Thời sự

Bắt giữ, xử phạt cát tặc mới chỉ là “cắt ngọn”

10/04/2017, 08:16

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN cho rằng, sự không theo kịp của cơ chế, chính sách...

31

Ông Hoàng Hồng Giang

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) VN cho rằng, sự không theo kịp của cơ chế, chính sách cùng với thiếu sự phối hợp quản lý đồng bộ đã tạo thành kẽ hở lớn trong quản lý dự án nạo vét luồng đường thủy nói riêng và hoạt động khai thác khoáng sản lòng sông nói chung.

Muôn kiểu “tranh tối, tranh sáng”

Hình thức đầu tư xã hội hóa nạo vét khơi thông luồng ĐTNĐ quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm nạo vét bắt đầu được thí điểm từ trước năm 2013, nhưng gần đây bị dư luận đánh giá không tốt. Ông có thể nói gì về điều này, thưa ông?

Trước hết, phải nói rằng, hình thức đầu tư xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy quốc gia xuất phát từ thực tế là trong thời gian dài nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư duy tu, bảo trì, duy trì độ sâu luồng lạch rất thấp, 1-2 năm gần đây, mới có hơn 50 tỷ đồng, còn những năm trước chỉ 20 - 30 tỷ đồng, trong khi toàn quốc có tới gần 7.000km luồng đường thủy quốc gia và gần 23.000km luồng địa phương.

Từ năm 2011 đến nay, chỉ có 66 dự án nạo vét luồng, trong khi có tới 290 dự án khai thác mỏ thuộc sự quản lý của ngành tài nguyên - môi trường trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia. Dự án nạo vét luồng có thời gian dài nhất cũng chỉ 2 năm, trữ lượng vài trăm nghìn khối sản phẩm nạo vét. Trong khi các mỏ cát được địa phương cấp phép đa số có phép hàng chục, có khi hơn 20 năm, có mỏ có trữ lượng hàng triệu m3, khai thác cả trên luồng đường thủy, bãi bồi với độ sâu khai thác gấp nhiều lần nạo vét luồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến bờ bãi ven sông.

Thiếu vốn nên ngay cả những luồng lạch được đầu tư cải tạo, nâng cấp cũng bị khan cạn. Nếu không duy tu, nạo vét thì không duy trì được luồng lạch, không thúc đẩy phát triển vận tải thủy, phát triển đội tàu có trọng tải lớn.

Chủ trương xã hội hóa nạo vét luồng có từ năm 2008 là chủ trương hoàn toàn đúng, mà nhiều nước khác cũng đã làm, giúp đưa nguồn lực xã hội vào đường thủy. Có điều do hành lang pháp lý mỏng, cơ chế quản lý chưa đổi mới kịp nên có nhiều sơ hở, dẫn đến việc lợi dụng dự án để khai thác cát, sỏi. Đó là chuyện chủ đầu tư lợi dụng để hút cát ngoài phạm vi dự án, người không phải nhà đầu tư thấy nơi đó được cấp phép cũng đến hút cát, cát tặc cũng bám vào dự án, khi bị bắt giữ lại khai là tàu của dự án.

Sự biến tướng, lẫn lộn, “tranh tối, tranh sáng” khiến các dự án xã hội hóa nạo vét luồng bị nhìn nhận tiêu cực. Dự án nạo vét sông Cầu ở Bắc Ninh vừa rồi là ví dụ điển hình. Dù dự án bị tạm dừng, phương tiện thi công của nhà đầu tư đã rút đi nhưng tàu thuyền vẫn tụ tập đến hút cát và đối tượng không phải là người của nhà đầu nhắn tin đe dọa lãnh đạo địa phương nhằm hạ uy tín nhà đầu tư.

Người dân, chính quyền một số địa phương cũng nghi ngại dự án xã hội hóa nạo vét luồng chạy tàu vì cho rằng đây là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân?

Điều này cũng xuất phát từ việc trên nhiều tuyến sông đan xen giữa dự án nạo vét luồng với dự án khai thác mỏ cát, mà nhiều người cứ thấy có tàu bè dừng đỗ nạo vét luồng, hút cát thì coi đó nguyên nhân gây sạt lở bờ sông. Nhiều mỏ được cấp phép trên luồng, hành lang luồng nhưng không lấy ý kiến Cục. Việc quản lý hoạt động khai thác, vận tải vật liệu mỏ đều do chủ mỏ thực hiện mà không có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, ngay cả khi Cục đề xuất coi đây như bến thủy nội địa nổi để có sự quản lý phương tiện ra vào, vận tải cũng không được nhiều địa phương đồng thuận.

Chuyện cát tặc cũng là vấn đề nổi cộm. Dẫn chứng là ngay cả khi tất cả các dự án nạo vét luồng đều đã bị dừng hoạt động, một số địa phương vẫn bắt giữ các vụ khai thác cát trái phép quy mô lớn.

Tôi cho rằng, bất cập lớn hiện nay là việc định kỳ liên tục khảo sát, theo dõi, đánh giá sự biến đổi, sạt lở bờ sông, thay đổi chế độ thủy văn, địa hình của con sông để tìm nguyên nhân, nên có nạo vét cát là có sự phản ứng. Vì vậy, dự án nạo vét luồng cũng dễ bị đánh đồng với khai thác mỏ, thậm chí với cát tặc vốn là nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông.

30

Thanh tra đường thủy kiểm tra, giám sát vị trí phương tiện thi công tại một dự án nạo vét đường thủy trên sông Hồng

Vì sao không đấu thầu dự án nạo vét?

