Góc nhìn

Bí mật của đất nước hạnh phúc nhất thế giới

15/02/2018, 07:30

Năm 2017 vừa qua, Na Uy lần đầu tiên vượt bậc, giành danh hiệu “đất nước hạnh phúc nhất thế giới”...

93

Na Uy vượt Đan Mạch trở thành đất nước hạnh phúc nhất thế giới

Năm 2017 vừa qua, Na Uy lần đầu tiên vượt bậc, giành danh hiệu “đất nước hạnh phúc nhất thế giới” theo Báo cáo đặc biệt đo lường chỉ số hạnh phúc của các quốc gia trên thế giới, công bố vào tháng 3/2017 do Hệ thống Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc thực hiện.

Bước nhảy vọt lần này của Vương quốc Na Uy đã đánh bại Đan Mạch - từng 3 lần giành vị trí quán quân. Không phải ngẫu nhiên, “đất nước mặt trời mọc lúc nửa đêm” giành được danh hiệu này mà đó là cả sự nỗ lực vô cùng lớn lao.

Không đổi tiền lấy sự ổn định

Na Uy có 5,2 triệu dân nằm tại Bắc Âu, khu vực phía Tây bán đảo Scandinavia, đa phần lãnh thổ là núi non và cao nguyên, được thiên nhiên ưu đãi khi có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên hơn so với quy mô dân số, nhất là dầu mỏ, khí đốt.

Nắm trong tay trữ lượng “vàng đen” khổng lồ, Na Uy không mặc sức khai thác và tận hưởng mà họ rất biết cách quản lý tốt các nguồn thu, quan tâm đến việc để dành và đầu tư cho thế hệ tương lai. Người đồng phụ trách báo cáo về hạnh phúc, ông John Helliwell thuộc Đại học British Columbia, đồng Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển (Canada) nhận định: 

“Na Uy đã chọn bảo vệ đất nước trước sự suy giảm thất thường của giá dầu mỏ, mà nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào dầu như nước này đang đối mặt qua việc chọn sản xuất một cách cẩn trọng, tiếp tục đầu tư lợi nhuận vì thế hệ tương lai”.

Tiền từ các công ty dầu mỏ quốc doanh không được phép đầu tư vào thuốc lá, đạn dược mà đầu tư mạnh vào ngành năng lượng mới, công nghệ cao, y tế và giáo dục… Na Uy là đất nước lớn nhất trên thế giới không có nợ nước ngoài.

Ông Helliwell cho rằng: “Ở một khía cạnh nào đó, đây là trường hợp rất xuất sắc. Họ tập trung vào kiến tạo tương lai dựa trên một hiện tại được xây dựng bằng niềm tin, mục đích chung và Chính phủ ổn định”. Hơn nữa, Na Uy không có khoảng cách lớn giữa người giàu, người nghèo.

Các giá trị bình quân của xã hội đã đảm bảo khoảng cách về lương giữa người công nhân có mức thu nhập thấp nhất và người quản lý cao cấp nhất không bị chênh lệch quá mức như ở các nền kinh tế phương Tây khác.

Cô Stine Holmoy (24 tuổi) đến từ Geilo, Na Uy cho biết: “Chúng tôi ngang hàng nhau, không ai có quá nhiều tiền hơn người khác. Đó không chỉ là vấn đề tiền bạc. Chúng tôi không phải lo lắng về miếng cơm, manh áo quá nhiều”.

Cô Sissel Robbins, giáo viên tại Na Uy nói rằng: “Chính phủ chỉ được phép sử dụng 3% thu nhập từ dầu mỗi năm để cân bằng ngân sách.

Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều đóng thuế và các loại phí một cách vui vẻ vì chúng tôi hiểu, tất cả các khoản đóng góp đó đều có tác động ngược trở lại. Chúng tôi được học hành miễn phí đến hết đại học, được nhận lương hưu hậu hĩnh, miễn phí khám chữa bệnh, nghỉ thai sản một năm mà vẫn được trả lương đầy đủ”.

Những số liệu thu thập được từ Na Uy hoàn toàn phù hợp với những tiêu chí mà Báo cáo của Hệ thống Giải pháp phát triển bền vững cho Liên hợp quốc cân nhắc để bình xét hạnh phúc của một nước.

