Thời sự

Biên chế “phình” ra, không thể cơ cấu lại ngân sách

13/06/2017, 06:46

Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

6

ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết chương trình giám sát

Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ băn khoăn khi ngành Tài chính dù đã cố gắng siết, giảm chi, nhưng bộ máy biên chế cứ "phình" ra, thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách.

Góp ý kiến thảo luận, ĐB Mai Sỹ Diến, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá lo ngại việc chuyển nhiệm vụ chi từ năm trước sang năm sau và cho rằng việc này chứng tỏ các cơ quan quản lý “cố gắng làm đẹp con số”. Ngoài ra, theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, chi đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển còn nhiều thất thoát lớn ở tất cả các khâu, nhưng báo cáo quyết toán của Chính phủ lại chưa đề cập nguyên nhân cụ thể.

Đồng tình, đại biểu Hoàng Quang Hàm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần siết chặt kỷ cương ngân sách; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với những sai phạm. Ông Hàm cũng thẳng thắn đánh giá, nhiều năm nay, quyết toán ngân sách chưa phản ánh đúng số thu, làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách.

Cùng chung lo lắng, ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) bày tỏ, kỷ cương ngân sách không được siết lại thì nguy cơ nợ công vượt trần là hoàn toàn có thể xảy ra. “Việc Chính phủ liên tục xin trình Quốc hội ban hành nghị quyết nới trần bội chi ngân sách năm 2015, từ 5% GDP vào cuối năm 2014, lên 5,71% vào tháng 11/2016 và “chốt” ở con số 6,28%... cho thấy điều hành ngân sách chưa nghiêm. Nếu cách điều hành ngân sách không có sự chuyển biến thì nguy cơ này là hiện hữu”, ông Thể cảnh báo.

Nhấn mạnh đến hiệu quả đầu tư, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nhận định, trong thời gian tới nhu cầu vốn vay còn rất lớn, song nếu tiếp tục đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí như thời gian qua thì hệ quả sẽ không chỉ dừng ở việc tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công mà còn gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Vì thế, ông Tiến đề nghị Chính phủ cần có cơ chế phân bổ vốn đầu tư đảm bảo tính minh bạch, có cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí các dự án đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cũng theo ông Tiến, về chi thường xuyên, vẫn còn tình trạng lãng phí chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích một số khoản chi chưa đạt dự toán. Chi thường xuyên năm 2015 tăng 1,5% so với dự toán, vượt 11.500 tỷ đồng, năm 2016 theo báo cáo kết quả thực hiện ngân sách chi thường xuyên vẫn là 64,45%.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận những tồn tại trong điều hành ngân sách hiện nay, như chi thường xuyên cao, nợ công, bội chi “ngấp nghé” vượt trần... Ông lý giải, bội chi ngân sách đảm bảo trong số tuyệt đối, nhưng do GDP không đạt kế hoạch nên xét về tương đối thì bội chi, nợ công tăng nhanh. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm chi; đẩy mạnh khoán chi thường xuyên và sắp xếp lại tổ chức, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài chính lại chỉ ra thực tế, dù ngành Tài chính cố gắng siết, giảm chi, nhưng bộ máy biên chế cứ “phình” ra nên không ngân sách nào cơ cấu lại được. “Bây giờ cắt thì cắt, nhưng biên chế cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được”, ông Dũng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.