Chất lượng sống

Bay lên, những giấc mơ

02/05/2015, 14:22

Không hiểu sao thuở thiếu thời và mãi sau này, tôi nhiều lần mơ ngủ thấy mình bay qua sông...

321
 

Không hiểu sao thuở thiếu thời và mãi sau này, tôi nhiều lần mơ ngủ thấy mình bay qua sông, bay qua những cánh đồng, đỉnh núi đến một viễn cảnh khác. Ngay cả những cơn ác mộng, bị đuổi bắt, giấc mơ bay đã làm tôi thoát hiểm, dù có lúc những kẻ săn đuổi, sát khí đằng đằng suýt tóm được chân thì choàng tỉnh, sau cơn ú ớ giãy đạp.

Người ta nói, những giấc mơ hay lặp lại cũng có thể giải mã được bởi các nhà khoa học, nhà chiêm tinh. Tôi không hiểu giấc mơ bay của tôi bắt đầu từ thẳm sâu thể trạng tinh thần, ẩn ức nào. Cũng có thể nó rất tự nhiên từ ao ước thoát khỏi những cản trở, nhọc nhằn từ mặt đất, từ những con đường lầy thụt mùa mưa trên cánh đồng làng, ngõ xóm thuở ấu thơ. Và cũng có thể, làng tôi ven hạ lưu sông Đà, con sông hùng vĩ, ăm ắp kỷ niệm của đời người nhưng cũng cách trở hàng trăm hàng ngàn năm, trước khi có cầu Trung Hà nối Phú Thọ và Hà Tây (Hà Nội bây giờ) vào năm 2002, thay cho những con đò, con phà chờ đợi rề rà, sốt ruột, í a điệu chèo, tình tứ ca dao.

Giấc mơ bay bắt nguồn từ đời sống và những ký ức về dòng sông ấy chăng? Vâng, cầu Trung Hà chính là đôi cánh bay vượt khỏi cái hữu hạn chia cắt của sông Đà, nó thay cho tiếng gọi đò vời vợi, mỏng manh, lay lắt những trăm năm của quê tôi. Và những trăm năm ấy cũng là thước đo sự chậm phát triển của những vùng đất thuần nông, cách trở bởi sông ngòi.

Tôi trở lại cảm giác như được bay khi đứng trên cầu Nhật Tân, cây cầu dây văng năm trụ tháp hình thoi dài nhất Việt Nam, là số ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, trước ngày cắt băng khánh thành, trong đợt đi với ngành Giao thông. Tôi cũng chợt liên tưởng cảm giác bay huyền ảo khác trên vịnh San Francisco, Bắc California khi đứng trên cầu treo Cổng Vàng, một trong những công trình vĩ đại và lãng mạn nhất của thế kỷ XX trong làn sương và hơi nước mờ ảo cuộn lên từng đợt giữa tháng 5 bộn nắng của miền Tây nước Mỹ. Công nghệ cầu đường thế giới vẫn liên tục phát triển, tạo những cảm giác bay mới mang tính châu lục và toàn cầu.

Cầu Nhật Tân mang vẻ đẹp lãng mạn khác, nó lừng lững vươn lên bầu trời như gánh cả Hà Nội bay sang bờ Bắc. Con sông Hồng đỏ mịn phù sa, nao nức xuôi dòng trở nên dịu dàng và lặng lẽ dưới gầm cầu. Hà Nội nhấp nhô cao thấp, cũ và mới miên man sầm uất dưới vòm ngực vồng lên của Nhật Tân trong nắng tỏa. Trong cảm giác lâng lâng đứng bên lan can thành cầu ngắm đôi bờ sông Hồng ngút ngát, những câu thơ như sóng bỗng ùa về trong cảm xúc của tôi:

“Năm trụ dây văng gánh cả
không gian
gánh Hà Nội sang bờ thế kỷ

Tôi đi ngược tinh sương những
cánh đồng, bến chợ
gặp tảo tần bồi lở bến sông
gặp mảnh trăng non treo mòn
con nước
tiếng gọi đò vọng những
ngàn năm
nước mắt cách chia đỏ sóng
sông Hồng

Năm nhịp dây năm nhịp thời gian
năm nhịp yêu
neo xanh trời áo thợ
cây cầu dắt quê ùa vào thành phố
dắt phố về lát những nẻo quê…

Rồi mai những chuyến xe tíu tít
Nội Bài
rồi mai hoa đào đi đâu về đâu?
cây cầu cõng một dòng chảy
tốc độ…”.

