Bệnh nhân tay chân miệng ở khu vực phía Nam chiếm 77% cả nước

10/10/2018, 16:33

Tại khu vực phía Nam, bệnh nhân tay chân miệng chiếm 77%, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường phòng, chống...

IMG_3447.

Toàn cảnh Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam

Chiều 10/10, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng (TCM) và sởi khu vực phía Nam.

Theo Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2017, số bệnh tay chân miệng trong cả nước giảm 18,9% nhưng một số tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội lại tăng cao và nhanh trong các tuần gần.

Tính đến ngày 8/10, cả nước ghi nhận hơn 61.800 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có trên 29.300 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam; có 1.093 ca dương tính với sởi/2.942 ca sốt phát ban nghi sởi, tử vong 1 ca; sốt xuất huyết (SXH) có 67.414 ca mắc, tử vong 11 ca.

Tại khu vực miền Nam chiếm 77,6% số ca mắc chân tay miệng so với cả nước, miền Bắc chiếm 10,6%, miền Trung chiếm 10,1% và Tây Nguyên chiếm 1,7%. Đối tượng mắc tay chân miệng chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi chiếm tới 99,5% số ca.

Cũng theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, ghi nhận thêm 25 ca mắc bệnh sởi mới, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên tới 143 trường hợp. Bệnh tay chân miệng tuần qua có thêm 397 ca, tăng 34% so với trung bình của 4 tuần trước. Tổng số ca mắc bệnh ghi nhận từ đầu năm đến nay là 4.066 ca.

Trước đó, ngày 9/10, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường cường trong công tác khám, phân loại, điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết Dengue, nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong.

Theo đó, lãnh đạo các đơn vị y tế, bệnh viện khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác truyền thông trong cơ sở khám chữa bệnh.

Đặc biệt, các bệnh viện phải tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi (đối với bệnh tay chân miệng có thể khám chung với các bệnh khác nếu nhân viên y tế làm tốt việc khử khuẩn, vệ sinh tay); cho nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết nặng theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây chéo trong bệnh viện…

Việc điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế và tham khảo cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em đã được Bộ Y tế ban hành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.