Giao thông

Bộ GTVT trả lời nhiều vấn đề “nóng”

06/04/2017, 07:27

Chiều 5/4, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý I/2017.

3

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thay mặt Bộ GTVT trả lời chi tiết nhiều câu hỏi của phóng viên - Ảnh: Duy Trần

Chiều 5/4, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp báo thường kỳ quý I/2017. Tại cuộc họp báo, lãnh đạo và đại diện Bộ GTVT đã thẳng thắn trả lời nhiều câu hỏi của báo giới về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm. Báo Giao thông tường thuật nội dung chính cuộc họp báo này.

Ưu tiên đầu tư cao tốc Bắc - Nam, hoàn thành dự án bị đình hoãn

Báo Dân Việt: Trong quyết định phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ trung hạn cho ngành GTVT, Chính phủ dành phần lớn cho đầu tư cao tốc Bắc - Nam. Vậy, những dự án dở dang và đình hoãn từ năm 2011 tới nay sẽ được Bộ GTVT giải quyết thế nào để không gây lãng phí. Trách nhiệm tham mưu của Bộ GTVT trong việc này ra sao?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:

Nguồn vốn trung hạn hiện đang nhiều thách thức. Bộ GTVT đã tính toán nguồn vốn đầu tư cho ngành GTVT trong 5 năm tới là gần 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, qua cân đối ngân sách Trung ương từ các nguồn vốn ODA, ngân sách, Trái phiếu Chính phủ, chỉ còn tỷ lệ rất thấp là 250 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn trái phiếu bố trí được 75 nghìn tỷ đồng.

Bộ GTVT đã lên các phương án phân bổ vốn, trong đó ưu tiên trả nợ đọng xây dựng cơ bản, ưu tiên cho nguồn vốn đối ứng ODA. Ưu tiên thứ ba là bố trí cho những công trình lớn đã xong 80-90% khối lượng, nhưng đã đình hoãn theo Nghị quyết 11 của Chính phủ để tránh lãng phí. Khi đó, nếu còn mới cho phép đầu tư dự án khởi công mới.

Cũng đối với nguồn vốn trái phiếu, Chính phủ chỉ đạo ưu tiên cho đầu tư cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, Bộ GTVT thấy rằng, đầu tư cho cao tốc là cần thiết nhưng vẫn phải dành nguồn vốn phù hợp bố trí vào công trình đình hoãn theo Nghị quyết 11. Bộ GTVT đang trình Chính phủ nhiều phương án đối với nguồn vốn này. Chính phủ đã khẳng định, sẽ dành 5.000 tỷ đồng GPMB sân bay Long Thành. Còn lại 70.000 tỷ, Bộ GTVT kiến nghị, dành 7.000 tỷ đồng nâng cấp hầm yếu, cầu yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Còn lại 63.000 tỷ đồng được chia ra hai phương án: một phương án là dành 41.000 tỷ đồng cho cao tốc và phương án khác là dành 55.000 tỷ đồng cho cao tốc. Còn lại hơn 10.000 tỷ đồng bố trí cho các công trình đình hoãn và vốn đối ứng.

Đào tạo, cấp GPLX: Không "vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Báo Tiền Phong: Mới đây, Công an TP Hà Nội lại có đề xuất về việc chuyển công tác sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an. Đề xuất này có trái với Luật GTĐB không? Ý kiến của Bộ GTVT thế nào?”.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:

Vấn đề này gồm hai nội dung là đào tạo và sát hạch. Phần đào tạo đã được triển khai xã hội hóa mạnh mẽ và hiện đã có vài chục trung tâm đủ tiêu chuẩn đào tạo gắn liền với sát hạch. Phần sát hạch được thực hiện theo mô hình hội đồng sát hạch, gồm liên ngành GTVT- Công an - chính quyền địa phương để đảm bảo tính minh bạch. Các trung tâm sát hạch lái xe được chia thành 4 loại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Từ năm 1995 khi công tác này được chuyển từ Bộ Công an về Bộ GTVT, ngành GTVT đã triển khai bài bản, đồng bộ, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX được nâng cao, được người dân ghi nhận đánh giá cao. Lý do công tác này được chuyển về Bộ GTVT quản lý là nhằm tách bạch giữa cơ quan quản lý đào tạo và cơ quan kiểm tra, kiểm soát để tránh việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Việc đề xuất của Công an TP Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu có khiếm khuyết ở khâu nào, ngành GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu, đưa ra đội ngũ lái xe có trình độ chuyên môn, đạo đức tốt.

