Đường sắt

Bộ GTVT họp khẩn, bàn giải pháp kéo giảm tai nạn đường sắt

07/02/2017, 07:04
image

Cấp thiết làm gờ giảm tốc, cảnh giới 24/24h tại đường ngang, tăng cường tín hiệu ánh sáng trên đầu máy...

10

Đường ngang Km 15+380 (Thường Tín, Hà Nội) - nơi xảy ra vụ tai nạn ngày 24/10/2016, làm 7 người trên xe ô tô chết. Đường ngang này có cảnh báo tự động, nhưng DN tự ý lắp cần chắn và không cảnh giới 24/24h

Cấp thiết làm gờ giảm tốc, cảnh giới 24/24h tại đường ngang, tăng cường tín hiệu ánh sáng trên đầu máy và tại các điểm giao cắt để dễ nhận biết, làm hàng rào, đường gom... là những giải pháp kéo giảm TNGT đường sắt được đưa ra tại cuộc họp khẩn do Bộ GTVT tổ chức hôm qua (6/2).

Tai nạn gia tăng từ những nguyên nhân không mới

Báo cáo của TCT Đường sắt VN, từ ngày 1/1 - 4/2, trên các tuyến đường sắt xảy ra 43 vụ TNGT đường sắt, làm chết 19 người, bị thương 38 người, giảm 2 vụ, tăng 8 người bị thương so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu (từ 26/1 -1/2), cả nước xảy ra 8 vụ, làm chết 6 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2016 tăng 3 vụ (60%), tăng 3 người chết (100%), tăng 7 người bị thương (175%).

Về nguyên nhân các vụ tai nạn, theo TCT Đường sắt VN là không mới, chủ yếu vẫn do người dân vi phạm quy định pháp luật khi qua khu vực giao cắt đường sắt - đường bộ (chiếm đến 54%). Một nguyên nhân đáng kể khác là do người dân đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt và dọc hai bên đường sắt (chiếm 32%). Các nguyên nhân khác được kể đến là có quá nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ (gần 5.800 điểm, tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74%). Thực tế, 80% số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt này.

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc TCT Đường sắt VN cho biết, hàng năm TCT phải tự trích cả tỷ đồng để bồi dưỡng cho các nhân viên đường sắt tình nguyện gác tại 39 đường ngang, đường dân sinh. “Thực hiện quy chế phối hợp giữa các tỉnh và Bộ GTVT, hiện đã có 20 tỉnh tổ chức cảnh giới 183 điểm đen TNGT đường sắt từ nguồn ngân sách của tỉnh. Ngược lại, vẫn còn tới 13 tỉnh có đường sắt đi qua không tổ chức cảnh giới”, ông Tùng cho biết.

Đồng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN Khương Thế Duy phân tích: Các địa phương khó khăn về kinh phí như: Yên Bái, Quảng Nam, Thái Nguyên… gần như “không động tĩnh gì”. Đó là chưa kể đến việc có tỉnh tuy tổ chức cảnh giới nhưng lại để phát sinh thêm các đường dân sinh. Điển hình như Hà Nam, trong năm qua đã phát sinh đến 26 lối đi dân tự mở qua đường sắt.

Xem thêm video:

Cấp thiết làm gờ giảm tốc và cảnh giới 24/24h tại đường ngang

Làm gờ giảm tốc tại các đường ngang không người gác, đường dân sinh là biện pháp cấp bách được đề xuất thực hiện ngay trong năm 2017. “Gờ giảm tốc trên đường bộ, do đó đây là việc của đường bộ, cảnh báo cho người điều khiển xe trên đường bộ trước khi vào vị trí nguy hiểm”, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đề xuất.

Kế đó, các đại biểu cũng thống nhất, phải tăng cường cảnh giới tại các điểm giao cắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. “Cần rà soát, xem xét lại cụ thể cũng như quy định rõ thời gian, hình thức cảnh giới…”, đại diện Cục CSGT nói. Đồng quan điểm, ông Vũ Tá Tùng bổ sung: Các địa phương cần tổ chức cảnh giới 24/24h, nếu không sẽ thành cái “bẫy” đối với người tham gia giao thông bởi “cứ tin tưởng có người cảnh giới, đến khi không có sẽ thiếu chú ý, tưởng không có tàu, dễ xảy ra tai nạn.

Khẳng định TNGT đường sắt dịp Tết vừa qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu, TCT Đường sắt VN cần có giải pháp cụ thể tại từng điểm đen và các cung đoạn mật độ chạy tàu lớn, nguy cơ xảy ra TNGT cao. “Thời gian tới, các đơn vị cần khẩn trương làm việc với các địa phương, thống nhất công tác cảnh giới; Thực hiện các giải pháp kĩ thuật để tăng mức độ cảnh báo như: Lắp gương lồi, thay đổi, tăng cường tín hiệu ánh sáng trên đầu máy và tại các điểm giao cắt để dễ nhận biết…”, Thứ trưởng Đông yêu cầu.

Về lâu dài, Thứ trưởng cho rằng, cần có biện pháp giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ đường dân sinh bằng cách làm hàng rào, đường gom; Lắp các thiết bị tăng cường, hạn chế tai nạn như cần chắn tự động; Rà soát, bổ sung nội dung về lĩnh vực đường sắt trong chương trình đào tạo, sát hạch lái xe, nhất là đối với lái xe thương mại…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.