Thời sự Quốc tế

Bầu cử Thái Lan: Ứng viên nào sáng giá cho chức Thủ tướng?

22/03/2019, 11:41

Cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan là cơ hội để người dân đưa ra tiếng nói của mình để tìm ra thủ tướng nhiệm kỳ mới trong số 68 ứng viên.

img
Từ trái qua phải: Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha, bà Sudarat Keyuraphan, ông Anutin Charnvirakul, ông Thanathorn Jungrungreangkit và ông Abhisit Vejjajiva

68 ứng viên tranh cử thủ tướng Thái Lan năm 2019 có những nền tảng đa dạng, bao gồm cựu lãnh đạo quân đội - Thủ tướng đương nhiệm trong chính quyền quân quản; tỷ phú nằm trong 1% người giàu nhất Thái Lan; chính trị gia ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng 5 ứng viên sau đây có cơ hội chiến thắng cao hơn trong cuộc bầu cử ngày 24/3 đang cận kề.

1. Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha

Từ một chỉ huy quân đội, ông Prayut Chan-o-cha đã lãnh đạo cuộc đảo chính vào tháng 5/2014 và lên nắm quyền điều hành đất nước trong 5 năm qua.

Ông Prayut Chan-o-cha hiện là ứng viên đại diện đảng Phalang Pracharat ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3.

img
Thủ tướng Prayut nhảy điệu nhảy truyền thống trong một lần vận động tranh cử

Trên mạng xã hội, Thủ tướng Prayut, 65 tuổi, đã đăng hàng loạt hình ảnh của ông gần gũi với người dân như đi tàu đến nơi vận động tranh cử, nhảy các điệu múa truyền thống, tươi cười với người già và trẻ nhỏ.

2. Bà Sudarat Keyuraphan

Bà Sudarat là ứng viên hàng đầu đại diện đảng Pheu Thai ra tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Đảng này có mối quan hệ mật thiết với anh em cựu Thủ tướng Thaksin và Yingluck Shinawatra, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2014.

img
Bà Sudarat là ứng viên hành đầu của đảng Pheu Thai trong cuộc tranh cử thủ tướng Thái Lan

Vị nữ chính khách 57 tuổi này đã giúp lập ra đảng Thai Rak Thai (đảng Người Thái yêu người Thái), một đảng được cho là cũng có mối liên hệ với gia tộc Shinawatra. Tuy nhiên, đảng này hiện đã bị giải thể.

Khi ông Thaksin bị phế truất năm 2006, bà Sudarat bị cấm tham gia chính trị trong 5 năm. Sau đó, bà đã vận động quyên góp để ủng hộ công tác trùng tu các công trình tôn giáo tại Lumbini, cái nôi của Phật giáo ở Nepal.

3. Ông Anutin Charnvirakul

Ông Anutin là con trai của một tài phiệt trong ngành xây dựng ở Thái Lan và từng là cựu quan chức trong chính quyền của cựu Thủ tướng Thaksin.

img
Ông Anutin bên phi cơ riêng

Giới phân tích cho rằng, đảng Bhumjaithai của ông có thể trở thành một đối tác liên minh trong chính phủ tiếp theo. Đảng này khá được lòng cử tri ở vùng Đông Bắc Thái Lan và từng đứng thứ 3 trong cuộc bỏ phiếu năm 2011.

Ông Anutin, 52 tuổi, đã gây xôn xao chính trường năm nay sau khi đảng Bhumjaithai đưa ra các biểu ngữ có in hình lá cây thuốc phiện và nêu ra những lợi ích kinh tế với người nông dân khi Thái Lan hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa trong điều trị y tế hồi năm ngoái.

4. Ông Thanathorn Juangroongruangkit

Vị chính khách 40 tuổi là ứng viên của đảng Future Forward (Hướng về tương lai) trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Ông đã thể hiện mình là một lựa chọn mới để hàn gắn những rạn nứt trên chính trường Thái Lan và đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ chính quyền quân quản.

img
Chính trị gia trẻ tuổi này còn có niềm đam mê với thể thao và chơi giỏi nhiều môn như bơi lội, leo núi...

Là chủ của một doanh nghiệp kinh doanh linh kiện ô tô, chính trị gia Thanathorn nói rằng, "mặc dù thuộc nhóm giàu có chiếm 1% dân số Thái Lan, nhưng ông luôn ủng hộ 99% dân số còn lại".

Ông Thanathorn được ví như niềm hy vọng mới của giới trẻ và nhận được ủng hộ đông đảo từ cộng đồng mạng xã hội Thái Lan.

Giới phân tích cho rằng, dù chỉ mới được thành lập vào năm ngoái, đảng Future Forward có thể nhận được sự ủng hộ từ hơn 7 triệu cử tri trẻ tuổi vừa đủ điều kiện bỏ phiếu lần đầu, những người ở độ tuổi 18-25.

5. Ông Abhisit Vejjajiva

Ứng viên đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva sinh ra và lớn lên ở Anh và có thời gian theo học ở ngôi trường danh tiếng Oxford. Ông nhận được khá nhiều sự ủng hộ của cử tri thủ đô Bangkok và một số khu vực miền Nam Thái Lan.

img
Ông Abhisit Vejjajiva chụp ảnh selfie cùng một người ủng hộ

Chính trị gia 54 tuổi này từng được bầu làm Thủ tướng vào năm 2008 và trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Thái Lan trong 60 năm.

Chính quyền ngắn ngủi của ông đã không được duy trì lâu bởi cuộc đàn áp người biểu tình vào năm 2010 khiến 99 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là người biểu tình. Đây bị coi là tình trạng bất ổn dân sự tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ tại Thái Lan.

Ông Abhisit đã bị chỉ trích vì không tố cáo chính quyền quân quản nắm quyền vào năm 2014. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, chính trị gia này nói ông sẽ không ủng hộ Thủ tướng Prayut và tuyên bố đảng Dân chủ đặt mục tiêu trở thành nòng cốt của chính phủ tiếp theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.