Trong nước

Bộ tứ hotgirl sẵn sàng bùng nổ tại SEA Games 29

01/05/2017, 10:23

Siêu kình ngư Ánh Viên được dự báo có thể tiếp tục đại náo ở cuộc đấu trên đất Malaysia...

501

Siêu kình ngư Ánh Viên

Siêu kình ngư Ánh Viên được dự báo có thể tiếp tục đại náo ở cuộc đấu trên đất Malaysia, với khả năng đoạt trên 10 HCV. Những người đẹp khác như Quách Thị Lan, Châu Tuyết Vân, Dương Thúy Vi cũng đang được chờ đợi sẽ tỏa sáng rực rỡ để làm nên một kỳ SEA Games 2017 thành công, gắn với chiến lược “lấy nữ làm chủ công” đặc sắc của thể thao Việt Nam.

Ánh Viên có thể giành … “1 tá” HCV

Tại SEA Games 2015, kình ngư người Cần Thơ sinh năm 1996 đã làm nghiêng ngả làng thể thao Đông Nam Á khi đoạt tới 8 HCV kèm theo 8 kỷ lục cá nhân. Viên đã chứng tỏ sự vượt trội hoàn toàn so với các đối thủ, thậm chí thi đấu hệt như trong một buổi tập bình thường ở hầu hết nội dung. Thêm hai năm tập huấn tại Mỹ theo quy trình chuẩn thế giới, qua các cuộc đấu quốc tế đỉnh cao, Viên tiếp tục nâng mình lên một tầm cao mới, được minh chứng qua hạng 9 tại Olympic Rio và chức vô địch lịch sử tại giải vô địch châu Á. Bởi thế, vấn đề với cô ở đấu trường khu vực vào tháng 8 tới chỉ là sẽ giành tối đa bao nhiêu HCV với màn trình diễn ra sao.

Lãnh đạo ngành Thể thao và môn bơi đang đặt cho Viên mục tiêu theo đánh giá khả thi và vừa sức là đoạt từ 10 - 12 HCV. Có nghĩa, cô Thiếu tá Quân đội trẻ nhất nước sẽ gánh vác 1/5 tổng chỉ tiêu HCV của cả đoàn thể thao Việt Nam, cũng như có thể trở thành VĐV có nhiều lần đăng quang nhất ở một kỳ SEA Games. Nỗi lo về sự quá tải do phải thi đấu quá nhiều nội dung, trong mật độ dày của Viên cũng gần như không còn, do thể lực, sức bền và kinh nghiệm của tài năng đặc biệt này đã tiến bộ vượt bậc. Rất tự tin, bình thản trước trọng trách, Viên tiết lộ mình còn muốn làm được nhiều hơn thế và điều cô quan tâm nhất không phải những tấm huy chương mà là các thông số chuyên môn, so với kỷ lục SEA Games, hay thành tích nhóm đầu ASIAD, Olympic.

502

Quách Thị Lan

Quách Thị Lan chờ cuộc “phục thù” hoàn hảo

Năm 2017, vì nhiều lý do khác nhau, tuyển thủ đất Mường Thanh Hóa không tiếp tục sang Mỹ mà chỉ tập huấn trong nước. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến tinh thần cũng như quy trình rèn luyện của Lan, với những buổi tập đầy chất lượng, cùng sự dẫn dắt của chuyên gia người Bulgaria. Á quân ASIAD 2014 đang nóng lòng chờ SEA Games 29, một giải đấu mà với cá nhân cô ngoài khát khao lập công còn giống như một cuộc “phục thù” cho thảm bại ở kỳ đại hội trước. Khi đó, Lan với tư cách ứng viên số 1 đã thua chính người đồng đội Nguyễn Thị Huyền trên cả hai đường chạy 400m và 400m rào và chỉ được an ủi bằng ngôi đầu nội dung tiếp sức 4x400m mà bản thân chỉ đóng vai phụ.

Tình thế giờ đây khác hẳn, chân chạy xứ Thanh với sự thăng tiến ổn định, phong độ rất cao, đã vượt lên hẳn kỳ phùng địch thủ cũng là người đồng đội Nguyễn Thị Huyền đang sa sút phong độ. Tại giải Vô địch quốc gia 2016, dù chưa cần bung hết sức, Lan vẫn dễ dàng đánh bại Huyền ở hai đường chạy 400m và 400m rào. Cũng cần nhắc lại, đây là các cự ly mà điền kinh Việt Nam chưa có đối thủ trong khu vực. Theo đánh giá của các chuyên gia, riêng môn điền kinh, khả năng tranh chấp HCV ở các nội dung do Lan đảm nhiệm (400m, 400m rào, tiếp sức 4x400m) là sáng rõ nhất. Trong khi đó, chân dài 22 tuổi với bản tính khiêm nhường chỉ khẳng định một cách thận trọng rằng, mình sẽ “có HCV, chứ chưa thể nghĩ đến những… 3 chiếc”.