Để đánh giá, các chuyên gia dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trên đầu người, vòng đời sức khỏe của người dân, mức độ người dân được tự do đưa ra các lựa chọn của cuộc đời, giải quyết triệt để, tận gốc vấn nạn tham nhũng…

92

Trẻ em Na Uy luôn được tạo điều kiện để tự do học hỏi và phát triển

Tạo điều kiện cho trẻ em tự do khám phá

Bên cạnh các chính sách quản lý tài chính vi mô quan trọng, Chính phủ nơi đây còn có những quyết sách rất riêng, đặc biệt không đặt gánh nặng, áp lực học hành, làm việc đối với tất cả đối tượng từ trẻ em đến người lao động. Nói vậy, bởi trẻ em ở Na Uy không bao giờ phải lo nghĩ tới cảnh học đêm học ngày, từ lò luyện thi này tới lớp học thêm kia.

"Chúng tôi được học hành miễn phí đến hết đại học, được nhận lương hưu hậu hĩnh, miễn phí khám chữa bệnh, nghỉ thai sản một năm mà vẫn được trả lương đầy đủ."

Cô Sissel Robbins
giáo viên tại Na Uy

Chuyên gia về giáo dục của Na Uy, Kari Smith cho biết, làm cho mỗi công dân hạnh phúc phải bắt đầu từ những đứa trẻ, thông qua hệ thống giáo dục đưa trẻ em hòa hợp vào nền văn hóa, không nên kiềm chế hoặc mắng mỏ trẻ em.

Chẳng hạn, nhiều gia đình như anh Inger và chị Knut đã để đứa con 13 tuổi tự di chuyển một mình khắp Thủ đô Oslo bằng xe điện, xe buýt, thậm chí là phà để thăm bạn bè.

Chia sẻ lý do làm vậy, anh Inger cho biết: Tôi phải để con giao lưu, học hỏi từ người ngoài để khôn lớn hơn. Ngoài ra, nhìn chung, trẻ em Na Uy có mối quan hệ tốt với bố mẹ vì “chúng tôi không ra lệnh hay ép buộc con”. Na Uy cũng không đánh giá trẻ qua điểm số trong suốt thời gian tiểu học.

Coi thiên nhiên là một phần máu thịt

Tôn trọng và hòa mình vào thiên nhiên cũng là một trong những yếu tố khác giúp con người tại Na Uy cảm thấy hạnh phúc. Họ yêu quý và trân trọng những nét đẹp từ đơn sơ đến hùng vĩ của thiên nhiên, cảnh vật và con người.

Đặc biệt, Na Uy còn coi việc hòa mình vào thiên nhiên là quyền của con người, chính thức đưa thành luật gọi là allemannsretten (quyền tự do của mọi người).

Ở vương quốc này, không có ai được sở hữu đất đai vì người nào cũng có thể đến và cắm trại tại bất cứ khu vực nào qua đêm. “Bạn chỉ cần nhớ, cắm trại xong phải dọn dẹp và không ngủ trước cửa nhà người nông dân là được”, một người Na Uy chia sẻ.

Trong đánh giá xếp hạng hạnh phúc, vương quốc này còn được đánh giá cao vì coi trọng niềm vui trong công việc. Ông Jan-Emmanuel De Neve, giáo sư đến từ Khoa Kinh doanh Saiid thuộc Đại học Oxford cho biết:

“Mọi người thường có xu hướng dành phần lớn thời gian vào công việc, nên việc tìm hiểu vai trò của có việc làm hay thất nghiệp trong quá trình hình thành hạnh phúc rất quan trọng”.

Na Uy luôn có tỷ lệ thất nghiệp thấp, hiện ở mức dưới 2% (dữ liệu này được thống kê từ tháng 6/2007), năng suất lao động và mức lương tháng trung bình thuộc hàng cao nhất thế giới. Song, không vì vậy mà người dân Na Uy chỉ miệt mài làm việc, quên đi các hoạt động xã hội, vui chơi khác.

Chính phủ Na Uy rất coi trọng thời gian nghỉ ngơi của người lao động. Mỗi năm, chủ lao động buộc phải cho người lao động ít nhất 25 ngày nghỉ và vẫn được trả lương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.