Xã hội

Bộ GTVT trả lời nhiều câu hỏi "nóng" về cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi

03/11/2018, 19:21

Nhiều câu hỏi nóng xung quanh dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được Thứ trưởng Bộ GTVT giải đáp.

thutruongnguyenngocdong-15199051330111615593930

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Chiều tối nay (3/11), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ. Tại đây, nhiều phóng viên đặt  câu hỏi cho lãnh đạo Bộ GTVT về những vấn đề xung quanh Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Không thể đánh giá định tính về chất lượng công trình

Trước câu hỏi về việc lãnh đạo Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thừa nhận dự án này chỉ đạt 6/10 điểm, trong khi đó mức đầu tư lên tới 34.500 tỷ đồng, số vốn này có tương xứng với chất lượng công trình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng việc xác định tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như kiểm tra chất lượng công trình đã có quy định kỹ thuật và phải có thí nghiệm minh chứng. Còn việc đánh giá định tính thì không có cơ sở để xác định.

Theo Thứ trưởng Đông, quá trình thực hiện thi công theo quy trình kỹ thuật phải có các thí nghiệm từ vật liệu đầu vào, rồi kiểm định xác suất, sau đó so sánh với yêu cầu thiết kế. “Do đó chúng tôi cho rằng đánh giá cái này phải trên cơ sở  kiểm định, kết quả thí nghiệm giám sát trong quá trình thực hiện thi công” - Thứ trưởng Đông nói.

Báo chí cũng đặt vấn đề về gói thầu A5 của dự án này và cho rằng có hành vi bán thầu của nhà thầu chính (Posco) cho 18 công ty khác, rất có khả năng dẫn đến việc thất thoát vốn và chất lượng công trình sẽ không đảm bảo.

Giải thích rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, trong các quy định của hợp đồng vay vốn Ngân hàng Châu Á, theo quy định của nhà tài trợ và hợp đồng mẫu, nhà thầu chính có thể có các nhà thầu phụ. Nhà thầu phụ có thể được xác định ngay trong quá trình bỏ thầu của nhà thầu chính hoặc trong quá trình thi công những hạng mục, phần việc nhưng trách nhiệm vẫn thuộc nhà thầu chính.

“Nhà thầu chính không được thoái thác tất cả trách nhiệm trong quá trình từ thực hiện thi công cho đến khi hoàn thiện công trình, đảm bảo chất lượng cũng như bảo hành”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Việc cho rằng có sự bán thầu, Thứ trưởng Đông khẳng định là không có cơ sở, vì nhà thầu có hợp đồng phụ và được sự chấp thuận của nhà đầu tư trong quá trình đánh giá thầu hoặc sự chấp thuận trong quá trình thực hiện, trên cơ sở có xem xét của tư vấn giám sát…

“Đây là việc bình thường của các nhà thầu quốc tế trúng thầu ở Việt Nam nói chung và các dự án ODA nói riêng”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Đang xem xét kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan

Về câu hỏi liên quan đến việc VEC tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và báo cáo lên Bộ GTVT như thế nào, Thứ trưởng Đông cho biết với những tồn tại, khiếm khuyết ở dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bộ GTVT với tư cách cơ quan chủ quản đầu tư, cơ quan chủ quản phê duyệt dự án đã quyết liệt chỉ đạo khắc phục kịp thời, đồng thời yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm không chỉ của riêng VEC là chủ đầu tư mà còn cả các cơ quan bên dưới nữa, như tư vấn giám sát của các nhà thầu, rồi trách nhiệm các cá nhân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cũng cho hay, từ ngày 29/9/2018 Chính phủ đã đã có Nghị định 131 chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, vì đây là giai đoạn giao thời nên từ thời điểm này trở đi, Bộ GTVT phải phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước xử lý. Theo Nghị định 131, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ quản lý cả vốn và quản lý cả cơ cấu tổ chức, con người của VEC.

Liên quan trách nhiệm quản lý Nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng GTVT đối với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, Bộ GTVT là cơ quan chủ quản đầu tư, chủ đầu tư là VEC. Trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan chủ quản đã được quy định rất rõ ở Luật và các Nghị định liên quan. “Bộ GTVT giao cho Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình GTVT là cơ quan tham mưu, quản lý về tiến độ, chất lượng chung của dự án giao thông, trong đó có dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi”, Thứ trưởng Đông thông tin.

Theo đó, Cục được giao theo dõi trong phạm vi của quản lý Nhà nước như đôn đốc, báo cáo chung về tiến độ với Bộ GTVT, tham mưu cho Bộ trong quản lý chất lượng, nhưng quản lý này không phải quản lý trực tiếp mà là khi phát hiện các vấn đề có thể chỉ định các đơn vị kiểm định, kiểm tra đột xuất với quá trình thực hiện và tuân thủ quy định kỹ thuật trong quá trình thi công hay quy định hợp đồng.

“Chúng tôi đã chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình GTVT rà soát kiểm điểm phần này và khi nào có kết quả sẽ thông tin sớm nhất” - thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Đã hoàn tất thẩm định hồ sơ của Bamboo Airways

Về câu hỏi vì sao chưa cấp phép hoạt động cho Bamboo Airways, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã thẩm định tất cả hồ sơ. Đặc biệt, Cục Hàng không đã thẩm định theo đúng quy định của Luật về cấp phép cho hãng hàng không hoạt động, Bộ GTVT đã hoàn tất thẩm định và báo cáo cáo lên Chính phủ. Hiện Chính phủ đang trong quá trình xem xét việc này. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng thông tin thêm: "Sau khi Tập đoàn FLC đề xuất lập Bamboo Airways, Bộ Giao thông vận tải đã xem xét, báo cáo lên Chính phủ và Chính phủ đã đồng ý về chủ trương. Về cấp phép bay, đây là vấn đề quan trọng liên quan tới an ninh, an toàn trong hàng không nên Văn phòng Chính phủ rất thận trọng. Hiện chúng tôi đã lấy ý kiến các bộ, ngành và sẽ báo cáo tại phiên họp thường trực Chính phủ gần nhất", ông Dũng nói.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.