Thời sự

Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao tốt nhất

22/03/2017, 06:55

Đó là đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc với Bộ GTVT sáng qua...

1

CSGT Hà Tĩnh và TTGT Cục QLĐB II phối hợp kiểm tra xử lý xe chở gỗ quá tải trên QL8 từ Hà Tĩnh về Nghệ An - Ảnh: Văn Thanh

Đó là đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ GTVT sáng qua liên quan đến quá trình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đơn độc một mình, Bộ GTVT không thể chống xe quá tải

Ngay khi mở đầu buổi làm việc, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho biết, số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ GTVT rất nhiều. Từ 1/1/2016 đến thời điểm kiểm tra đã giao 610 nhiệm vụ. “Trong thời gian không dài nhưng số nhiệm vụ được giao so với các bộ, ngành khác là rất lớn, tỷ lệ hoàn thành khá cao”, ông Mai Tiến Dũng nói và cho biết thêm: Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt ý kiến về 9 vấn đề, yêu cầu lãnh đạo Bộ GTVT giải trình rõ thêm và có giải pháp xử lý.

9 vấn đề được ông Dũng liệt kê gồm: Đảm bảo TTATGT, trong đó lưu ý việc gia tăng tai nạn đường sắt; Ùn tắc giao thông và phân luồng giao thông - vấn đề bức xúc của các thành phố lớn; Quy hoạch, xây dựng CHK, sân bay; Chất lượng công trình giao thông; Các vấn đề liên quan tới dự án BOT và trạm thu phí; Cổ phần hóa doanh nghiệp; Hoàn thiện thể chế, quản lý taxi.

Bộ GTVT có tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cao nhất

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ GTVT được giao 610 nhiệm vụ song chỉ có 2 nhiệm vụ (0,19%) chưa hoàn thành – một tỷ lệ rất thấp. Tôi đã đi kiểm tra tất cả các bộ, ngành, địa phương, TCT Nhà nước và Bộ GTVT là Bộ có tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn, chưa hoàn thành thấp nhất. Đặc biệt, trong những nhiệm vụ chưa hoàn thành này, không có nhiệm vụ nào liên quan thể chế. Đây là một điều rất quan trọng.

Khẳng định Bộ GTVT là Bộ quản lý chuyên ngành quan trọng có khối việc công việc lớn, quan trọng, được ví như mạch máu của nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cũng khẳng định, Bộ GTVT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, về thể chế, Bộ GTVT đã hoàn thành khối lượng rất lớn các VBQPPL, công khai, minh bạch nhiều bộ thủ tục hành chính. Công tác quy hoạch, chiến lược, cân đối nguồn đầu tư đã được Bộ đặc biệt quan tâm. Những vấn đề quan trọng, cấp thiết liên quan đến ngành GTVT đều được chỉ đạo, điều hành, giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng nhấn mạnh 3 vấn đề “nóng” cần tập trung làm rõ và xử lý dứt điểm trong thời gian tới là xe dù, bến cóc; Tình trạng xe quá tải, quá khổ tái diễn và vấn đề nạo vét cát lòng sông.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát xe quá tải, một trong những vấn đề “nóng” được đề cập nhiều trong buổi làm việc hôm qua, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện, 5 tháng kể từ khi Kế hoạch phối hợp của liên Bộ Công an và GTVT số 12593 về kiểm soát tải trọng xe kết thúc, xe quá tải bắt đầu nhiều trở lại trên quốc lộ. “Xe quá tải đã tái diễn, dù chưa trầm trọng như trước. Chúng tôi vẫn phối hợp với lực lượng công an đi kiểm tra. Tuy nhiên, hiệu quả nhất vẫn cần sự phối hợp của lực lượng công an, như thế mới có thể chấm dứt 100%”, ông Huyện nói.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu không có sự tham gia của công an, không thể xử được xe quá tải. Để tái diễn vài năm nữa, đường sá sẽ lại hỏng hết. “Kế hoạch liên ngành 12593 là cực kỳ hiệu quả, cần được tiếp tục duy trì. Bộ GTVT cần trực tiếp làm việc với Bộ Công an để tiếp tục có một kế hoạch phối hợp tương tự. Đơn độc một mình Bộ GTVT không thể làm lại được. Thanh tra giao thông đã làm tốt rồi nhưng sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không có các lưc lượng công an phối hợp”, ông Dũng nói.