Các nhà đầu tư dự án xã hội hóa nạo vét luồng chỉ chăm chăm vào các dự án có nhiều cát, tại sao không áp dụng hình thức đấu thầu dự án để tăng tính minh bạch, thưa ông?

Chúng tôi cũng nhận ra điều này. Tuy nhiên, với cơ chế hiện tại, cơ quan quản lý chỉ tham gia ban điều hành dự án, quản lý cái khung, bên ngoài. Vì dự án thực chất do nhà đầu tư điều hành, nhà đầu tư là nhà thầu nạo vét luồng, hút cát và cũng lại là người trực tiếp thuê tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát.

Hạn chế này bắt nguồn từ việc thiếu cơ chế, hành lang pháp lý. Dự án nạo vét duy tu luồng là công việc có tính nhỏ lẻ, thời gian không dài. Khi đề xuất nạo vét duy tu theo Luật Đầu tư xây dựng cơ bản, theo Luật Xây dựng, theo Luật Đấu thầu lại vướng vì kinh phí chuẩn bị đầu tư.

Chúng ta cũng muốn đấu thầu nhưng để làm được phải chuẩn bị đầu tư dự án rồi mới kêu gọi đầu tư, mà cơ chế hiện không thể dùng vốn sự nghiệp kinh tế để chuẩn bị dự án, để thành lập và vận hành ban quản lý dự án.

Liệu có giải quyết được hạn chế nêu trên để quản lý hiệu quả đầu tư xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy, thưa ông?

Đầu tư xã hội hóa nạo vét luồng liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành, địa phương nhưng hiện cơ bản mới được quản lý bằng thông tư của Bộ GTVT, nên không thể quản lý hiệu quả được. Trong khi vấn đề này cũng y hệt như bài toán dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Theo tôi, nên quản lý đầu tư xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy cũng như quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Phải đưa Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản, tài nguyên môi trường, hình thức đầu tư PPP vào để quản lý. Do đó, chúng ta rất mong, đề xuất Chính phủ ban hành nghị định về quản lý đầu tư xã hội hóa nạo vét, hoạt động nạo vét trên sông để đảm bảo sự thống nhất, rõ vai trò trách nhiệm của các ngành, địa phương.

Để địa phương chủ đạo trong quản lý dự án, dẹp cát tặc

Dự án khai thác mỏ cát lòng sông chủ yếu do địa phương cấp phép quản lý. Theo ông, địa phương cần được trao thẩm quyền, trách nhiệm thế nào đối với dự án nạo vét luồng?

Quan điểm của Cục là tăng vai trò quản lý của địa phương, phân cấp tối đa để địa phương đóng vai trò lớn hơn, chủ đạo trong thực hiện. Đặc biệt là vấn đề quản lý sản phẩm tận thu, quản lý sản phẩm đầu ra của dự án. Còn vai trò đề xuất dự án vẫn phải là của cơ quan có thẩm quyền theo nguyên tắc luật định là luồng đường thủy quốc gia do Trung ương quản lý, đường thủy cấp địa phương do địa phương quản lý.

Vấn đề cần tính đến là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, của địa phương lớn còn vai trò của nhà thầu, nhà đầu tư nhỏ đi. Cơ chế đưa ra vừa quản lý được nhưng cũng phải hấp dẫn đầu tư, khơi thông luồng vận tải thủy và không gây sạt lở bờ sông.

Riêng vấn đề kiểm soát sạt lở, tôi cho rằng nên tăng tần suất khảo sát bờ sông, lòng sông định kỳ để đánh giá tác động sạt lở, biến động lòng sông ở tất cả các khu vực có dự án nạo vét luồng, mỏ khai thác cát trên sông.

Dùng công nghệ để kiểm soát hút cát trái phép

Về phía Cục có giải pháp nào ngăn ngừa việc lợi dụng danh nghĩa các dự án để hút cát trái phép?

Việc giám sát thực hiện dự án nạo vét, khai thác cát hiện nay chưa có hiệu quả. Phạm vi hoạt động trên sông rộng, tấp nập mà chỉ sử dụng con người trực tiếp giám sát là không đủ, cần phải tận dụng tối đa giám sát bằng công nghệ thông tin, tin học và các công nghệ khảo sát đáy sông. Đối với các dự án nạo vét luồng phải trang bị đầy đủ camera giám sát, giám sát hành trình mới được hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường sự kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các dự án để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Tăng ứng dụng công nghệ vào quản lý nhưng cũng chỉ là để giám sát, phát hiện vi phạm, còn quan trọng là cả hệ thống chính trị, các địa phương, ban ngành cần quản lý đồng bộ để nâng hiệu quả xử lý vi phạm đối với các hoạt động liên quan đến khai thác cát.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện việc quản lý mới chủ yếu tập trung vào vấn đề khai thác trên sông, nơi đầu vào của cát, nên chuyện xử lý vi phạm cũng như “bắt cóc, bỏ đĩa”. Một trong những kẽ hở hiện nay là vẫn có tới 25% bến, bãi chứa vật liệu hoạt động không phép, cũng như chưa kiểm soát được tại nơi sử dụng cát, khiến tồn tại việc tiêu thụ cát khai thác không chính ngạch, cát tặc dễ dàng.

Vấn đề gốc rễ là quản lý được đồng bộ ở các khâu, từ việc hút cát đến mua bán, tiêu thụ, vận chuyển và sử dụng. Nếu thiếu sự kiểm soát theo hệ thống, đồng bộ, liên thông từ đơn vị cấp phép dự án đến quản lý tài nguyên, bến bãi, thuế, nơi xuất hàng, đầu nguồn tiêu thụ... thì việc ngăn chặn cát tặc, vi phạm trong khai thác tài nguyên trên sông vẫn rất khó khăn.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.