạm, thất thoát tài sản Nhà nước, nhưng báo báo của Bộ cho rằng do chính sách và cơ chế là không đúng. Ông Hồng cũng cho rằng, thanh tra của Bộ TN&MT cũng chỉ rút kinh nghiệm chứ chưa chỉ ra sai phạm của cá nhân cụ thể nào.

2

ĐBQH Trần Tất Thế (Hà Nam) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Bộ trưởng Xây dựng “không dám hứa”

Đề cập tới việc chậm trễ trong xử lý vi phạm xây dựng, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) dẫn chứng công trình 8B Lê Trực, Hà Nội và cho rằng, các công trình xây dựng sai phép, không phép đang thách thức sự kiên nhẫn của dư luận. ĐB Hồng hỏi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà “có cam kết với Quốc hội sẽ không để xảy ra các vi phạm xây dựng không?”.

Hy vọng với sự phối hợp giữa các bên sẽ giúp vi phạm xây dựng giảm, nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng “không dám hứa, không dám cam kết” trước Quốc hội về lộ trình cũng như thời điểm có thể chấm dứt hoạt động vi phạm trong xây dựng. “Nhưng tôi hứa nỗ lực hết sức để cùng các bộ, các địa phương giải quyết tình trạng này”, ông Hà nói, sau khi dẫn chứng tình trạng vi phạm còn diễn ra khá phổ biến và diễn biến phức tạp, một số vụ vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, nếu được phát hiện cũng có một số vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, nghiêm minh. Nguyên nhân là do còn thiếu một số quy định của pháp luật, một số quy định đã có nhưng chưa đủ rõ dẫn tới các sai phạm...

Không hài lòng với câu trả lời, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) tranh luận lại: “Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng nhiều, nghiêm trọng và gây bức xúc. Đặc trưng của những vi phạm này là diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật mà không phát hiện ra. Như người dân đổi 100USD phát hiện ngay, nhưng vi phạm tại cả toà nhà 5 - 7 tầng lại không thấy?”.

Người đứng đầu ngành Xây dựng một lần nữa nêu các kết quả đạt được, đồng thời nêu những việc đã làm cho thấy trách nhiệm của Bộ Xây dựng. “Chúng tôi chịu trách nhiệm về hạn chế tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước của mình. Tôi xin hứa sẽ tiếp tục nỗ lực, tuy nhiên, mong ĐB Nghĩa thông cảm, tôi chỉ cam kết những việc gì đủ căn cứ và chỉ do tôi quyết định”, ông Hà nói.

Chưa hài lòng, ĐB Trương Trọng Nghĩa tiếp tục tranh luận: “Vừa rồi, báo chí, cử tri phản ánh nhiều về công trình trái phép, đặc biệt của Tập đoàn Mường Thanh, toà nhà Lê Trực hay công trình sai phép ở Sóc Sơn. Người vi phạm đương nhiên phải chịu trách nhiệm, nhưng về quản lý nhà nước, Bộ có 63 Sở Xây dựng, xét ngành dọc đương nhiên trách nhiệm thuộc về Bộ Xây dựng. Giờ nếu địa phương quản lý quá lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm thì Bộ trưởng đã làm gì, đã phản ánh với Thủ tướng chưa? Bởi các công trình này làm mất niềm tin của nhân dân, người ta cho rằng có bao che và nhóm lợi ích”.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nghiên cứu, xem xét thêm về các công trình vi phạm ĐB Nghĩa nêu và có trả lời bằng văn bản.

Những dự án thua lỗ nghìn tỷ có cho phá sản?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về 12 dự án thua lỗ, hiện còn phân nửa dự án chưa báo cáo, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) hỏi: “Vậy có cho phá sản theo Luật Doanh nghiệp và có xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan không?”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong số 12 dự án này có 2 dự án đã khôi phục sản xuất kinh doanh và bắt đầu có lãi là DAP Hải Phòng và Thép Việt Trung. Hai nhà máy này đã đạt tiêu chí để báo cáo Quốc hội đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ. Số dự án còn lại như Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Lào Cai đã giảm bớt lỗ. Tuy nhiên, do số nợ và lãi suất phải trả còn cao, nên vẫn tiếp tục phải tái cơ cấu. 3 dự án dừng sản xuất, trong đó có Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex) đã vận hành trở lại 3 dây chuyền, cuối tháng 11/2018 sẽ vận hành cả 11 dây chuyền, là điều kiện bước đầu để cơ cấu hoặc thoái vốn. Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất đã bắt đầu cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Riêng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, vốn Nhà nước dưới 30%, còn lại là vốn tư nhân. Đáng nói, quá trình đầu tư có sai phạm và sẽ phải xem xét có thể cho phá sản.

