Thông tin doanh nghiệp

Ban quản lý dự án Mỹ Thuận: 25 năm ghi dấu trên đất Chín Rồng

20/02/2019, 14:58

Nói đến Ban QLDA Mỹ Thuận thường được biết đến với sự phát triển hệ thống giao thông khu vực ĐBSCL.

img
Cầu Cần Thơ là một trong những công trình do Ban QLDA Mỹ Thuận làm đại diện chủ đầu tư với nguồn vốn của Chính phủ Nhật Bản tài trợ

Tiền thân là Ban Quản lý dự án (QLDA) cầu Mỹ Thuận, qua thời gian, Ban QLDA Mỹ Thuận đã có sự phát triển vượt bậc và ghi dấu với nhiều công trình lớn, hiện đại trên đất Chín Rồng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực phía Nam để thúc đẩy phát triển KT-XH.

Ghi dấu bằng 4 cầu dây văng vĩ đại

Nói đến Ban QLDA Mỹ Thuận thường được biết đến với sự phát triển hệ thống giao thông khu vực ĐBSCL. Từ Mỹ Thuận - tiền thân là Ban QLDA cầu Mỹ Thuận, được thành lập theo Quyết định số 950 QĐ/TCCBLĐ ngày 27/6/1994 của Bộ GTVT với nhiệm vụ thực hiện dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận. Giữa năm 1995, từ nhiệm vụ quản lý dự án cầu Mỹ Thuận, Ban được đổi tên là Ban QLDA Mỹ Thuận. Tháng 5/2000, cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền khánh thành, nối niềm mơ ước ngàn đời của người dân vùng sông nước Cửu Long. Từ đó, tên tuổi của Ban QLDA Mỹ Thuận gắn liền với cây cầu dây văng đầu tiên, lớn nhất của Việt Nam sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc.

Từ đó, Ban QLDA Mỹ Thuận được tin tưởng, giao nhiệm vụ thực hiện cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nối tỉnh Vĩnh Long với TP Cần Thơ. Đây là cầu dây văng có nhịp lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và được sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, sự quản lý chặt chẽ của Ban QLDA Mỹ Thuận, cuối cùng cầu Cần Thơ cũng được hoàn thành trong niềm vui vô bờ bến. Tháng 2/2010, cầu Cần Thơ được khánh thành và thông xe, chính thức nối thông liền mạch QL1 từ Pắc Bó đến Cà Mau.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh nối thông QL1, năm 2013 TCT Cửu Long (được tái cơ cấu từ Ban QLDA Mỹ Thuận) tiếp tục được giao thực hiện dự án “Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông” bắt đầu TP HCM xuyên qua Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên đến Kiên Giang với 2 cầu dây văng lớn là cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống. Ngày khánh thành cầu Cao Lãnh (27/5/2018), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò của TCT Cửu Long trong việc quản lý chặt chẽ dự án và đưa vào khánh thành cầu Cao Lãnh đúng tiến độ. “Đây là công trình quan trọng, nối đôi bờ sông Tiền, đáp ứng mong mỏi nhiều đời nay của người dân Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung. Cầu Cao Lãnh cùng với cầu Mỹ Thuận là hình mẫu trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc dành cho Việt Nam; là minh chứng sống động cho quan hệ chiến lược Việt Nam - Australia”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiện tại, TCT Cửu Long đang chỉ đạo các nhà thầu triển khai các biện pháp thi công xuyên Tết để phấn đấu hoàn thành cầu Vàm Cống vào giữa năm 2019. Đây là cầu dây văng thứ 4 do Ban QLDA Mỹ Thuận thực hiện trên đất Chín Rồng.

Xây đại lộ về miền Tây

Có thể nói, đi trên những công trình trọng điểm về giao thông tại khu vực phía Nam và TP HCM đâu đâu cũng gắn liền với tên tuổi của Ban QLDA Mỹ Thuận. Đây được xem là một trong những đơn vị quản lý dự án và đầu tư chủ lực của Bộ GTVT với những dự án trọng điểm mang tầm cỡ quốc gia như: Dự án cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, đường Xuyên Á, đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Nam Sông Hậu, Hành lang ven biển phía Nam, dự án kết nối đồng bằng sông Mekong, tuyến N2…

Đặc biệt, dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam được đầu tư với số vốn lên tới 9.884 tỷ đồng. Được giao nhiệm vụ quản lý dự án trong điều kiện chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý dự án cao tốc, tuy nhiên Ban QLDA Mỹ Thuận đã thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ đầu tư trong việc quản lý thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng. Dự án đã được hoàn thành và thông xe dịp 3/2/2010, đánh dấu một bước đi quan trọng và tạo một sức bật mới cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL trong việc kết nối với TP HCM và cả nước.

Tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam nối từ Cà Mau đến Kiên Giang được đầu tư xây dựng mới đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của hai địa phương vùng cực Tây của Tổ quốc. Tuyến N2 từ TP HCM đi qua vùng Đồng Tháp Mười đến Mỹ An (Đồng Tháp). Dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Mê Kông với hai cầu Cao Lãnh, Vàm Cống. Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đầu tư hoàn toàn mới chạy song song QL80 từ Cần Thơ về Kiên Giang. Đến 2020, tất cả các dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ hình thành một tuyến cao tốc phía Tây xuyên suốt từ TP HCM đến Kiên Giang, góp phần chia tải cho QL1.

Tuy vậy, tuyến N2 còn một đoạn từ Mỹ An - Cao Lãnh chưa được đầu tư sẽ là một điểm tắc. Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Cần sớm đầu tư đoạn Mỹ An - Vàm Cống để tuyến này không bị đứt mạch, đồng thời phát huy hiệu quả đầu tư Dự án kết nối trung tâm Đồng bằng sông Mê Kông. Tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy KT-XH vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên”.

Tái cơ cấu để tiếp tục phát triển

Điểm lại hàng loạt công trình, dự án do Ban QLDA Mỹ Thuận thực hiện mới thấy được sự đa dạng trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực phía Nam. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách, Ban QLDA Mỹ Thuận đi đầu trong việc kêu gọi các nguồn vốn ODA. Cầu Mỹ Thuận, Cao Lãnh được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, cầu Cần Thơ được Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Cầu Vầm Cống sử dụng vốn vay của Hàn Quốc thông qua Quỹ EDCF; đường Hành lang ven biển phía Nam sử dụng vốn vay của Ngân hàng ADB. Và sắp tới đây tuyến Vành đai 3 TP HCM cũng được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Ngoài các dự án đã triển khai trước năm 2011, trong giai đoạn từ 2011-2016, TCT Cửu Long đã tiến hành công tác chuẩn bị, phát triển các dự án mới. Tổng số vốn các dự án huy động được trong giai đoạn này hơn 2 tỷ USD bao gồm vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại và vay thương mại từ các nhà tài trợ quốc tế để đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực Nam bộ.

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Ban QLDA Mỹ Thuận cũng trải qua những lúc thăng trầm nhưng tất cả đều hướng đến sự phát triển đi lên không ngừng. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập TCT Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long CIPM) trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Ban QLDA Mỹ Thuận, Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác cầu Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Quản lý đường bộ 715, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.

Qua 7 năm hoạt động, một lần nữa TCT Cửu Long lại bước vào giai đoạn tái cơ cấu khi Thủ tướng Chính phủ đã được chấp thuận chủ trương tổ chức lại CIPM Cửu Long theo hướng sáp nhập Cửu Long CIPM vào TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đồng thời thành lập lại Ban QLDA Mỹ Thuận trực thuộc Bộ GTVT trên cơ sở tách một phần của Cửu Long CIPM. Vậy là Ban QLDA Mỹ Thuận lại được trở về với đúng tên gọi trước đây như những ngày đầu mới thành lập. Những con người đã làm nên hình ảnh, tên tuổi của Ban QLDA Mỹ Thuận lại tiếp tục gắn bó với sự nghiệp “đi trước mở đường”, tiếp tục gắn bó máu thịt với khu vực ĐBSCL như đã làm trong 25 năm qua.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc TCT Cửu Long cho biết, với bề dày kinh nghiệm 25 năm thực hiện những dự án cầu dây văng lớn, quản lý thi công, vận hành tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam, cán bộ, kỹ sư của Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ tiếp tục truyền thống đó để tiếp tục thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. “Nếu được giao thực hiện các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường kết nối TP HCM với các khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, ông Thi khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.