Quản lý

Bộ luật Hàng hải sửa đổi cần quy định về thuê cảng biển?

05/03/2015, 20:00

Chiều 5/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã báo cáo Ủy ban pháp luật về Dự án sửa đổi Bộ luật Hàng hải.

IMG_7781
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng Hải để phù hợp với thực tế phát triển và hội nhập

Sửa đổi, bổ sung hàng loạt quy định mới

Đọc tờ trình tóm tắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ: "Để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hàng hải 2005, đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn và hội nhập quốc tế, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, rà soát 37 Mục của Bộ luật 2005, dịch và nghiên cứu 4 Luật hàng hải quốc tế (Luật Hàng hải Thụy Điển 1994 và sửa đổi, Luật Cảng biển Nhật Bản 1950, Bộ luật Hàng hải Ukraine 1995, Bộ luật Hàng hải CHND Trung Hoa 1993), đồng thời nghiên cứu các Công ước quốc tế mà VN là thành viên và Công ước quốc tế đang được đề xuất nghiên cứu gia nhập"

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 58/261 điều, chiếm 22,2% tổng số điều của Bộ Luật, với 9 nội dung lớn. Trong đó, với nội dung “Những quy định chung” đã bổ sung quy định cho tàu lặn, kho chứa nổi, giàn di động là phương tiện dân sự và những kết cấu nổi chuyên dung đã hoạt động tại VN, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được quy định cụ thể; quy định về quyền vận tải nội địa; bổ sung quy định về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải để thuận tiện trong hợp tác quốc tế.

Dự thảo cũng bổ sung các nội dung khác với nhiều điều khoản chi tiết như: quy định về tàu biển, quy định về đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển, quy định về thuyền bộ, quy định về cảng biển, quy định về hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, quy định về lai dắt tàu biển, quy định về trục vớt tài sản chìm đắm, quy định về hợp đồng bảo hiểm hàng hải.

Theo Bộ trưởng Thăng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải 2005 được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm tính kế thừa Bộ luật 2005, chỉ sửa đổi hoặc bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh, quy định chưa rõ, còn thiếu thống nhất; bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển, hội nhập.

cảng HP
Vấn đề xã hội hóa hàng hải được quan tâm

Có cần đặt vấn đề thuê cảng biển?

Sau khi nghe Báo cáo tờ trình tóm tắt, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến đóng góp khá thống nhất. Kết luận buổi họp chiều nay, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng vấn đề quan trọng là nội dung sửa đổi có tạo nên đột phá trong quản lý, phát triển kinh tế biển hay không?

“VN là quốc gia biển, chiến lược đề ra đến 2020-2030 kinh tế biển phải trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn quốc gia. Trong khi hiện nay vận tải đường biển mới đảm nhiệm 17% tổng khối lượng hàng hóa vận tải nội địa, chưa tới 10% hàng hóa của VN đi quốc tế. Hàng hải bây giờ mới làm ăn nhỏ lẻ nên vướng mắc chưa có gì nhiều, song nếu làm ăn lớn hơn chắc chắn sẽ rất nhiều vướng mắc", ông Lý nhận định.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nếu như lần sửa đổi luật này không được tận dụng để tạo nên một cơ chế mới cho ngành GTVT đường biển phát triển thì rất khó để hàng hải của ta có thể tiến xa và hội nhập với quốc tế.

"Luật Hàng không 2006 đã làm cơ sở cho ngành Hàng không phát triển khá tốt. Bây giờ đã cho thuê quyền khai thác cảng hàng không, sân bay rồi, thì có đặt ra vấn đề cho thuê cảng biển không? Lĩnh vực Hàng không, Luật Hàng không đã được xây dựng sửa đổi khá tốt rồi. Bây giờ ngành GTVT còn 2 lĩnh vực cần sửa nhiều nhất là Hàng hải và Đường sắt. Chúng tôi kỳ vọng nhiều ở lần sửa luật này”, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.