Theo ông Trần Tuấn Anh, tình hình của 12 dự án này còn phụ thuộc nhiều vào thị trường. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, mục tiêu là bảo toàn tối đa vốn Nhà nước, phấn đấu năm 2020 cơ bản xử lý xong số dự án này. Quá trình này cũng phải xem xét, xử lý trách nhiệm trước pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan. 12 dự án này đều đang bị thanh tra, 6 dự án đang bị kiểm toán, 4 dự án đã chuyển cho cơ quan điều tra, 2 dự án Xơ sợi Đình Vũ và dự án tại Phú Thọ đã khởi tố.

Quy định nào chưa hợp lý, phải sửa cho dân nhờ

Nhận định vụ đổi 100USD bị phạt 90 triệu đồng ở Cần Thơ không phải là đi mua, kinh doanh ngoại tệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là vấn đề báo chí và dư luận hết sức quan tâm. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, việc khám xét nhà phải đúng luật và phải thực hiện đúng thời gian. “Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục có chỉ đạo. Quy định nào chưa hợp lý phải sửa cho dân nhờ”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Trước đó, trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) về việc quyết định khám nhà, tịch thu tài sản không rõ nguồn gốc vụ đổi 100USD tại Cần Thơ đúng hay sai, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Ngày 30/1/2018 Công an TP Cần Thơ đã bắt quả tang tiệm vàng Thảo Lực thu mua 100USD của anh Nguyễn Cà Rê. Ngay sau đó, công an tiến hành khám xét nhà ở của chủ tiệm vàng và tạm giữ tang vật trên 1.000 sản phẩm kim loại màu trắng, kim loại màu vàng, hột đá, tờ 100USD... Ông Lực chủ nhà không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá và không có giấy phép mua bán ngoại tệ.

“Công an TP Cần Thơ đã có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm hành chính. UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lực. Hiện, công ty và gia đình ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt và không có khiếu nại hay khởi kiện”, Bộ trưởng thông tin. 

Xử lý cán bộ kiểu “đánh bùn sang ao”

Quan tâm đến công tác cán bộ, ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về tinh gọn bộ máy hiện còn cơ học, chưa thực sự hiệu quả.

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ những giải pháp tăng cường kỷ cương kỷ luật hành chính.

Về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải thích, việc chậm là do các văn bản thay thế chậm. Theo ông Tân, đến nay các nghị định này đã được trình Chính phủ. Bộ đã tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quy định khung các cơ quan chuyên môn các đơn vị hành chính cấp huyện; tiêu chuẩn điều kiện để thành lập các đơn vị hành chính như số lượng người tối thiểu, quy định cấp phó tối đa... “Khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ban hành các nghị định này”, ông Tân nói.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: “Trong các trường hợp Bộ Nội vụ kiểm tra xử lý, tôi thấy điệp khúc duy nhất là “rút kinh nghiệm”, như vậy là xử lý không nghiêm trong công tác cán bộ”. Ông Nhưỡng dẫn chứng, dư luận bất bình ở Thanh Hoá về việc bổ nhiệm nguyên Phó chủ tịch (ông Ngô Văn Tuấn - bị kỷ luật vì liên quan đến vụ bổ nhiệm thần tốc nữ trưởng phòng) làm tổ trưởng tổ giúp việc quy hoạch đô thị và nhà ở. Hay như ở Trà Vinh, cựu Chủ tịch TP bị kỷ luật lại làm Giám đốc Sở. Xử lý cán bộ như vừa qua là “đánh bùn sang ao”, người dân không tin tưởng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ và tất cả Bộ trưởng khác đều phải nghiêm túc trong công tác cán bộ.

Trước khi bước vào phiên chất vấn, Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Ban Dân nguyện về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong ngày 30/10, có 36 ĐBQH chất vấn, 23 đại biểu tranh luận, 15 Bộ trưởng cùng Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao trả lời. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là một ngày chất vấn sôi động.

Quan sát của không khí trên nghị trường cũng cho thấy, các ĐBQH thẳng thắn chất vấn, đề cập đến tồn tại và trách nhiệm của từng ngành, từng Bộ trưởng. So với những phiên thảo luận vài ngày qua, không khí tranh luận tại phiên chất vấn đặc biệt sôi nổi hơn. Với những phần trả lời chưa đầy đủ, chưa đi thẳng vào vấn đề của các thành viên Chính phủ, ĐBQH cũng thẳng thắn tranh luận lại đến cùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.