Hồ sơ tài liệu

Bị chặn mối làm ăn với IS, Thổ Nhĩ Kỳ bắn Su-24 Nga?

27/11/2015, 06:16

Các chuyên gia cho rằng, người Thổ Nhĩ Kỳ đang cảm thấy bị mất mối làm ăn nên mới bắn hạ chiếc Su-24.

sukhoi_su24_fencer_l1
Su-24 của Không quân Nga.

Việc máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chưa chắc đã dẫn đến xung đột trực tiếp, nhưng những hệ lụy  của nó thì không hề nhỏ.

Tranh cãi việc cảnh báo

Hôm qua (26/11), Đại úy Konstantin Murakhtin - phi công sống sau vụ máy bay ném bom Su-24 bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cho biết, đã không nhận được cảnh báo bằng radio hay bằng dấu hiệu và khẳng định máy bay Nga không hề vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. “Tôi biết rõ khu vực máy bay đang di chuyển. Máy bay của chúng tôi không chạm vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ dù chỉ một giây, nếu muốn chặn chiếc Su-24 của chúng tôi thì với tốc độ của mình, tiêm kích F-16 hoàn toàn có thể vượt lên trước. Nhưng chúng tôi đã bị tấn công từ phía sau và không kịp né tránh.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, họ cảnh báo khoảng 10 lần nhưng phi công lờ đi và tiếp tục vi phạm không phận do đó nước này mới ra quyết định bắn hạ. Để chứng minh, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ công bố một đoạn ghi âm cảnh báo máy bay Nga. Trong một đoạn, có giọng nói phát ra: “Đây là không lực Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay của bạn đã xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Hãy quay đầu về phía Nam ngay lập tức. Quay đầu về phía Nam”. Đến hôm qua, phía Nga chưa bình luận về đoạn băng ghi âm này.

Vì dầu lậu?

Trong Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) gần đây nhất, Tổng thống Nga Putin đưa ra thông tin chấn động, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận nguồn tài chính từ 40 quốc gia, trong đó có các nước G20, theo Interfax. Tuy không chỉ đích danh, nhưng trong G20, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ giáp ranh giới với Syria.

1 Đại úy Konstantin Murakhtin -một trong hai phi c
Đại úy Konstantin Murakhtin.

Trong khi đó, theo AP, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thu được 50 triệu USD/tháng từ việc bán dầu khai thác bất hợp pháp tại Syria và Iraq. IS được bán dầu thô với giá rất rẻ từ 10 - 35 USD/thùng và giao cho những trung gian ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các chuyên gia cho rằng, người Thổ Nhĩ Kỳ đang cảm thấy bị mất mối làm ăn, khi việc buôn lậu dầu giá rẻ của IS đang đem lại cho họ những khoản lợi nhuận kếch xù và chiếc Su-24 vừa kết thúc hoạt động oanh tạc vào một đoàn xe bồn chở dầu của IS. Đoàn xe này đang ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, không khó đoán ai là người đang kiếm lợi.

Trước vụ bắn hạ một ngày, Chính phủ Nga cho biết, các cuộc không kích đã tiêu diệt hơn 1.000 xe bồn chở dầu của IS. Và hôm qua, Kênh truyền hình Lifenews (Nga) cáo buộc, trước khi đưa ra quyết định bắn hạ Su-24, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhận được cái gật đầu từ người đồng cấp Mỹ Barack Obama trong cuộc họp riêng tại G20. Lifenews cho rằng, yêu cầu của ông Erdogan là vì không quân Nga ở Syria phá hỏng hoạt động kinh doanh bất hợp pháp - mua dầu từ lực lượng khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lợi ích kinh tế lớn hơn chiến tranh

Hiện tại, hai nước trong cuộc đều muốn kiềm chế. Cả Tổng thống và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố không muốn leo thang căng thẳng với Nga. Còn Moscow luôn cân nhắc các phản ứng vì không muốn làm ảnh hưởng tới mục tiêu chính tại Trung Đông: Tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong việc giải quyết xung đột Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết: “Chúng tôi không có ý định xung đột chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết: “Những hậu quả trực tiếp từ việc này là Nga sẽ từ chối tham gia các dự án lớn giữa hai nước và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất vị trí trên thị trường Nga”.

Năm ngoái, Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước này. Kim ngạch nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ từ Nga năm 2014 là 25 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm đến nay là 755 triệu USD. Vốn FDI của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga trong cùng thời gian chỉ 55 triệu USD. Nga cũng là nhà xuất khẩu ngũ cốc và năng lượng quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ đứng sau Đức về lượng khách du lịch tới nước này - hơn 4 triệu khách.

Sau khi máy bay Nga bị bắn, theo Wall Street Journal, chứng khoán toàn cầu sụt giảm: Chỉ số chứng khoán  Stoxx Europe 600 giảm 1,2%, giá cổ phiếu Mỹ sụt 0,4%. Giá dầu thô Brent biển Bắc tăng 1,3% lên 45,39 USD/thùng... Trị giá đồng  lira Thổ Nhĩ Kỳ và đồng rúp Nga cũng đều sụt giảm so với USD. Cổ phiếu Tập đoàn Dầu khí Gazprom (Nga) giảm 4,2%, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường nhập khẩu dầu khí lớn thứ hai của Nga và một nửa nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Gazprom. Cổ phiếu Hãng hàng không Turkish Airlines cũng giảm sâu nhất kể từ tháng 8/2013 đến nay.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.