Nhật Tân cõng dòng chảy tốc độ. Tốc độ từ những con đường của một xã hội nông nghiệp đang tiến lên công nghiệp. Tôi bỗng nhớ bước chân mẹ bấm những bậc trơn trên bến nước sông Đà, những gánh lúa nặng trĩu mùa màng trên con đường đất phù sa nhòe gót, những dốc sỏi quanh co của vùng đồi trung du khoai sắn nhọc nhằn thế kỷ trước… cùng ùa về trên dòng chảy Nhật Tân cường tráng vắt ngang sông Hồng.

Cả những con đường gập ghềnh, cày nát bởi đạn bom của năm tháng chiến tranh ác liệt, những đòn gánh oằn vai sẻ chia từng hạt gạo Bắc - Nam, sẻ chia từng giọt mồ hôi và nỗi đau mất mát, hy sinh cho ngày thống nhất giang sơn. Những đòn gánh gánh gồng bao số phận con người từ đời này sang đời khác là động lực, là nguồn thôi thúc để nhanh chóng mọc lên những cây cầu mới, những con đường hiện đại, những bến cảng giao thương sầm uất để có thể tăng tốc nhịp độ phát triển và hội nhập quốc tế, thay đổi thế phận nghèo và lạc hậu mà người dân Việt hằng khao khát vươn lên. Trong đó có đóng góp từ trí óc sáng tạo và bàn tay cần mẫn của những trí thức và những người thợ cầu đường đang hiện thực hóa những giấc mơ bay.

Với cầu Nhật Tân, ít nhất trục đường Nhật Tân - Nội Bài rút ngắn một nửa so với hướng Thăng Long - Nội Bài và giảm tải lưu lượng xe qua hướng cầu Thăng Long, vốn ùn ứ và mặt cầu xuống cấp trong nhiều năm qua. Nó không chỉ rút ngắn thời gian, tăng tiện lợi cho giao thông từ trung tâm Thủ đô đến Cảng hàng không Nội Bài, nó còn nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nối nhịp hành lang kinh tế Đông - Tây quan trọng để tăng tốc trong những năm tới.

323

Đường Nội Bài - Nhật Tân - Ảnh: Dương Linh

Trên cây cầu còn thơm mùi sơn, sừng sững “bay” ngang sông Hồng lộng gió, Trưởng chi nhánh Ban quản lý Dự án 85, Bộ GTVT, Giám đốc dự án xây dựng cầu Nhật Tân, kỹ sư trẻ Nguyễn Lê Minh hào hứng bằng một giọng miền Trung: Cầu Nhật Tân có tổng vốn đầu tư hơn 13. 626 tỷ đồng từ vốn vay của Nhật Bản, với thiết kế của Nhật, có tham gia của các “bộ óc” cầu đường từ Đức, Pháp, Thụy Sĩ.

Tư vấn giám sát bởi Liên danh Chodai - Nippon Engineer - TEDI (Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT) và thực hiện bởi các nhà thầu thi công liên danh trong nước với nước ngoài, đó là Vinaconex và Sumitomo Mitsui, Tokyu.

Cây cầu là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Nhật, là tình cảm của những người bạn đến từ xứ mặt trời mọc với Thăng Long cổ kính ngàn năm. Đó cũng là minh chứng rõ nhất thời kỳ mở cửa hội nhập, thu hút đầu tư, vươn ra thế giới ở Việt Nam. ** *

Đứng từ Nhật Tân nhìn xuôi dòng nước về phía xa kia là Long Biên và Chương Dương. Cầu Chương Dương, cây cầu hiện đại đầu tiên do người Việt tự lực thiết kế và xây dựng năm 1985, thấm thoát cũng đã tròn 30 năm rồi, gồng gánh đời sống kinh tế - xã hội, dân sinh của Thủ đô. Chương Dương được coi là cây cầu lịch sử mở ra thời kỳ mới của cầu Việt, nối bờ Nam ngay ở trung tâm Hà Nội với bờ Bắc là Gia Lâm và tỏa đi các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc, sau cầu Long Biên kề bên của người Pháp đã cũ kỹ, nhỏ bé, quá tải, kìm hãm lưu thông trước nhu cầu phát triển của thập niên 80 thế kỷ trước.

