Giao thông

Bộ GTVT lọt top giải ngân cao vốn đầu tư công

18/06/2018, 07:44

Theo kết quả vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố, Bộ GTVT là một trong 10 bộ, ngành, địa phương...

14

Dự án  đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội) khởi công đầu tháng 1/2018, đang chờ GPMB nên chưa có khối lượng thanh toán để giải ngân

Tuy nhiên, dù lọt top cao, nhưng kết quả đạt được của Bộ GTVT vẫn chưa đáp ứng kế hoạch dự kiến và vẫn cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2018.

Thứ hạng cao nhưng kết quả chưa đạt kế hoạch dự kiến

Bộ KH&ĐT vừa lần đầu công khai “bảng xếp hạng” giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương trong 5 tháng đầu năm 2018 trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan này. Theo kết quả công bố, Bộ GTVT (tỷ lệ giải ngân đạt 42,02%) xếp ở vị trí thứ 9 trong top 10 cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao nhất. Nếu chỉ tính riêng các bộ, ngành Trung ương, tỷ lệ giải ngân của Bộ GTVT chỉ xếp sau Bộ Khoa học và công nghệ (78,04%).

Đáng chú ý, ở chiều ngược lại, qua “bảng xếp hạng” được Bộ KH&ĐT công bố cho thấy, còn nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ rất thấp, thậm chí là chưa giải ngân được đồng nào như: Vĩnh Phúc (0,65%), Ngân hàng Nhà nước (0.93%), Quảng Ngãi (2,93%), Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (0%),… Đây là những con số được Bộ KH&ĐT công khai dựa trên số liệu của 65/126 đơn vị có dự án sử dụng vốn đầu tư công gửi báo cáo về hệ thống thông tin đầu tư công của Bộ KH&ĐT.

Năm 2018, Bộ GTVT được giao 23.912 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công, gồm: 12.785,4 tỷ đồng vốn nước ngoài, 5.858 tỷ đồng vốn trong nước, 2.586,1 tỷ đồng vốn TPCP và 2.683 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017 kéo dài sang năm 2018 (vốn TPCP: 2.335 tỷ đồng và vốn ngân sách nhà nước: 348 tỷ đồng).

Dù đang nằm trong top 10 cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao, nhưng trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Duy Lâm, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) vẫn thẳng thắn đánh giá: “Số vốn đầu tư công giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2018 đã có những kết quả khả quan nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch dự kiến của Bộ GTVT đề ra khoảng 3,1%”.

Theo ông Lâm, trong 5 tháng đầu năm, Bộ GTVT giải ngân được 7.835 tỷ đồng gồm: Các dự án ODA giải ngân được 4.321 tỷ đồng (đạt 28,6%), các dự án giao thông trong nước sử dụng vốn ngân sách Nhà nước giải ngân được 3.127 tỷ đồng (đạt 92,3%), các dự án sử dụng vốn TPCP giải ngân được 280 tỷ đồng (đạt 10,8%).

“Kết quả giải ngân đến nay vẫn chủ yếu là từ hoàn ứng trước kế hoạch và giải ngân các dự án ODA. Đối với kết quả giải ngân nguồn vốn TPCP còn đạt thấp, giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài cũng mới đạt 26,2% cũng là thấp so với dự kiến cần đạt khoảng 30%”, Vụ trưởng KH&ĐT đánh giá.

15

 

16

 

Phải giải ngân hết vốn kế hoạch năm 2018

Cũng theo ông Nguyễn Duy Lâm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT trong 5 tháng đầu năm còn chậm do các dự án sử dụng vốn TPCP chủ yếu là các dự án đang trong giai đoạn thiết kế, dự toán và lựa chọn nhà thầu.

“Trong tháng 6, tháng 7, các dự án mới có các nhà thầu xây lắp để triển khai thi công, lúc đó mới có khối lượng thanh toán để giải ngân”, ông Lâm nói và cho biết, đối với các dự án ODA, trong 5 tháng đầu năm 2018 cũng chủ yếu mới được khởi công, đấu thầu như: Cầu Thịnh Long, dự án vành đai 3 Hà Nội đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, QL217 giai đoạn 2, LRAM,… nên chưa có khối lượng thanh toán. “Tương tự, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới hoàn tất các thủ tục liên quan đến khoản vay bổ sung, đến cuối tháng 5 mới bắt đầu giải ngân”, ông Lâm nói.

Dẫn chứng tại dự án cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) được khởi công cuối năm 2017 bằng nguồn vốn ODA, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long nói: “Đầu năm 2018, dự án bắt đầu triển khai thi công các hạng mục xây lắp, nên đến đầu tháng 6 dự án mới có khối lượng nghiệm thu thanh toán để giải ngân cho các nhà thầu”, ông Lâm nói và cho biết, hiện dự án đã giải ngân được 20 tỷ đồng. Từ giờ đến cuối năm 2018, chúng tôi sẽ giải ngân toàn bộ 150 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2018 đã giao cho dự án.

Một dự án ODA khác cũng vừa mới được khởi công đầu năm 2018 là đường VĐ3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long với số vốn kế hoạch được giao giải ngân trong năm 2018 lên tới 734 tỷ đồng. Ông Phạm Anh Tú, Trưởng phòng QLDA1, Ban QLDA Thăng Long cho biết, từ khi khởi công đến cuối tháng 5, dự án phải chờ bàn giao mặt bằng thi công. “Đầu tháng 6 vừa qua, các nhà thầu mới tiến hành thi công được một số đoạn nên 1 - 2 tháng nữa mới có khối lượng để nghiệm thu thanh toán, giải ngân”, ông Tú chia sẻ.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2018, Vụ trưởng Vụ KH&ĐT Nguyễn Duy Lâm cho biết, vấn đề mấu chốt là phải tập trung cho công tác giải ngân các dự án ODA, bởi đây là nhóm có giá trị, tỷ trọng kế hoạch được giao lớn nhất (15.118 tỷ đồng), chiếm 63% tổng kế hoạch giải ngân của Bộ GTVT. Cụ thể: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (3.233 tỷ đồng), LRAM (1.777 tỷ đồng), cao tốc Bến Lức - Long Thành (1.583 tỷ đồng), cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (1.291 tỷ đồng), Tân Vũ - Lạch Huyện (760 tỷ đồng) và một số dự án mới khởi công: Đường vành đai 3 Mai Dịch - Nam Thăng Long (734 tỷ đồng); tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1 (542 tỷ đồng).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã họp với các cơ quan tham mưu liên quan như: Vụ KH&ĐT, Cục QLXD&CLCTGT và chỉ đạo các chủ đầu tư, ban QLDA phải xây dựng tiến độ giải ngân theo từng tháng, từng quý làm cơ sở kiểm soát tiến độ thực hiện và triển khai thi công. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, xử lý dứt điểm các vướng mắc về thủ tục trong quá trình triển khai và hoàn thiện các thủ tục tạm ứng hợp đồng, đền bù GPMB, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công để sớm giải ngân”.

Cũng theo ông Lâm, đối với các dự án TPCP dù tỷ trọng không lớn trong tổng kế hoạch được giao, nhưng nguồn vốn này cũng cần được giải ngân dứt điểm.

“Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA tập trung xử lý các thủ tục cũng như các vấn đề phát sinh tại hiện trường để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án. Dự án nào đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự toán cần phải khẩn trương phê duyệt, nhanh chóng tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp để triển khai xây dựng. Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải đảm bảo hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn năm 2018, không được để kéo dài sang năm 2019”, ông Lâm nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.