Cùng với việc khẳng định cần sự phối hợp liên ngành Công an – GTVT, Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của địa phương. “Bộ GTVT phối hợp với địa phương, ra quân quyết liệt mới triệt để xử lý xe quá tải được”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết: Sau khi triển khai kế hoạch liên ngành Công an – GTVT, 90% xe quá tải đã được loại bỏ. “Tôi đồng tình với nhận định của Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, chúng ta chỉ còn 10% nhưng câu hỏi đặt ra là 10% này vì sao vẫn tồn tại. Nên chăng, phải xem lại lực lượng thực thi công vụ”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho hay.

2
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trao đổi với Bộ GTVT những nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện - Ảnh: K.Linh

Sửa ngay Nghị định 86 trong tháng 4, quyết loại xe dù, bến cóc

Liên quan đến việc xử lý xe dù, bến cóc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho biết, thời gian qua theo phản ánh của cơ quan truyền thông và theo dõi quản lý tại địa phương thấy xuất hiện hiện tượng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình hoạt động như xe tuyến cố định tại các tỉnh, thành phố.

Cho biết tình trạng xe dù, bến cóc chủ yếu hoạt động tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, ông Ngọc cho biết, lực lượng chức năng tại đây thời gian qua liên tục ra quân tăng cường công tác kiểm tra, xử lý quyết liệt. “Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xử phạt 4.042 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 4,7 tỷ đồng; TP.HCM xử phạt 736 trường hợp vi phạm, xử phạt 974 triệu đồng”, ông Ngọc thông tin.

Đặt vấn đề gần đây xuất hiện tình trạng xe hợp đồng trá hình do Nghị định 86 cho phép các xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón trả khách, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi: “Đây có phải là lỗ hổng chính sách không?”. Thừa nhận vấn đề này, ông Ngọc thông tin: “Những quy định này sẽ được bổ sung vào Nghị định 86 sửa đổi”. Cũng theo ông Ngọc, sắp tới, nhiều quy định như điều kiện xe hợp đồng, đồng thời với các giải pháp như áp dụng phần mềm quản lý xe hợp đồng, xây dựng các bến xe, các điểm đón trả khách thuận lợi cho người dân…, sẽ được bổ sung và hoàn thiện.

Nhận định đây là vấn đề cấp bách, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị chậm nhất ngày 20/4, Bộ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 86, tập trung vào 4 vấn đề bức xúc như ý kiến của Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng là: Quản lý Uber, Grab; Quản lý xe hợp đồng dưới 10 chỗ; Vấn đề quy mô tối thiểu xe và cách nào để cấp phép nhanh hơn cho các xe kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp. Văn phòng Chính phủ sẽ hoàn thiện các thủ tục để có thể thực hiện theo quy trình rút gọn, làm sao để cuối tháng 4, đầu tháng 5 sẽ ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi.

“Trách nhiệm của Bộ GTVT là phải tạo hành lang pháp lý thật tốt, từ đó sẽ tạo ra các cơ chế kiểm soát tốt”, Bộ trưởng Dũng nói và nhấn mạnh thêm: “Giải pháp đã có nhưng thực hiện như thế nào là quan trọng. Đề nghị các đồng chí chọn vấn đề làm, làm sao để dẹp xe dù, bến cóc, xe trá hình, lành mạnh hóa hoạt động vận tải”.

Thống nhất giao địa phương cấp phép khai thác cát

Về vấn đề cấp phép khai thác cát theo hình thức tận thu sản phẩm nạo vét luồng đường thủy, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa bày tỏ ủng hộ quan điểm giao cho địa phương chủ động cấp phép. Bộ GTVT chỉ phối hợp quản lý luồng. “Tôi đi công tác từ Nam ra Bắc, các địa phương đều có ý này, cũng xuất phát từ vấn đề quyền lợi. Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ đề xuất của địa phương”, Bộ trưởng nói và cho biết đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN dừng hết việc cấp phép, đồng thời kiểm điểm đánh giá kết quả triển khai thời gian qua như thế nào. “Chúng ta vẫn phải tiếp tục nạo vét để đảm bào chuẩn tắc luồng đường thủy vẫn phải tiếp tục tận thu sản phẩm nạo vét nhưng thông qua địa phương sẽ khả thi và sẽ quản lý được”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