Vâng, Chương Dương, cái tên bỗng gợi nhớ địa danh nổi tiếng Chương Dương Độ, nơi các chiến binh nhà Trần dưới sự chỉ huy tài tình của tướng quân Trần Quang Khải đã chiến thắng vang dội quân Nguyên Mông năm 1285. Cuối thế kỷ 20, Chương Dương như là chiến công của sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật, máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng của những người thợ cầu nội quốc để hoàn thiện và vượt trước cả kế hoạch nhiều tháng.

Mà ở đây, những người xây dựng cây cầu có ý nghĩa như dấu mốc lịch sử của ngành Giao thông là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1). Vì thế, không phải ngẫu nhiên, sau ngày khánh thành cây cầu quan trọng này, Công ty Cầu 12 và 16, người thợ sắt kỹ thuật cao Nguyễn Thế Tùng là những đơn vị và cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Sau Chương Dương đã có biết bao cây cầu mới mọc lên khắp đất nước, đặc biệt là những cây cầu thông suốt tuyến QL1, từ Lạng Sơn tới Cà Mau, có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn, thực sự giải phóng sự chia cắt của không gian, nối liền một dải dòng chảy kinh tế, dòng chảy văn hóa từ miền nọ tới miền kia của đất nước vốn dọc ngang nhiều sông ngòi, chằng chịt kênh rạch trên những cánh đồng bát ngát miền Tây Nam bộ.

Tôi nhắc tới sự kiện này bởi không chỉ vai trò lịch sử của cây cầu. Hơn thế, bởi những người xây dựng Cienco 1, đơn vị được coi là biểu tượng, là cánh chim đầu đàn trong nghề cầu đường Việt Nam. Tôi biết, vừa năm ngoái, tức năm 2014, là 50 năm lịch sử hình thành Tổng công ty, bắt đầu từ Ban chỉ đạo miền Tây, ngày 3/8/1964.

Kể từ đó, Cienco 1 đã qua 6 lần thay tên đổi họ, đã qua bao gian khó và hy sinh giữ vững mạch máu giao thông trong chiến tranh chống Mỹ thời kỳ 1964 - 1975; đã qua những ngày gian khó thiếu đói khôi phục giao thông, xây dựng nhiều công trình hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 1976 - 1985; đã nghị lực đổi mới cơ chế và công nghệ, đột phá thị trường trong và ngoài nước thời kỳ 1986 - 1996; đã quyết tâm nâng cao tính chuyên nghiệp, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị phần, hoàn thành cổ phần hóa từ năm 1997 và tiếp tục vận hành bộ máy năng động đó đến nay.

Biết bao thế hệ cán bộ và người thợ cầu đường đã cống hiến sức lao động, kể cả hy sinh tính mạng trong nửa thế kỷ Cienco 1, khó có giấy bút nào có thể ghi hết khối lượng công việc cũng như phẩm chất, niềm vui hay nỗi buồn… của hàng ngàn số phận khác nhau những con người nơi đây. Nói như Chủ tịch Hội đồng thành viên Phạm Dũng: “Nửa thế kỷ phát triển của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 gắn với nhiều sự kiện lớn của dân tộc: chiến tranh và hòa bình, đất nước thống nhất, đổi mới, mở cửa, tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… Những phẩm chất mang tính liên tục: Luôn đi đầu đổi mới công nghệ, lao động cần mẫn, sáng tạo, vượt khó và sống có lý có tình đã trở thành nét đẹp truyền thống, tài sản vô giá của Tổng công ty”.

322
 

Đúng vậy, tài sản vô giá là tích tụ của những phẩm chất trên trong một từ có tên là UY TÍN. Tổng giám đốc Cienco 1 Cấn Hồng Lai cũng nói về đổi mới, làm chủ công nghệ mới và xây dựng uy tín thương hiệu qua những công trình trọng yếu của đất nước đã làm nên vị thế và sức cạnh tranh của Tổng công ty trong thời kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập. Cấn Hồng Lai vào lính năm 1972 trong đơn vị đường 559 của Tướng Đồng Sĩ Nguyên, đánh trận ở chiến trường Lào và Tây Nguyên khi mới là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Giao thông Hà Nội.

