Xã hội

Bộ Tư pháp nói gì việc "cấm ghi hình tại trụ sở tiếp dân"?

10/01/2019, 09:54

Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp đang kiểm tra quy định "cấm ghi hình khi tiếp dân".

ha-noi-noi-ly-do-cam-ghi-hinh-can-bo-tiep-dan-neu-

Một buổi tiếp công dân của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Liên quan đến quy định "cấm ghi âm, ghi hình cuộc tiếp dân nếu chưa được phép" đang gây nhiều tranh cãi, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật- Bộ Tư pháp cho biết, sau khi nắm được thông tin về việc quy định trên gây nhiều tranh cãi, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đang cho tiến hành kiểm tra lại quy định này.

Trước đó vài ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố, trong đó nêu rõ quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Quyết định vừa được thành phố ban hành về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân thành phố là hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng cho biết, tất cả các Phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương đều đã được trang bị thiết bị camera ghi âm và ghi hình. Chính vì thế, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ ghi âm, ghi hình sẽ được bàn giao và có biên bản ghi nhận sự việc.

Trường hợp người dân có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì trao đổi với cán bộ tiếp công dân. “Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản để làm tài liệu sử dụng trên cơ sở công khai minh bạch” - Chủ tịch Hà Nội giải thích.

Lý giải thêm về việc ban hành quy định trên, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh quy định này là để chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi làm việc, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội không được quyền quyết định vấn đề “ghi âm, ghi hình phải xin phép” mà điều này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Theo ông Sơn, văn bản quy định không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý, tức là người dân chỉ được quay phim, chụp ảnh khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân. Vì vậy, đây là một loại quy phạm pháp luật xác định quyền của người dân có điều kiện. Người dân chỉ được thực hiện hành vi, thực hiện quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm của mình khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.

Ông Sơn cũng đưa ra quan điểm cho rằng, đây là văn bản hành chính cá biệt, được ban hành trái luật và vi hiến. Vì vậy, Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luận cần tổ chức kiểm tra, xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của quy định này. 

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM, theo tinh thần của Hiến pháp, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, vì thế quy chế cấm người dân quay phim, chụp ảnh là trái luật, trái với quyền dân chủ và thực hành giám sát của công dân. 

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, cán bộ tiếp công dân là những người đại diện cho quyền lực nhà nước thực thi công vụ, là hình ảnh đại diện cho bộ máy quản lý nhà nước. Đây là quan hệ hành chính nhà nước chứ không phải quan hệ dân sự thông thường và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.

Trụ sở tiếp công dân là nơi người dân thường xuyên ra vào nên không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm. Chỉ ở những nơi được coi là thuộc phạm vi bí mật Nhà nước như khu vực an ninh, quốc phòng hay các nơi có biển cấm hoặc quy định hạn chế thì người quay phim, chụp hình bắt buộc phải có sự cho phép của cơ quan chức năng, của đơn vị có thẩm quyền.

Dù luật không có quy định cấm quay phim, chụp ảnh nhưng lại cấm phát tán bừa bãi. Nếu người dân cố ý quay phim, chụp ảnh là để nhằm đưa thông tin phiến diện, tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân người bị đăng tải, lợi dụng vào đó kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động chống phá chính quyền thì đó là hành vi phạm pháp. Người vi phạm sẽ xử phạt theo Luật An ninh mạng hoặc có thể bị xử lý hình sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.