Xã hội

Bí thư Thăng: TP.HCM sẽ đưa đóng góp của kiều bào vào cuộc sống

13/11/2016, 17:18

TP.HCM sẽ tiếp thu và đưa những ý kiến, góp ý của kiều bào vào thực tế phục vụ người dân.

TOÀN CẢNH HỘI NGHỊ

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào

Sáng 13/11, sau hai ngày làm việc, Hội nghị “Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới” tại TP.HCM đã kết thúc tốt đẹp. Với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” lần thứ 3, hội nghị đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều kiều bào là các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đang sống làm việc ở nhiều nước trên thế giới.

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, hội nghị là cơ hội to lớn để Thành phố có dịp tiếp xúc với kiều bào nước ngoài, tiếp thu những ý kiến đóng góp của kiều bào cho sự nghiệp xây dựng phát triển Thành phố.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định sau hội nghị này, lãnh đạo TP sẽ cùng các Sở, ngành chức năng của TP tiếp tục hợp tác, hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên, giữ mối quan hệ chặt chẽ với đại biểu kiều bào để triển khai các đề xuất, nhất là các vấn đề gắn trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống của người dân.

Bí thư Thăng kết luận (1)

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM tiếp thu những ý kiến đóng góp của kiều bào và cho biết sẽ triển khai vào thực tế

“Chúng tôi sẽ tích cực cùng các đại biểu tháo gỡ bất kỳ vướng mắc nào gây cản trở cho quá trình hợp tác. Tôi đề nghị mỗi cán bộ, mỗi cơ quan chức năng phục vụ dân phải coi những sáng kiến, ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu là nguồn lực quan trọng, là “ngân hàng ý tưởng” quý giá mà Thành phố luôn cần đến cho sự phát triển của mình”, ông Thăng nhấn mạnh.

Trong sáng 13/11, đã diễn ra hại hội thảo chuyên đề: “Kiều bào với phát triển khoa học- công nghệ, kinh tế tri thức của TP.HCM”; "Kiều bào tham gia đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ của TP.HCM”. Nhiều ý kiến của các đại biểu là kiều bào nước ngoài đã rất tâm huyết khi phát biểu tại hội thảo.

Góp ý cho định hướng phát triển KH – CN, kinh tế tri thức của TP.HCM, TS. Nguyễn Đăng Bằng (kiều bào tại Anh) cho rằng, để xây dựng kinh tế tri thức ở TP cần phải xây dựng một trường Đại học nghiên cứu mới hoàn toàn, quy chế hoạt động cũng như quản trị dựa trên tập quán tốt nhất thế giới hiện nay. Trường này quy mô không cần lớn, nhưng sẽ là trung tâm nghiên cứu và là hạt nhân công nghệ, trong đó xây dựng một số lĩnh vực mũi nhọn nghiên cứu như công nghệ sinh học, phần mềm và trí tuệ nhân tạo... Đặc biệt, trường này ưu tiên thu hút nghiên cứu sinh sau tiến sĩ là người Việt từ nước ngoài về, hoặc người nước ngoài.

thăm KCN cao Quang Trung (1)

Các kều bào đi thăm Khu công nghiệp phần mềm Quang Trung

Việc thu hút kinh tế tri thức, TS Nguyễn Đăng Bằng cho rằng không thể dùng ngân sách nhà nước, mà cần thay đổi cơ chế để thu hút nhà đầu tư. GS Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật) thì cho rằng với tiềm lực của mình, Việt Nam chỉ nên đi từng bước vững chắc trong tự tin, nghiên cứu nắm bắt công nghệ mới.

TS. Đinh Thanh Hương (Pháp), kể về câu chuyện một tỷ phú người Việt ở Pháp rất mong muốn đầu tư tại TP.HCM nhưng lại lo ngại về tính minh bạch, khi việc thực hiện các thủ tục đầu tư vẫn còn rườm rà, nhiều khâu còn nhũng nhiễu. “Muốn thu hút nhà đầu tư, thì phải tạo lòng tin cho họ trên cơ sở chuẩn hóa quá trình chọn lọc đầu tư, cấp giấy phép, hỗ trợ phát triển thị trường. Kiên quyết loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng”, ông Hương nói.

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, rất xúc động khi nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu kiều bào là những Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu đang làm việc ở nước ngoài. Mặc dù bận rộn, nhưng cũng đã về tham dự hội nghị và có những ý kiến góp ý chân thành, tích cực.

“Điều đó khẳng định, dù phải sống trong những hoàn cảnh khác biệt ra sao về địa lý, xã hội, thể chế chính trị…nhưng chúng ta mãi mãi là con một nhà, là đồng bào ruột thịt của nhau, có chung một người mẹ lớn là tổ quốc Việt Nam yêu quý”, ông Thăng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.