Hạ tầng

Bị dừng giải ngân, cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình vỡ tiến độ

04/06/2018, 13:05

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng là đến hạn chót (31/8) để nhà đầu tư hoàn thành dự án BOT cao tốc...

3

Các gói thầu trên cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đứng trước nguy cơ phải dừng thi công vì Ngân hàng SHB không giải ngân vốn tín dụng cho dự án

Tuy nhiên, dự án này đang đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ do nguồn vốn tín dụng “đóng băng” suốt 7 tháng qua do Ngân hàng SHB dừng giải ngân từ ngày 1/11/2017.

Nguy cơ dừng, giãn tiến độ vì thiếu tiền

Chiều 1/6, có mặt trên công trường dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tuyến đường cao tốc hiện đại nối Thủ đô Hà Nội với Hòa Bình đang dần thành hình. Ngay đầu tuyến, hai gói thầu số 7 và số 8 trên địa phận TP Hà Nội đã xuất hiện những dấu hiệu khởi sắc, bởi hai tháng trước, nơi đây vẫn chỉ là vũng sâu đầy bùn nước, nay đã được đắp cao, nền đường đã hoàn thiện lớp móng cấp phối đá dăm. Đi sâu về phía Hòa Bình, các cầu trên tuyến đang lao lắp những phiến dầm cuối cùng, toàn bộ phần nền đường đã cơ bản thi công xong. Chỉ vài ngày nữa ô tô có thể chạy thông từ đầu tuyến đến cuối tuyến, không còn phải đi vắt qua những tuyến đường công vụ gập ghềnh đầy bùn đất, sình lầy.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT dài 43,4km gồm: Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,7km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc và tuyến QL6 Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,36km. Dự án có tổng mức đầu tư 2.989,12 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Chứng kiến khí thế thi công rầm rộ của các nhà thầu trên công trường, tuy nhiên, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) vẫn tỏ ra lo lắng. Theo ông Bát, thời gian qua, nhà đầu tư và các nhà thầu rất nỗ lực để đưa dự án hoàn thành vào 31/8 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. “Nhưng chỉ quyết tâm là chưa đủ, bởi để hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Bộ GTVT phải có nguồn tiền thanh toán cho các nhà thầu. Chúng tôi đã dùng hết toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn thu phí còn dư của trạm BOT QL6 phục vụ công tác thi công, nhưng nguồn vốn tín dụng do Ngân hàng SHB chi nhánh Ba Đình cam kết cung cấp cho dự án vẫn đóng băng từ ngày 1/11/2017 đến nay, chưa được giải ngân”, ông Bát nói.

Cũng theo ông Bát, hiện khối lượng thi công trên toàn dự án đã đạt trên 70%. Các nhà thầu đang tích cực triển khai công tác hoàn thiện, thi công thảm bê tông nhựa nên cần lượng tiền rất lớn. “Nếu trong vòng 10 ngày nữa, Ngân hàng SHB vẫn chưa nối lại giải ngân, nhiều nhà thầu sẽ dừng thi công vì không có tiền thanh toán, dự án chắc chắn không thể hoàn thành theo yêu cầu của Bộ GTVT”, ông Bát nói và cho biết, nguồn vốn vay đã giải ngân cho dự án khoảng 1.100 tỷ đồng, còn lại khoảng 600 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng đã ký.

Ông Vũ Lập Phương, Giám đốc nhà thầu 36.32, đơn vị thi công gói 7, 8, 13 và 14 nói: “Phần nền đường của gói thầu do 36.32 thi công đã cơ bản xong, nhưng khối lượng nghiệm thu trong hồ sơ thanh toán vẫn chưa được giải ngân khoảng hơn 20 tỷ đồng. Sắp tới, chúng tôi tiến hành thảm bê tông nhựa nên cần nguồn tiền rất lớn, nếu ngân hàng không giải ngân cho chủ đầu tư để thanh toán cho nhà thầu, chúng tôi buộc phải dừng toàn bộ công tác thi công bê tông nhựa”.

Đề nghị ngân hàng sớm giải ngân vốn tín dụng 

Đầu tháng 5/2017, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Ngân hàng SHB tiếp tục giải ngân vốn vay cho dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình. Trong văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ký nêu rõ: Thực hiện thỏa thuận đã ký với Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư đã thực hiện nộp đủ vốn chủ sở hữu theo nghĩa vụ quy định tại hợp đồng dự án. Nhà đầu tư đã tập trung nguồn lực hiện có, huy động các nhà thầu gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công trên tuyến.

“Tuy nhiên, đến nay, Ngân hàng SHB chi nhánh Ba Đình chưa tiếp tục thực hiện việc giải ngân phần vốn vay theo hợp đồng tín dụng đã ký với nhà đầu tư. Việc chậm giải ngân nguồn vốn vay cho các nhà thầu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và hiệu quả của dự án, gây lãng phí nguồn lực đã đầu tư vào dự án”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ và cho biết thêm, để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ đã được gia hạn lần cuối (31/8/2018), đáp ứng mục tiêu ban đầu của dự án, Bộ GTVT đề nghị Ngân hàng SHB sớm xem xét thực hiện tiếp tục tài trợ vốn theo hợp đồng tín dụng đã ký, đẩy nhanh việc giải ngân cho các gói thầu đã hoàn thành.

Về phía nhà đầu tư, ngày 22/5, Tổng công ty 36 cũng phát đi văn bản đề nghị Ngân hàng SHB tiếp tục giải ngân nguồn vốn tín dụng cho dự án. “Về bản chất, Ngân hàng SHB cũng có thể được coi như một chủ thể nhà đầu tư, bởi nguồn vốn mà Ngân hàng SHB giải ngân cho dự án vay hiện được tính với lãi suất 11,7%/năm và được chi trả ngay từ nguồn thu phí theo quý. Trong khi lợi nhuận của nhà đầu tư được ghi nhận tính trên phần vốn chủ sở hữu là 12%/năm và chỉ được chi trả nếu có kinh phí còn dư sau khi đã chi trả phần lãi vay, chi phí quản lý tổ chức thu phí. Chính vì vậy, Ngân hàng SHB phải cộng đồng trách nhiệm trong dự án này bằng việc tiếp tục giải ngân vốn vay cho dự án”, ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 đề nghị.

Chiều qua (3/6), PV Báo Giao thông đã liên hệ với ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng SHB chi nhánh Ba Đình để tìm hiểu nguyên nhân dừng giải ngân vốn tín dụng cho dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình nhưng không nhận được câu trả lời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.