503

Châu Tuyết Vân

Tuyết Vân chỉ ngán… trọng tài

Từ 2010, võ sĩ Taekwondo xinh đẹp đã vươn tới đẳng cấp hàng đầu thế giới, chính xác hơn là gương mặt nổi trội nhất ở nội dung đồng đội ba người sở trường của mình. Vân từng 5 lần vô địch thế giới, 2 lần vô địch châu Á. Dù vậy, như một nghịch lý, hoa khôi làng võ sinh năm 1990 mới chỉ 2 lần đăng quang ở sân chơi SEA Games. Câu chuyện không nằm ở khả năng của Vân mà lại phụ thuộc vào… trọng tài, khi cô cùng các đồng đội từng vài lần bị xử thua bất chấp có màn trình diễn vượt hẳn các đối thủ. Ngay SEA Games 27, Vân từng suýt mất HCV oan vì trọng tài quên tính điểm cho Việt Nam giúp Thái Lan có HCV. Trước sự phản ứng quyết liệt của đoàn Việt Nam, cùng chính các khán giả, BTC buộc phải cho hai đội thi lại bài quyền số 2, với những trọng tài khác. Cuối cùng, Vân cùng hai đồng đội với một phần thi xuất sắc trong nước mắt, đã đòi lại ngôi đầu một cách thuyết phục.

SEA Games 29, xét về năng lực, Vân cùng các đồng đội cứ thi đấu đúng sức là có thể bảo vệ ngôi vị của mình. Nói là vậy nhưng Tuyết Vân không thể tránh nỗi ám ảnh mang tên... trọng tài với những nguy cơ thường trực phải đối mặt và vượt qua. Đó cũng chính là động lực giúp cô càng phải tập luyện miệt mài, chuẩn bị kỹ lưỡng để tạo cho mình một phần thi hoàn hảo. “Tôi và đồng đội buộc phải thể hiện hơn hẳn các đối thủ một cái đầu, như vậy trọng tài có muốn xử ép cũng khó”, Vân quyết tâm.

504

Dương Thúy Vi

Thúy Vi quyết phá “dớp”

Ở hai kỳ SEA Games trở lại đây, quán quân ASIAD 2014 Dương Thúy Vi đều đoạt HCV, trong đó có tấm huy chương mở hàng may mắn cho đoàn thể thao Việt Nam trên đất Singapore cách đây 2 năm. Chỉ có điều, như một cái “dớp”, võ sĩ Wushu tuổi Dậu này chưa bao giờ được toại nguyện, khi thành tích và khả năng luôn bị gắn chặt với con số 1, bất chấp mọi quyết tâm nỗ lực. Còn nhớ tại SEA Games 2015, sau khi bước lên ngôi cao nhất nội dung kiếm thuật, Thúy Vi chỉ đứng thứ hai nội dung sở trường thương thuật, với khoảng cách ít hơn Oo Sandi (Myanmar) vỏn vẹn 0,01 điểm. Điều đáng nói, trong mọi giải đấu trước đó, đối thủ người Myanmar không có cửa tranh chấp với Vi.

Người đẹp Hà thành đã thua có thể vì cách chấm điểm của trọng tài, song bản thân cũng thừa nhận mình mắc một vài lỗi trong bài thi. Thêm việc chỉ đoạt Bạc ở giải Vô địch thế giới 2015, Vi càng hiểu rõ rằng mình hãy còn khoảng cách dù nhỏ nhưng rất rõ để vươn tới tầm mức của một Thúy Hiền - người khiến ngay các đối thủ Trung Quốc hàng đầu cũng phải nể sợ ngày nào. Chính từ đó, thay vì hài lòng với vị thế của võ sĩ Wushu Việt duy nhất từng vô địch ASIAD, Vi chủ động rời xa các hoạt động bề nổi, lặng lẽ lao vào tập luyện. Cô không chỉ chú trọng vào độ khó, chất lượng bài thi mà còn tập trung rèn giũa phong thái, đặc biệt ở những thời điểm quyết định. Thậm chí, ngay cả một giải vô địch quốc gia, Vi cũng nhập cuộc và thi đấu hết tâm sức hệt như một cuộc đấu quốc tế.

Theo như kinh nghiệm dày dặn của Vi, trong nhiều trường hợp, lấy HCV SEA Games còn khó hơn cả vô địch thế giới. Cô chỉ được giao nhiệm vụ có Vàng tại SEA Games 29 diễn ra vào tháng 8 tới, nhưng Vi đang sẵn sàng để phá “dớp” 1 HCV, cho dù chưa thể nói trước được điều gì với một đấu trường khắc nghiệt theo một cách rất riêng như SEA Games.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.