Xã hội

Bộ trưởng Tư pháp nói gì về 700 văn bản pháp luật sai sót?

19/03/2018, 10:28

ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long về việc 1/3 lượng văn bản ban hành có sai sót pháp lý.

Bo-truong-tu-phap-tra-loi-chat-van

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp Uỷ ban TVQH sáng 19/3

Sáng 19/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiến hành chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết lần này sẽ có đổi mới, tức là sẽ chất vấn và trả lời chất vấn ngay thay vì dồn nhiều câu hỏi để Bộ trưởng trả lời một lần. Để tăng tính tương tác giữa người hỏi và trả lời, Uỷ ban TVQH đã mời các ĐBQH chuyên trách dự họp để nêu câu hỏi với các Bộ trưởng.

ĐB Tống Thanh Bình (Lai Châu) đặt vấn đề thời gian qua, tình trạng văn bản quy định chi tiết về Luật, pháp lệnh, nghị quyết trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành, sai sót về căn cứ pháp lý, về thể thức kỹ thuật còn nhiều. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, có 124/2.752 văn bản trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền ban hành phải kiến nghị xử lý. Và 703/2.752 văn bản có sai sót về pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày, chiếm gần 1/3 số lượng văn bản ban hành. “Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trong để xảy ra ban hành văn bản sai sót, trái pháp luật. Việc chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm sẽ được thực hiện thế nào?” – ông Bình chất vấn.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, trước hết phải xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Bởi liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý văn bản thì “tầm với” cao nhất của Bộ Tư pháp là Thông tư và nghị quyết của HĐND, còn các văn bản như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên hay các văn bản pháp lý cao hơn thì Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, thời gian qua Bộ đã rà soát theo thẩm quyền, cụ thể, Cục kiểm tra Văn bản QPPL của Bộ Tư pháp cũng phát hiện một số thông tư như Thông tư 33 của Bộ TN-MT về ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ, Thông tư 32 của NHNN có vấn đề bất cập. Hay như năm 2016, Bộ phát hiện thông tư 256 của Bộ Tài chính hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật căn cước công dân có một số quy định không phù hợp Luật căn cước công dân về chế độ thu, nộp lệ phí nên đã bàn với Bộ tài chính và có căn chỉnh.

Bộ trưởng Tư pháp khẳng định Bộ đã làm quyết liệt hơn trong thời gian qua, khi có vấn đề gì đều thảo luận dân chủ và công khai, mời các bộ, ngành, cơ quan liên quan đến bàn. “Sắp tới Bộ sẽ tăng cường nguồn lực hơn nữa trong kiểm tra, rà soát các văn bản PL thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp” – ông Long khẳng định.

ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long về việc Luật có mâu thuẫn, không đảm bảo thống nhất đối với cùng một vấn đề điều chỉnh như Luật Đầu tư không quy định đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư và đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng luật bảo vệ môi trường quy định đánh giá tác động môi trường phải thực hiện khi chuẩn bị đầu tư và trong đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quyết định này gây khó khăn, ảnh hưởng đầu tư, phát triển kinh tế.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận thực tế có sự vênh nhau giữa 3 luật bảo vệ môi trường, đầu tư và đầu tư công được xem xét thông qua trong năm 2014. Vướng mắc lớn nhất là thời điểm có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Luật bảo vệ môi trường quy định trong giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cần có báo cáo tác động môi trường. Nhưng Luật đầu tư và đầu tư công lại quy định lại khác, tức là trong giai đoạn đề xuất kiến nghị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chỉ cần báo cáo đánh giá tác động sơ bộ.

"Sau khi có việc này tôi đã yêu cầu anh em rà soát lại. Khi thẩm định anh em Bộ cũng có băn khoăn. Khi dự thảo luật bảo vệ môi trường, mọi người cho rằng mới bắt đầu chưa đủ thời gian để làm báo cáo nên có ý kiến đề xuất cân nhắc kỹ. Chúng tôi không theo hết được cả quá trình. Khi thẩm định luật đầu tư công và đầu tư, chúng tôi cũng có ý kiến rằng luật bảo vệ môi trường đã quy định như thế kia, phải căn chỉnh cho đúng không thì phải sửa luật đó".

Với những vướng mắc còn tồn tại, Bộ trưởng Tư pháp cho biết đã báo cáo chính phủ. Luật bảo vệ môi trường Bộ đã đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2019. Vì vậy, báo cáo đánh giá tác động môi trường đang đề nghị thường vụ có giải thích thêm. Sẽ theo quy định của Luật đầu tư công và đầu tư công, tức là giai đoạn này chỉ cần báo cáo sơ bộ.

Bà Lan tiếp tục tranh luận, đề nghị Bộ trưởng cho biết đến bao giờ sửa được bất cập này vì hiện có nhà đầu tư đang thực hiện việc đánh giá tác động với thời gian dài và kinh phí hàng tỷ đồng nhưng khó khăn vì giai đoạn thực hiện đánh giá tác động này chưa phù hợp. Đồng ý quy định báo cáo đánh giá tác động sơ bộ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng cần quy định chi tiết về tiêu chí báo cáo nếu không sẽ khó thực hiện.

Bộ trưởng Long cho biết hiện Bộ đã báo cáo thường vụ xin phép giải thích vấn đề này theo hướng như vậy. “Chúng tôi rất muốn đưa việc sửa đổi luật bảo vệ môi trường vào chương trình dự án luật 2018 nhưng do cần thời gian nghiên cứu. Việc chủ trì soạn thảo, liên quan đến chuyên môn sâu về tài nguyên môi trường, Bộ sẽ rút kinh nghiệm, tập trung nhiều hơn ngay từ giai đoạn đầu soạn thảo, chuẩn bị” – ông Long nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.