Đồng quan điểm của Bộ GTVT, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Tôi đồng tình với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa về việc phân cấp quản lý và giao quyền cho địa phương. Địa phương có đử nhân vật lực sẽ quản lý tốt hơn”.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Hồng Giang cho biết, hiện Bộ đang quản lý 137 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài 7.000km. Đây là tuyến vận tải chính, giúp đảm nhiệm 20% thị phần vận tải. Tuy nhiên, trên thực tế, do điều kiện NSNN hạn chế, một năm, Nhà nước chỉ bố trí cho ngành đường thủy nội địa 50 tỷ đồng, đủ để nạo vét 40km/7.000km đường thủy đang quản lý nên việc nạo vét luồng chủ yếu dựa vào các dự án xã hội hóa kết hợp tận thu cát, sỏi.

Liên quan đến vụ việc xảy ra ở Bắc Ninh, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo, Bộ Công an đã vào cuộc và Bộ GTVT rất mong muốn vụ việc được làm rõ để xác định xem có tiêu cực hay không và tiêu cực ở đâu, bộ phận nào, liên quan đến ai.

Một số kết quả quan trọng

Thực hiện nhiệm vụ được giao, về công tác xây dựng VBQPPL, Bộ GTVT đã hoàn thành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng hạn 26/26 đề án; đã kịp thời hoàn thiện dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và các Nghị định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực GTVT; hoàn thành toàn bộ các văn bản QPPL (11 thông tư).

Tính đến nay đã giảm phí đường bộ 29 trạm thu phí, vượt 10 trạm so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao; Tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp vận tải đường bộ, hàng hải, hàng không; các doanh nghiệp cảng biển, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Trong năm 2016, TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết, số người bị thương; tình hình TTATGT những tháng đầu năm 2017 tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được tăng cường quản lý, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án thực sự cấp thiết, các dự án mang tính kết nối, thúc đẩy phát triển vùng... đã góp phần phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nhất là trong điều kiện NSNN dành cho đầu tư phát triển rất hạn chế.

Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Năm 2016, Bộ đã hoàn thành 63 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4, hoàn thành việc tích hợp hệ thống thanh toán điện tử và hệ thống hóa đơn điện tử với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Năm 2017, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thành 38 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 theo kế hoạch.

30/6, triển khai thu phí không dừng tại 28 trạm

Lắp đặt 300 cần chắn tự động tại các đường ngang ngay trong năm 2017

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ đã trình Thủ tướng dự thảo quyết định về thu phí không dừng. Dự kiến từ ngày 30/6 sẽ áp dụng trên toàn bộ 28 trạm trong đề án. Bộ trưởng cũng nêu rõ nguyên tắc triển khai thu phí không dừng là chi phí dịch vụ này không cao hơn chi phí mà nhà đầu tư đang áp dụng trong phương án tài chính đồng thời “mở” hoàn toàn với nhà cung cấp dịch vụ.

Về việc đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, sẽ triệt để xã hội hoá. “Hiện đã có nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh triển khai theo hình thức xã hội hóa. Tới đây, Tân Sơn Nhất sẽ dùng nguồn xã hội hóa, ngân sách Nhà nước là không có”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, hiện Bộ GTVT đang xây dựng cơ chế chính sách, đảm bảo vai trò QLNN.

Đối với dự án CHK quốc tế Long Thành triển khai tới đây, quan điểm của Bộ GTVT là tiếp cận các nguồn vốn ngoài sách, cả trong và ngoài nước. Hiện tại, vốn đầu tư công, mới chỉ có 5.000 tỷ đồng ghi vốn cho GPMB.

Giải trình về vấn đề TNGT, nhất là tai nạn đường sắt diễn biến phức tạp gần đây, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, cả nước hiện có tới 4.287 lối đi dân sinh và 85% số vụ tai nạn xảy ra tại các lối đi này. Trong năm nay, ông Hùng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thành dự án lắp đặt cần chắn tự động tại 300 điểm. Đối với các đường ngang chưa có cần chắn tự động sẽ áp dụng giải pháp cảnh giới, làm gờ giảm tốc để phương tiện đi qua phải dừng lại quan sát. Ngoài ra, sẽ trồng trụ bê tông để thu hẹp 1.500 lối đi dân sinh rộng hơn 3m,… dự kiến tới năm 2018 sẽ hoàn thành.

T.Bình (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.