Trạm thu phí BOT: Không phải muốn đặt đâu cũng được

Báo Quân đội nhân dân: Thời gian qua nhiều trạm thu phí BOT người dân tụ tập vì cho rằng vị trí trạm đặt không phù hợp. Vậy, việc đặt trạm thu phí BOT được căn cứ trên nguyên tắc nào, chính sách giảm giá vé qua trạm được thực hiện ra sao?

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường:

Chẳng hạn với Dự án BOT QL3 mới Thái Nguyên - Bắc Kạn, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện đồng thời trên cả hai tuyến đường: Cải tạo, nâng cấp tuyến QL3 cũ và xây dựng tuyến cao tốc mới 2 làn xe và cho phép thu phí cả hai tuyến đường này. Việc trạm thu phí phải thay đổi so với vị trí ban đầu do phương án đầu tiên gặp nhiều khó khăn về GPMB, phương án thứ hai, gần khu dân cư đông đúc nên phải đặt tại vị trí hiện nay, không có việc Bộ GTVT muốn đặt đâu cũng được. Đồng thời, việc đặt trạm thu phí cũng đều phải có sự thỏa thuận của chính quyền địa phương.

Về vấn đề mức phí đối với những phương tiện ở gần trạm, thường xuyên qua trạm nhiều lần trong ngày, Bộ GTVT đã tính đến việc người dân đi qua trạm nhiều lần trong ngày bằng cách bán vé quý, tháng, năm. Dù vậy, với vùng mà thu nhập của người dân không cao, người dân vẫn chưa đồng tình với giá dịch vụ đó. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, mức vé áp dụng cho người dân hai xã gần trạm thu phí đã giảm ít nhất 50% đối xe ô tô 4 chỗ, 7 chỗ. Đồng thời nghiên cứu giá loại 4, loại 5 để hợp lý hơn.

Riêng đối với trạm thu phí Bến Thủy, người dân nhiều lần cản trở thu phí, gây ách tắc tại trạm thu phí. Bộ GTVT đã chỉ đạo nhà đầu tư tạm thời có chính sách hợp lý với đối tượng đi qua trạm nhiều lần trong ngày mà không mua vé tháng, vé quý bằng cách đưa về giá vé giảm 50%.

Không chấp nhận bảo hộ hàng không

Báo Tuổi Trẻ: Bộ GTVT có thẩm quyền quyết định, nhưng lại xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc quy định giá trần, giá sàn vé máy bay. Có phải Bộ GTVT đang muốn ủng hộ Vietnam Airlines nên lưỡng lự trách nhiệm?

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh:

Tôi khẳng định đây không phải là đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước mà là đề xuất của hãng hàng không. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu việc nâng giá trần và bỏ giá sàn. Việc này liên quan đến hệ thống pháp luật về giá, luật cạnh tranh, điều kiện kinh tế vĩ mô, lợi ích của người dân nên Bộ GTVT đã giao cho cục nghiên cứu đánh giá trên tinh thần khoa học.

 Trước tiên, chúng tôi rất cầu thị, lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học, chứ chưa có đề xuất gì. Luật Hàng không năm 2006 có giao cho Bộ Tài chính quyết định, đến năm 2014 khi sửa đổi Luật Hàng không, Quốc hội vẫn quyết định giao Bộ GTVT quyết định khung giá. Tuy nhiên, việc áp dụng như thế nào phải căn cứ rất nhiều vào các điều kiện. Ví dụ, giá trần từ lâu đã có nhiều ý kiến không nên áp dụng, song Quốc hội cho rằng đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người dân nên vẫn phải để giá trần. Còn đến bây giờ, việc có nên giữ giá trần nữa hay không, hay bỏ giá trần thêm giá sàn... đều cần thời gian nghiên cứu trên tinh thần xây dựng chính sách để phát triển ngành hàng không nói chung và tạo điều kiện để người dân được hưởng dịch vụ tốt nhất, chứ không vì lợi ích của doanh nghiệp nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.