Bây giờ, người lính và người kỹ sư quản lý doanh nghiệp cầu đường hàng đầu ấy vẫn thủy chung với cây điếu cày, liên tục rung lên sòng sọc và tác phong dân dã lính trong căn phòng quá nhiều nhân viên vào ra báo cáo và khách quan hệ công tác. Anh kể, Cienco 1 đến nay vẫn là đơn vị duy nhất bám trụ ở Lào, Campuchia và được ngành Giao thông các nước bạn coi như đơn vị xây dựng giao thông của nước họ. Không phải đơn giản để có thể trở thành “người nhà” thân thiện, tin cậy trên rất nhiều con đường, cây cầu ở nước bạn Lào, Campuchia. Không phải ngẫu nhiên mà Cấn Hồng Lai được hai nước bạn cùng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Nghĩa là Cienco 1 đã vươn ra quốc tế, họ bay lên cả ở những vòm trời khác nhiều cạnh tranh.

Khi tôi đến Tổng công ty, rất nhiều cán bộ chủ chốt mà tôi muốn gặp vẫn đang kinh lý ở Campuchia. Anh Lai bảo, “phu lục lộ” là vậy, có người cả cuộc đời là nằm lán trại công trường, gian khổ nhất vẫn là những công trình ở miền núi, xa dân cư và miền Trung mùa bão. Anh khoe, Cienco 1 có 6 đơn vị chuyên xây dựng cầu, trong đó Công ty Cầu 12 và Cầu 14 là hai đơn vị thiện chiến, nổi tiếng nhất. Thiện chiến là nói theo kiểu con nhà lính của Cấn Hồng Lai, nhưng nó bao hàm đầy đủ cả sự lành nghề, có kỹ thuật cao, thi công trên mọi địa hình phức tạp, xử lý tình huống tháo vát… của đơn vị này. Trong khoảng 20 năm gần đây, Cienco 1 đã hoàn thành hàng trăm cây cầu, bến cảng, sân bay, khu công nghiệp.

Có thể kể ra một loạt cây cầu quan trọng, ứng dụng công nghệ mới dưới bàn tay của những người thợ: Cầu Thị Nại (Bình Định), là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam; cầu Tân An (Long An), Bãi Cháy (Quảng Ninh), Tạ Khoa (Sơn La), Trần Thị Lý (Đà Nẵng), Châu Giang (Hà Nam), Rạch Miễu, Hàm Luông (Bến Tre). Họ cũng đang xây dựng hai cây cầu lớn trên sông Tiền, sông Hậu là Vàm Cống (An Giang), Cao Lãnh (Đồng Tháp). Những cây cầu trên địa bàn Hà Nội hoàn thành gần đây: Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Đông Trù… làm mạng lưới giao thông nội, ngoại vùng Hà Nội trở nên tiện lợi lên gấp bội.

50 năm thăng trầm lịch sử ấy, bàn tay người thợ Cienco 1 góp phần làm cho bao vùng quê, bao dòng sông và cây cầu cất cánh khỏi những tù hãm, trì trệ của địa hình thiên tạo. Đánh giá về Cienco 1, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh rằng: “Cienco 1 đã và luôn là một phần không thể thiếu của lịch sử phát triển giao thông, lịch sử xây dựng và tái thiết đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh không thể bị lãng quên… Cienco 1 đang mang trên vai trọng trách rất lớn với cả quá khứ, hiện tại và tương lai”.** *

Xin trở lại Nhật Tân, cây cầu đã thông xe lúc 11 giờ, sáng mùng 4/1/2015 ngay sau Lễ khánh thành Nhà ga quốc tế T2, Cảng hàng không Nội Bài cùng ngày. Nhà ga T2, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cầu Nhật Tân là ba công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Nhà ga quốc tế T2 hiện đại nhất Việt Nam, sẽ phục vụ 10 lượt triệu khách mỗi năm tính đến năm 2020 và 15 triệu lượt khách tính đến 2030.

