Bạn cần biết

Bệnh nhân tiểu đường đừng ngâm chân nước nóng

18/03/2018, 08:22

Nhiều bệnh nhân tiểu đường thường ngâm chân nước nóng, với mục đích đả thông kinh mạch, làm sạch và phòng ngừa biến chứng...

13

Bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng bàn chân

Thế nhưng chính thói quen này khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử, phải cắt cụt chi.

Hoại tử, phải đoạn chi vì ngâm chân nước nóng

Mới đây, bệnh nhân Trần Ngọc H. (42 tuổi, Hàng Bè, Hà Nội) nhập viện cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao kèm sưng nề tấy đỏ cẳng cổ bàn chân lan lên 1/2 bàn chân, đường huyết cao 27,7 mmol/l... Theo bệnh nhân H., cách đây một năm chị đã được chẩn đoán mắc tiểu đường type 2.

Thay vì đi khám tại cơ sở y tế, bệnh nhân đã tự ý ngâm chân bằng nước đun nóng cùng hỗn hợp lá lốt, gừng, muối không rõ nhiệt độ với tần suất 2 lần/ngày. Sau khoảng 2 ngày ngâm chân như vậy, chị H. bắt đầu xuất hiện tình trạng bong da, loét bỏng rộp và chảy mủ nhiều tại vị trí bị tổn thương, sốt cao sưng tấy đỏ bàn chân, chảy dịch hôi vàng trong và có dấu hiệu lan rộng nhanh.

Theo thống kê có khoảng 5 - 7% số bệnh nhân tiểu đường có biến chứng loét bàn chân và nguy cơ bị cắt cụt chân ở các bệnh nhân này cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị tiểu đường. Còn tính trên phạm vi toàn thế giới thì cứ 30 giây lại có một bệnh nhân bị cắt cụt chân. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời các biến chứng bàn chân thì có thể ngăn ngừa được tới 85% các trường hợp bị cắt cụt.

(Thông tin từ Dự án Phòng chống đái tháo đường quốc gia)

Còn bệnh nhân Nguyễn Văn D. (61 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) cũng được chẩn đoán tiểu đường trên 13 năm, phải điều trị insulin 3 năm nay. Ông D. cho hay, một tháng trước ông thấy tê bì bàn chân, để giảm triệu chứng này ông đã tự ý ngâm chân bằng nước nóng dẫn đến bị bỏng.

Đáng nói, ông D. lại tự ý chữa trị bỏng bằng cách dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp lên khiến vết bỏng thêm sâu, chảy dịch hôi thối. Chỉ đến khi vết thương lan rộng và ngày càng lan sâu, bệnh nhân mới chịu để người nhà đưa vào viện. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bàn chân bị nhiễm trùng, hoại tử sâu rộng.

Ngày 15/3, Ths. BS. Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, BV Nội tiết T.Ư cho biết: Tình trạng bệnh nhân dù đang điều trị tiểu đường nhưng tự ý dùng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc để tự chữa trị vẫn diễn ra khá thường xuyên.

Trung bình mỗi tháng tại Khoa Chăm sóc bàn chân, BV Nội tiết T.Ư phải tiếp nhận và xử lý 2 - 3 ca mắc tiểu đường bị bỏng với những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đặc biệt, nhiều trường hợp do tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc dẫn đến bỏng nặng nhưng không tới bệnh viện mà vẫn cố ý tự điều trị tại nhà. Hậu quả là bàn chân hoại tử lan rộng khó chữa trị, thậm chí phải cắt cụt chi vì viêm nhiễm, hoại tử đe dọa đến tính mạng.

40% bệnh nhân tiểu đường có biến chứng thần kinh

Lý giải về việc người bệnh tiểu đường lại ngâm nước nóng đến độ gây bỏng loét, BS. Nguyễn Huy Cường, Phòng khám Đái tháo đường Thái Hà cho biết, biến chứng thần kinh gặp ở khoảng 40% bệnh nhân tiểu đường, làm giảm khả năng cảm nhận đau, nóng hay lạnh. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ không thể cảm nhận được chân đã bị tổn thương, chỉ khi chân sưng to hoặc có nhiễm trùng nặng thì mới biết, khi đó là đã ở giai đoạn muộn, điều trị thường ít đạt kết quả tốt.

Nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 20% bệnh nhân tiểu đường bị hẹp hoặc tắc các động mạch ở chân. Điều này gây hạn chế khả năng điều trị khỏi nhiễm trùng, lành các vết loét; đồng thời, dễ bị tắc hoàn toàn động mạch, gây hoại tử bàn chân và các ngón chân… BS. Thiện cũng cho biết thêm, bệnh nhân tiểu đường thường chỉ đi khám khi đã có biến chứng nặng. Lúc này, để xử trí, các bác sĩ không chỉ phải tích cực cắt lọc, chăm sóc vết thương hoại tử mà còn phải kiểm soát đường huyết, dùng thuốc hỗ trợ nuôi dưỡng vùng tổn thương kích thích da tự mọc, hạn chế tối đa xuất hiện thêm vết thương.

Để phòng ngừa viêm loét bàn chân, theo khuyến cáo của BS. Cường, ngoài việc điều trị ổn định đường trong máu, cần thực hiện tốt chế độ ăn uống và luyện tập dành cho người tiểu đường. Đặc biệt lưu ý, kiểm tra bàn chân mỗi ngày một lần, rửa chân mỗi ngày bằng nước ấm có xà phòng với độ PH trung tính, không nên dùng nước nóng. Khi có lở loét, không nên ngâm chân để ngừa bội nhiễm. Khi móng chân dài, nên giũa móng cho đều các cạnh, hạn chế dùng kềm hay kéo để cắt móng chân. Tuyệt đối không nên chườm nóng hay hơ nóng nếu gặp lúc lạnh chân vì dễ làm thương tổn thần kinh…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.