Chất lượng sống

Bỏ đề xuất tăng lương, giáo viên thêm ngậm ngùi

15/03/2018, 07:15

Đề xuất tăng lương giáo viên đã không còn trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục sửa đổi khi được trình...

20

Nhiều ý kiến cho rằng, với thu nhập hiện tại, ngành Giáo dục rất khó giữ chân người tài

Không ít giáo viên bỏ nghề vì thu nhập thấp

22 năm từng bám điểm trường vùng cao, khi hỏi về thu nhập mỗi tháng, cô Phạm Thị Kiều Anh, giáo viên trường Tiểu học Sủng Thài (Yên Minh, Hà Giang) cho hay: “Nói đủ sống thì cũng không biết như thế nào mới đủ. Nhờ có chính sách thu hút nhân lực vùng sâu, vùng xa, lương giáo viên mới ra trường lên vùng cao cộng thêm cả phụ cấp cũng chỉ được dưới 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi chỉ có hiệu lực trong 5 năm dạy đầu. Thời gian sau đó, thu nhập giáo viên quay về khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Trừ tiền thuê nhà, ăn uống, thỉnh thoảng về thăm nhà thì chẳng còn lại bao nhiêu”.

Để cải thiện đời sống cho giáo viên, Bộ GD&ĐT đã đưa vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đề xuất nâng lương của giáo viên xếp hạng cao nhất trong bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất này đã bị gạt bỏ khỏi dự thảo.

Ngoài đề xuất tăng lương cho giáo viên, đề xuất miễn học phí cấp THCS của Bộ GD&ĐT cũng không được Bộ Tài chính ủng hộ. Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Việt Nam đang phổ cập giáo dục ở cấp THCS, vậy nên không có lý gì không miễn học phí cho cấp bậc này. “Nếu nói ngân sách khó khăn, có thể giảm chi ở một số bậc học cao hơn như THPT hay CĐ - ĐH để tập trung ưu tiên cho THCS”, ông Thuyết nói.

Trước thông tin này, cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên trường THPT Tiền Hải (Thái Bình) chia sẻ: Nghề giáo hiện đã chịu nhiều áp lực, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần. “Rất nhiều học sinh có mơ ước trở thành giáo viên và nhiều giáo viên đang đứng trên bục giảng rất mong chờ ở giải pháp tăng lương, thêm nhiều hỗ trợ đặc thù cho sinh viên. Nếu hai chính sách này không được thực hiện, rất khó để có người giỏi vào sư phạm, cũng khó giúp giáo viên gắn bó với nghề”, cô Hương nói.

Nhận định về chính sách tiền lương của giáo viên hiện nay, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: “Ngành Giáo dục đang khó thu hút nhân tài và nam giới. Tỷ lệ giáo viên nam bậc THPT của Thủ đô chỉ chiếm 15%. Nguyên nhân cơ bản là lương giáo viên quá thấp. Giáo viên mới ra trường lương chỉ khoảng 2 triệu đồng. Trong khi đó, nam giới là trụ cột kinh tế nuôi sống cả gia đình. Nếu ngành Giáo dục không chi trả đủ để họ chăm lo gia đình thì làm sao thu hút người tài”, ông Đại nói.

Nan giải hơn, tại các tỉnh vùng cao, không ít giáo viên đã viết đơn xin ra khỏi ngành bởi lý do thu nhập thấp. Ông Trần Quang Vượng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian gần đây, số giáo viên xin ra khỏi ngành tăng đột biến ở tất cả các cấp học. Chỉ tính riêng cấp THPT, trong năm 2017 đã có 26 thày cô xin thôi việc, gấp 4 lần số lượng năm 2015. Trong đó, có cả giáo viên ở thành phố, cả người trẻ và người có thâm niên công tác 10 năm. “Thày cô vì thu nhập thấp, không đáp ứng được cuộc sống nên muốn chuyển sang công việc khác. Nhiều giáo viên chuyển sang ngành dịch vụ có thu nhập cao gấp 4-5 lần”, ông Vượng nói.

Cần tăng lương cho những đối tượng khó khăn

Lý giải nguyên nhân bác bỏ đề xuất tăng lương trong ngành Giáo dục, đại diện Bộ Nội vụ cho hay: “Hiện, nhà giáo đã rất được ưu ái về mức lương và xếp hạng lương, ngoài ra các chế độ phụ cấp cũng được ưu đãi theo nghề, mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo”. Mặt khác, Bộ Nội vụ cũng cho rằng, việc nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, việc đề xuất tăng lương bị loại bỏ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của đại bộ phận giáo viên. Theo ông Thuyết, nếu đề xuất được chấp thuận, mức lương tăng chắc chắn cũng không được nhiều, song vẫn sẽ được coi là sự khích lệ, quan tâm về chính sách đối với giáo viên, nhất là trước khi bước vào công cuộc đổi mới giáo dục. “Nói nghề giáo hiện đang được hưởng một số chế độ phụ cấp ưu ái hơn một số nghề khác cũng không sai. Tuy nhiên, nếu nhìn mặt bằng chung, thu nhập của nhà giáo vẫn còn ở mức thấp, bởi ngoài việc dạy thêm, học thêm không được khuyến khích, nhà giáo không có nguồn thu nhập nào khác”, ông Thuyết nhận định.

Qua đây, GS. Thuyết kiến nghị, nếu không tăng lương đồng loạt trong ngành Giáo dục thì chính sách cũng nên chú ý tới một số đối tượng thu nhập thấp như: Cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên mầm non. “Đây là hai đối tượng có nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, lại phải chịu mức thu nhập khá thấp”, ông Thuyết nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.