Bộ trưởng GTVT: Dự án BOT cần sự giám sát của Quốc hội

25/07/2016, 20:46

Quan điểm của Bộ GTVT là tới đây các dự án BOT sẽ cần sự giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng Nghĩa nói.

Bt Truong Quang Nghia 25.7

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình chiều 25/7

Chiều nay (25/7), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình do Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Sinh dẫn đầu về công tác đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. 

Tại buổi làm việc, sau khi khái quát tình hình phát triển KT-XH của địa phương, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị Bộ GTVT quan tâm giải quyết một số vấn đề để phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối với tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình (dài khoảng 44,5km, tổng mức đầu tư dự kiến 5.668 tỷ đồng), ông Diên đề nghị Bộ GTVT sớm thẩm định thiết kế cơ sở và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và hỗ trợ tỉnh từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2016-2020. Từ đó sớm triển khai đầu tư giai đoạn 1 của dự án: Xây dựng đoạn từ Km0+00 (đò Cảnh, xã Thụy Tân, huyện Thái Thụy) đến Km 31+00 (xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, tổng mức đầu tư 2.559 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư nâng cấp QL10 đoạn từ Cầu Nghìn (Km58+200) đến ngã ba Đợi (Km69+297) đạt tiêu chuẩn đường cấp 2 đồng bằng và bổ sung vào hợp đồng BOT nâng cấp QL10 đoạn từ Quán Toan đến cầu Nghìn.

Liên quan đến tuyến đường nối hai tỉnh Thái Bình – Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và cầu Thái Hà vượt sông Hồng, ông Diên cho biết, cầu Thái Hà đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị thông xe kỹ thuật trong tháng 7/2016.

“Tuy nhiên, tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trên địa phận tỉnh Hà Nam dài 16,3km tiến độ thi công đang rất chậm, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của toàn bộ dự án. Chúng tôi đề nghị Bộ GTVT có giải pháp, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình theo kế hoạch đã duyệt”, ông Diên nói và kiến nghị thêm một số nội dung khác về tuyến đường liên tỉnh nối Nam Định với Thái Bình, vốn bảo trì hệ thống đường tỉnh…

Cơ bản đồng tình với các đề nghị của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, đối với dự án tuyến đường bộ ven biển ven biển qua địa bàn, tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt dự án.  Bộ GTVT sẽ ủng hộ, song hành với địa phương về tiến độ và trách nhiệm  trong quá trình lập dự án”, Bộ trưởng nói.

Đối với đề xuất đầu tư nâng cấp thêm 11km QL10 từ cầu Nghìn (Km58+200) đến ngã ba Đợi (Km69+297) bổ sung vào dự án BOT nâng cấp QL10 đoạn Quán Toan – Cầu Nghìn, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao Thứ trưởng Nguyễn Văn Công và Tổng cục Đường bộ VN rà soát, xem xét lại tổng thể của dự án cầu Tân Đệ.

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, sau khi tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã thống nhất chủ trương, các dự án đầu tư theo hình thức BOT thời gian tới phải đáp ứng ba nguyên tắc: Dự án phải là tuyến đường mới, dự án phải đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân và dự án nào thì lên phương án tài chính cho dự án đó, không thể có chuyện đường làm chỗ này, thu phí chỗ khác. “Quan điểm của Bộ GTVT là tới đây các dự án BOT sẽ cần sự giám sát của Quốc hội”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến việc chậm tiến độ thi công 16,3km của dự án đường nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trên địa bàn tỉnh Hà Nam, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Văn Công sớm có văn bản gửi chính quyền địa phương. Đồng thời, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Ban PPP chuẩn bị phương án để chuyển đổi 16,3km đường của dự án này gộp vào dự án BOT cầu Thái Hà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.