Làm báo cùng Giao thông

Bệnh “ném đá” công trình nghìn tỷ?

19/10/2018, 09:11

Với những công trình nghìn tỷ, vấn đề không phải làm hay không mà là làm như thế nào?

9

Cầu đi bộ lát gỗ lim bắc trên sông Hương ở Huế đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận - Ảnh: Duy Lợi

Vì tôi thường phản biện trên facebook cá nhân nhiều vấn đề xã hội, nên mấy ngày nay, chưa thấy tôi nhắc đến nhà hát ở Thủ Thiêm hay cây cầu gỗ Lim trên sông Hương, nhiều bạn nhắn tin hỏi.

Có câu hỏi kiểu thế này: Làm du lịch thì phải tạo ra cái mới, không thể ăn mòn, ăn bám mãi vào di sản. Ấy vậy mà làm cái gì mới là dân tình đổ xô vào phản đối. Phải chăng ném đá công trình nghìn tỷ đã thành một loại “bệnh”?

Thực ra đây là một câu hỏi rất hay. Phần nào tôi cũng lý giải được. Có những người rất lạ là cứ cái gì Việt Nam làm thì họ chê, còn Tây làm gì cũng hay, cũng đẹp.

Ví dụ cái đường sắt trên cao của Hà Nội, rõ ràng nó phục vụ rất tốt cho cộng đồng, về lâu về dài, chúng ta sẽ có một mạng lưới giao thông trên cao trong thành phố. Bangkok họ đã làm cái đó và giải tỏa rất nhiều về mặt giao thông. Ở Malaysia người ta cũng đã làm rất tốt và tôi đi bên đấy thấy rất tiện. Nhưng ở Việt Nam, khi các tấm ảnh và video chạy thử tàu được lộ ra trên mạng lập tức rất nhiều người nhảy vào “ném đá”, thậm chí có người kêu gọi tẩy chay không đi. Với những người này, những thứ ở ta mặc nhiên là xấu, không tốt.

Đó là một tâm lý thường thấy nhưng còn có một tâm lý khác, nguy hiểm hơn, mà các nhà quản lý cần lắng nghe và giải quyết. Đó là người dân cảm thấy lo lắng về chất lượng của công trình, về giá dự án, họ không tin bất cứ thông điệp nào do chính quyền đưa ra. Sự hoài nghi bắt đầu từ những yếu tố mang tính tiêu cực, bao nhiêu công trình đã bị rút ruột, đã phơi nắng mưa hoen mốc hoặc vừa làm xong đã hỏng. Người ta đặt ra một câu hỏi: Thực ra số tiền thực sự chi vào công trình là bao nhiêu, bao nhiêu tiền vào túi ai.

Quay trở lại câu chuyện tự nhiên đặt một cái gì đó trên một dòng sông hoặc một cái hồ như cây cầu gỗ ở Huế đang gây sốt cộng đồng mạng thì ở Ý cũng đã có một cuộc tranh cãi. Mấy năm trước người ta đặt một công trường nhỏ trên một cái hồ và tuyên bố những nghệ sĩ có thể đi trên mặt nước tại đây.

Lúc đầu dư luận Ý phản đối, tuy nhiên, khi lắp đèn chiếu, rồi nghệ sỹ biểu diễn trên mặt hồ thì khách du lịch đổ về rất đông, cảnh tượng rất đẹp. Vấn đề nằm ở chỗ, người ta biết tận dụng khai thác công trình, mặc dù ngay từ đầu có vẻ gây tranh cãi hoặc không đồng thuận. Nhưng người ta đã chứng minh được thực sự là nó rất đẹp và nó phát huy được hiệu quả sau đầu tư.

Tức là người làm văn hóa phải tính đến giá trị lâu dài của công trình, đừng chăm chăm xây cho bằng được rồi để đấy  chứ chưa nói anh còn muốn trục lợi khi triển khai.

Những công trình được đầu tư bằng tiền ngân sách thì cấp phê duyệt phải có nghĩa vụ chứng minh với người dân điều họ làm có ích cho cộng đồng, có ích như thế nào, người dân sẽ được hưởng lợi những gì. Khi người ta nhìn thấy những cái lợi, con cái được đi xem hát, có khu vui chơi, được học về nghệ thuật, đời sống văn hóa phong phú hơn và khách du lịch, thu nhập nhiều lên thì không ai người ta phản đối cả.

Vấn đề không phải là làm hay không làm mà là làm như thế nào. Từ xưa đến nay chúng ta đã làm rất nhiều thứ không rõ ràng, không minh bạch. Người dân nghi ngờ nhóm lợi ích nào đó “vẽ ra” công trình để bòn rút. Họ thấy không được lợi gì, thì họ phản đối hoặc "ném đá" cũng là lẽ thường.

Cái bệnh “ném đá” ý, không phải từ dân mà ra, mà từ chính những thứ họ nhìn thấy mỗi ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.