Bị đánh vì nghi bắt cóc trẻ em: Nạn nhân kể phút kinh hoàng

24/07/2017, 07:16

Hai người phụ nữ bị đánh vì nghi bắt cóc trẻ em không khỏi bàng hoàng khi nhớ lại vụ việc.

IMG_7217_1

Bà Lê Thị Bảy đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn (Ảnh: Hoàng Cư/Zing news)

Liên quan đến vụ việc hai phụ nữ bị đánh bầm dập vì nghi bắt cóc trẻ em tại Hà Nội, chiều 23/7, bà Lê Thị Bảy (40 tuổi), một trong hai phụ nữ bán tăm bị người dân đánh vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em tại xã Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn đang phải điều trị tại khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn.

Trả lời Zing.vn, bà Bảy kể sáng 22/7, bà bắt xe buýt từ nhà ở huyện Mỹ Đức qua địa phận huyện Sóc Sơn để bán tăm gây quỹ tình thương.

“Sang đến nơi, tôi đi bộ trên đường ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình, thấy một cháu bé đứng trong nhà nên gọi hỏi xem bố mẹ cháu có nhà không để bán tăm. Lúc này, một người con gái chạy đến và bảo tôi dụ dỗ trẻ con”, bà Bảy kể.

Nạn nhân cho hay, thấy người phụ nữ nói vậy bà rời đi chỗ khác. Khi ra đến điểm dừng xe buýt cách đó một đoạn thì có người đàn ông chạy tới quát "mày đến đây muốn bắt trẻ con à?".

Khi bà Bảy đang giải thích thì có thêm hai phụ nữ khác nữa đi xe máy đến bảo bà bắt cóc trẻ em. Nhiều người có mặt lao vào đánh đập bà. Người đàn bà bán tăm đã van xin và giải thích nhưng những người này không buông tha. Thậm chí có người can ngăn và bảo giao bà Bảy cho công an nhưng họ tiếp tục đòi đánh bà đến chết.

Theo người phụ nữ 40 tuổi, lúc công an có mặt, đám đông vẫn lao vào chửi bới bà rất hung hãn. Có người còn dùng cả ghế gỗ phang vào người khiến bà chảy máu, ngất tại chỗ.

“Tôi được Hợp tác xã sản xuất tình thương Sơn Tây cấp giấy tờ cho đi bán tăm từ đầu tháng 7. Do bận cấy nên tôi mới đi được 3 hôm nay. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối”, bà Bảy rưng rưng.

hai-phu-nu-bi-danh-bam-dap-vi-nghi-bat-coc_tvfo

Hai người phụ nữ bị đánh bầm dập vì nghi bắt cóc trẻ em

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) 1 trong 2 phụ nữ đi bán tăm chia sẻ thêm với tờ Kiến Thức: “Tôi vẫn nhớ y nguyên khuôn mặt và giọng nói hung dữ của người phụ nữ trẻ ấy. Họ không nghe chúng tôi giải thích gì, lao vào đấm đá chị Bảy chảy máu mặt, sau đó chị được một người dân can ngăn, rồi những người đánh quay sang đánh tôi, họ bảo tôi là đồng bọn”.

Bà Phúc khẳng định: “Chai thuốc mê, bảng giá bán nội tạng và lá bùa mà người dân nói trong túi tôi hoàn toàn không phải như vậy. Trong túi tôi lúc đó có chai nước uống, họ bắt tôi uống gần hết rồi lại bắt dừng lại, tờ giấy kia là tôi ghi lại thông tin và số điện thoại của một người chữa sỏi thận vì tôi đang bị sỏi thận, lá bùa là của chùa ở làng tôi mới khánh thành, tôi xin để đi đi đường bình an, sức khỏe may mắn”

Theo lời của bà Phúc, bà vừa xin vào Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức (Hà Nội) làm được khoảng 10 ngày, và đang trong quá trình thử việc. Bà Phúc chủ yếu đi bán tăm, giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã.

Anh Nguyễn Văn Hùng (30 tuổi, con trai cả của bà Phúc) cho biết: “Trưa hôm qua, tôi biết thông tin mẹ tôi và cô Bảy bị đánh qua mạng xã hội. Lúc tôi lên đến nơi thì mẹ tôi đang phải viết tường trình với công an, và phải đến 20h tôi mới đưa mẹ về nhà.

Do hôm nay là chủ nhật, đến mai là thứ 2 gia đình tôi mới đưa mẹ đi khám, đồng thời sẽ làm đơn kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng, yêu cầu vào cuộc làm rõ những người hành hung, bắt họ phải trả lại danh dự cho mẹ tôi”.

Ông Lê Hồng Mạnh – Chủ nhiệm Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức -xác nhận: “Bà Phúc là nhân viên của Hợp tác xã này. Do Hợp tác xã mới thành lập được hơn hai tháng nên thông tin về sản phẩm còn ít người biết đến. Bà Phúc là người hiền lành, gia cảnh lại khó khăn nên tôi nhận vào làm việc nhưng không ngờ lại xảy ra sự việc như vậy”.

hai-phu-nu-bi-danh-bam-dap-vi-nghi-bat-coc_tvfo

h

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.