Thế giới

Bê bối liên quan đến Nga đeo bám ông Trump

16/02/2017, 07:25
image

Không chỉ một cố vấn mà rất nhiều cố vấn khác trong đội vận động tranh cử thường xuyên liên lạc với Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump họp cùng các cố vấn tại

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các cố vấn tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng.

Sau vụ cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chức, tình báo Mỹ tiếp tục rò rỉ thông tin nhiều cố vấn trong đội vận động tranh cử Tổng thống của ông Trump năm 2016 liên lạc với các quan chức tình báo cấp cao của Nga.

Nhiều cố vấn của ông Trump liên lạc với Nga

Một ngày sau vụ ông Michael Flynn, cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chức vì thừa nhận thiếu trung thực khi báo cáo thông tin về các cuộc liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ, ngày 15/2, theo giờ Việt Nam, tờ The New York Times dẫn 4 nguồn tin tình báo cấp cao của Mỹ (cả cựu quan chức và đương nhiệm) cho biết, không chỉ một cố vấn mà rất nhiều cố vấn bên cạnh ông Trump trong đội vận động tranh cử thường xuyên liên lạc với Nga. Nhận định này được đưa ra dựa trên lịch sử điện thoại, nội dung một số cuộc điện thoại bị nghe lén của cố vấn ông Trump và phía tình báo Nga.

Tờ The New York Times dẫn lời 3 quan chức giấu tên cho biết: “Cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ đã nghe lén các cuộc liên lạc điện thoại này trong thời gian tìm bằng chứng để chứng minh Nga tấn công mạng Ủy ban Quốc gia Dân chủ từ đó gián tiếp can thiệp bầu cử Mỹ”. Tờ này cho biết, cơ quan tình báo Mỹ đang điều tra “liệu đội vận động tranh cử của ông Donald Trump có thông đồng với quan chức Nga để tấn công hoặc thực hiện bất cứ nỗ lực nào nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử hay không”. Và hiện chưa có bằng chứng chứng minh mối hợp tác đó.

Xem thêm video:

Tờ báo này không nêu rõ bản chất các cuộc gọi, chỉ nêu tên duy nhất một trợ lý của ông Donald Trump - Paul Manafort. Ông này từng là Chủ tịch đội vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump trong vài tháng, là cựu cố vấn chính trị tại Nga và Ukraine. Về phần mình, ông Manafort bác bỏ mọi cáo buộc, chỉ trích bài báo “vô lý”. “Tôi không hiểu họ đang ám chỉ điều gì. Tôi chưa bao giờ nói chyện với các quan chức tình báo Nga. Tôi chưa bao giờ dính líu tới bất cứ việc làm nào liên quan tới Chính phủ Nga, chính quyền Putin hay bất cứ vấn đề nào khác đang bị điều tra ngày hôm nay”, ông Manafort nói.

Khi được hỏi về sự việc này, Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từ chối bình luận. Nhà Trắng ban đầu không bình luận; Sau đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định, không ai trong đội vận động tranh cử của Tổng thống Trump liên lạc với quan chức Nga trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trước đây, ông Trump từng thừa nhận Nga là thủ phạm tấn công mạng Đảng Dân chủ nhưng bác bỏ thông tin thông đồng với Moscow. Về phía mình, Nga luôn bác bỏ tất cả các cáo buộc tấn công mạng, can thiệp bầu cử.

Lật lại nghi vấn tranh cử

Những thông tin từ tình báo Mỹ một lần nữa lật lại những nghi vấn ông Trump thông đồng với Nga để giành chiến thắng lội ngược dòng trong cuộc bầu cử Mỹ. Theo Washington Post, các nghị sĩ Đảng Dân chủ và một nhóm nghị sĩ Đảng Cộng hoà kêu gọi điều tra độc lập và kỹ lưỡng về sợi dây liên quan giữa ông Trump và Nga. Ông Eliot Cohen, cố vấn cho chính quyền thời Tổng thống George W. Bush nhận định: “Vốn có một đám mây phủ bóng lên chính quyền ông Donald Trump khi nói đến Nga và đám mây này ngày càng tối sầm lại”.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Roy Blunt cho rằng, “Ủy ban Tình báo Thượng viện nên điều tra mối liên hệ Nga - Trump thật cặn kẽ để đến cuối cùng, không ai còn phân vân vấn đề gì và đừng đưa ra kết luận trước khi có đủ thông tin”. Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết, “các nghị sĩ cần phải tìm hiểu rõ ràng vấn đề liên quan tới Nga dù sự thật có đi đến đâu”. Ông này từng nghi ngờ Ngoại trưởng Rex Tillerson có quan hệ tốt với Tổng thống Nga Putin thời còn làm CEO của Tập đoàn ExxonMobil.

Dấu hiệu sớm về sự chia rẽ

Mặt khác, từ chuyện cố vấn Flynn đến thông tin mà Washington mới đăng tải trên đều do các nguồn tin tình báo cung cấp. Có thể thấy, đây là dấu hiệu sớm về sự chia rẽ giữa các cơ quan này với Nhà Trắng và khả năng sẽ còn nhiều thông tin động trời khác được hé lộ trong tương lai.

Trong bài viết trên tờ Observer, ông John Schindler, chuyên gia an ninh, nhà phân tích và cựu sĩ quan phản gián của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho rằng: Cộng đồng tình báo Mỹ đang đối đầu với Nhà Trắng về các vấn đề liên quan tới Nga. Theo ông, họ lo ngại Nhà Trắng đang quá thân thiện với Moscow, điều này khiến các đồng minh tình báo thân cận của Mỹ thận trọng và hạn chế thông tin với Washington, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới an ninh quốc tế, đặc biệt trong vấn đề phản gián.

Ngoài ra, theo ông Schindler, cộng đồng tình báo cũng không ưa thái độ của ông Trump khi tiếp nhận các báo cáo tình báo hàng ngày dành cho Tổng thống. Ông thường yêu cầu cựu cố vấn Flynn cô đọng thông tin tóm tắt vào trong một trang giấy và không quá 9 gạch đầu dòng. Nhiều quan chức tình báo cảm thấy Tổng thống không quan tâm, chú trọng tới tình báo.

Ông Schindler còn dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ nghi ngờ có tai mắt của Chính phủ Nga trong phòng Hội nghị Nhà Trắng, nơi Tổng thống và các nhân viên cấp cao nhận thông tin mật.

Vì những vấn đề trên cộng với nghi ngờ khả năng giữ thông tin mật của Nhà Trắng, nhiều cơ quan tình báo không thông báo hết thông tin cho Tổng thống. Ông Schindler dẫn lời một quan chức cấp cao NSA cho biết, cơ quan này giữ lại một số “thông tin hay” và không thông báo tới Nhà Trắng - một động thái chưa từng có tiền lệ. Mối lo ngại này đang ngày càng lan rộng trong cộng đồng tình báo và NSA không phải cơ quan duy nhất bớt lại thông tin tình báo khi trình lên Tổng thống, ông Schindler nói đồng thời cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump không nên gây chiến với cộng đồng tình báo.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.