Hàng ngàn người dân hai bờ sông Hồng nô nức kéo lên cầu trong niềm vui bâng lâng buổi sáng ngày thông xe. Nhiều người trong số họ xúc động rớm nước mắt, cảm như mình được bay lên không gian cao rộng từ bờ bãi sông Hồng và đồng ruộng quê hương thuở còn bì bõm. Tất nhiên rồi, cầu Nhật Tân, trục đường Nhật Tân - Nội Bài không chỉ làm thay đổi bộ mặt Thủ đô, thay đổi hình ảnh cửa ngõ giao thương, cửa ngõ văn hóa Hà Nội với bạn bè quốc tế, nó sẽ làm đổi đời cuộc sống của những người dân dọc hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài. Người ta đang hồi hộp chờ đợi những công trình kiến trúc sẽ mọc lên nơi đây. Hà Nội vừa trình bày quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài, cửa ngõ Thủ đô hiện đại với các chuỗi đô thị theo ý tưởng “Rồng đón ngọc”.

Trong vòng mươi, mười lăm năm nữa những cụm đô thị, trung tâm thương mại, công trình văn hóa, du lịch sinh thái, công viên giải trí… sẽ mọc lên, chẳng sẽ thay đổi lớn lao cho đời sống Hà Nội sao!?

Đứng bên bờ sông Hồng, từ cửa khẩu Nhật Tân nhìn lên 5 trụ tháp, người ta bảo đấy là biểu tượng năm cửa ô Hà Nội, cũng có thể hình dung là những đôi quang gánh bầu trời, gánh Hà Nội sang bờ thế kỷ như cảm xúc riêng tôi. Nhưng cũng chính ở giây phút nhiều liên tưởng này, tôi lại thấy hiện về những em bé vùng sâu phải đu dây vượt sông Po-kô đến trường như gánh xiếc ở xã Đắk Ang, Ngọc Hồi, Kon Tum; thấy người dân và học sinh ở bản U Ra, Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu phải đứng trên miếng ván treo đu đưa, trượt theo dây cáp sang sông Nậm Na; thấy các cháu học sinh ở bản Sam Lang, Nà Hỳ, Nậm Pồ, Điện Biên phải chui vào bọc ni-lông nhờ người biết bơi kéo qua sông mùa mưa lũ; thấy hàng trăm học sinh ở 6 bản hẻo lánh xã An Lương, Văn Chấn, Yên Bái phải đi học bằng bè mảng… Để con có chữ, nhiều khi phải đổi bằng cả tính mạng con em, người thân trong gia đình mình. Bao nước mắt đau thương đã đổ xuống sông sâu, suối dữ mùa mưa lũ thật thương tâm. Cả báo chí nước ngoài cũng bình luận về sự hiếu học hiếm có của người Việt, cũng như những phương tiện giao thông kỳ lạ, mạo hiểm ở những vùng sâu gian khó của Việt Nam. Còn rất nhiều bản làng như vậy, người dân chỉ mong có một chiếc cầu treo nho nhỏ. Giản dị thế thôi, một chiếc cầu treo, như cầu treo ở Đắk Ang được xây dựng ngay sau báo chí đưa tin và hình ảnh trẻ đu dây đi học, là ước mơ của họ đã được bay lên, đã đổi đời rồi.

Trên dòng chảy nao nức xe qua lại kia, có cả sắc hoa đào Nhật Tân lên Nội Bài, theo đường bay vào phương Nam, sang nước bạn, báo hiệu sắc thái mới của mùa xuân ngay tại làng hoa đào truyền thống và nổi tiếng đất ngàn năm văn vật này. Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thịnh, Nhật Tân và cả Long Biên xưa cổ nữa… là lực đẩy để Thủ đô cất cánh vào hiện đại. Vui là thế, nhưng đừng bay lẻ, đừng quên những cây cầu cho những vùng sâu, những đứa trẻ hiếu học, như những đứa trẻ mà tôi vừa nhắc, ở khắp mọi miền đất nước được bay lên trong những giấc mơ và khát vọng của mình. Chỉ khi đất nước có những cây cầu của tri thức, trân trọng tri thức và hiền tài như truyền thống cha ông “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, đất nước sẽ đẩy lùi lạc hậu, sẽ thăng hoa và cất cánh lên những tầm cao mới.

Hà Nội, 2015

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.