Xã hội

Bộ trưởng Bộ Y tế: Hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật

14/06/2017, 12:29

Trả lời chất vấn ĐBQH, Bộ trưởng Y tế cho biết thời gian qua có hơn 7.000 cán bộ y tế bị kỷ luật.

Bo-truong-Y-te-Nguyen-Thi-Kim-Tien

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, nửa cuối giờ làm việc sáng nay (14/6), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Đầu phiên chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, có 58 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi. ĐB Nguyễn Thị Phúc đề cập tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội, lạm dụng các kỹ thuật trong chẩn đoán, y tế xã phường lạc hậu, việc chuyển viện với những bệnh nan y rườm rà và đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu giải pháp.

ĐB Nguyễn Chiến so sánh khi ở ta do tình trạng quá tải cơ sở y tế dẫn đến y bác sĩ thiếu tôn trọng người bệnh, trong khi ở nước ngoài nhân viên y tế "cúi rạp người cảm ơn bệnh nhân khi xuất viện". “Bộ trưởng có biện pháp thường xuyên nào để cải thiện việc này”? -ông Chiến nêu câu hỏi, đồng thời đề cập đến việc nhiều loại trang thiết bị, vật tư y tế nhập khẩu chưa dùng đã hỏng, giá cao mà cơ quan chức năng phát hiện vừa qua.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)  đề nghị Bộ trưởng Tiến làm rõ thông tin giá thuốc ở Việt Nam cao hơn mặt bằng chung trong khu vực và hỏi Bộ có giải pháp gì để giảm tác động của việc tăng giá thuốc đối với nhóm khó khăn?

Trả lời theo nhóm vấn đề, với câu hỏi về giá thuốc Việt Nam có cao hơn thế giới của ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Tiến khẳng định với các văn bản quản lý Chính phủ và Bộ ban hành thời gian qua thì thị trường thuốc Việt Nam giá ổn định, không tăng cao. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra đánh giá độc lập là thuốc biệt dược và một số loại thuốc khác ở Việt Nam thấp hơn 10% so với trung bình 6 nước ASEAN…

Về ứng xử thiếu tôn trọng của y bác sĩ mà ĐB Nguyễn Chiến đề cập, Bộ trưởng Tiến thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Vừa qua ngành đã có chương trình đổi mới toàn diện, áp dụng nhiều biện pháp như đường dây nóng, lắp đặt camera…, chế tài nghiêm khắc với các sai phạm. "Hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật thời gian qua" - Bộ trưởng thông tin.

về ttình trạng lạm dụng bảo hiểm y tế, Tư lệnh ngành Y tế thừa nhận có tình trạng đó, có việc kéo dài thời gian nằm viện, hoặc chưa cần thiết đã bắt nằm viện để trục lợi. Giải pháp của ngành là xây dựng quy trình khám chữa bệnh chặt chẽ, kèm theo giám sát, cùng với Bảo hiểm xã hội có định mức trần chi. 

Trước tình trạng lãng phí, gây phiền hà cho người dân khi phải đi xét nghiệm nhiều lần, Bộ trưởng cho biết đã ban hành thông tư công nhận các xét nghiệm lẫn nhau của bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh. Đến năm 2018 tất cả kết quả xét nghiệm ở các cấp sẽ được công nhận. 

Bộ trưởng Tiến cho biết việc người dân muốn tiếp cận dịch vụ y tế cao và đến thẳng tuyến Trung ương là nguyện vọng chính đáng. Hiện đã có quy định cho thông tuyến và đến năm 2021 sẽ “thông toàn quốc”.

Tuy nhiên, y tế cơ sở là nơi có thể chăm sóc sức khỏe ban đầu, với các bệnh nặng và mãn tính thì Bộ có chương trình để giải quyết. Theo bà, nhiều bệnh nhân cũng muốn nhận thuốc để điều trị theo phác đồ ngay tại cấp huyện và cấp xã mà không cần lên tuyến Trung ương.

Về đầu tư trang thiết bị ngành y tế, Bộ trưởng Tiến cho biết vừa qua Kiểm toán Nhà nước kết luận nhiều thiết bị chưa hết khấu hao đã hỏng, đắp chiếu. Tuy nhiên, theo bà, một trong những lý do là công suất quá lớn kể cả ở tuyến tỉnh; một số máy đắp chiếu vì đang trong thời gian bảo hành, bảo trì…

Về chênh lệch giá cao giữa các cơ sở y tế khi mua cùng một mặt hãng, bà Tiến lý giải “kiểm toán có quyền kết luận, tuy nhiên các cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này”, vì trang thiết bị vật tư y tế rất đa dạng. Ví dụ, kim cánh bướm là kim nhỏ để luồn trong mao mạch nhỏ, thông thường Bệnh viện Việt Đức mua thì giá 6-7 nghìn đồng mỗi chiếc, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy mua gấp 10 lần. Vấn đề ở chỗ cũng là kim cánh bướm, nhưng cái mà bệnh viện Chợ Rẫy mua là kim có khóa, có van, đầu vát để tránh đau cho bệnh nhân…, vì vậy giá chênh lệch nhau. “Giá đấu thầu ở các bệnh viện đó thì theo đánh giá của thanh tra Bộ Y tế và các đoàn giám sát là vào loại thấp nhất”, bà Tiến nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.