Bữa cơm nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình

30/06/2014, 06:33

"Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" là chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam vừa được Bộ VH, TT&DL phát động.

Bữa cơm gia đình - phút giây sum họp, ấm áp tình yêu thương
Bữa cơm gia đình - phút giây sum họp, ấm áp tình yêu thương


Bữa cơm chung mất dần


Thực tế hiện nay bữa cơm đầy đủ thành viên gia đình ngày càng ít đi, đặc biệt ở các đô thị. Thống kê cho thấy, 30 - 40% gia đình ở các đô thị lớn Việt Nam hiếm khi có bữa cơm với đầy đủ thành viên. Chị Hoàng Quyên (Ba Đình, Hà Nội), tham dự Ngày hội gia đình thừa nhận, bữa cơm tối của gia đình nhà chị kéo dài từ 17h - 21h mới xong. Ông bà ở nhà ăn sớm từ 17h, 3 mẹ con chị ăn lúc 19h. Chồng chị làm công ty liên doanh nước ngoài thì 21- 22h mới về nhà ăn tối, có tuần anh ăn cơm ở nhà một buổi, nào đi tiếp khách, đi nhậu nhẹt với bạn, sinh nhật, đi công tác… Rất hiếm khi gia đình chị có một buổi sum họp bên mâm cơm gia đình.

Câu chuyện chị Thái Thị Điểm - Chủ nhiệm CLB Khi mẹ vắng nhà, Chủ tịch Hội LHPN phường Đậu Liêu, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh khi kể về thực trạng người phụ nữ đi làm xa, thiếu vắng những bữa cơm gia đình khiến nhiều người phải suy nghĩ. Chị cho biết, phường Đậu Liêu hiện có 480 người đi lao động nước ngoài, trong đó nam là 308 người, nữ là 172 người, nữ có gia đình là 145 người, trẻ có mẹ đi xuất khẩu lao động là 132. Bên cạnh việc nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo thì việc đi xuất khẩu lao động đã khiến hàng trăm hộ gia đình có cuộc sống bị xáo trộn. Nhiều em bé vắng mẹ, không được sự giáo dục quan tâm quản lý của bố đua theo bạn bè bỏ học chơi điện tử, lêu lổng...Từ năm 2010 trở về trước, phường có nhiều trẻ em bỏ học, tụ tập thành nhóm đập phá đồ đạc trong các nhà thờ họ nằm trên sườn núi… trong thời gian này được đánh giá là địa bàn nhạy cảm và phức tạp về ANTT…


PGS.TS. Trịnh Hòa Bình chia sẻ một thực tế là có những căn bếp ngày càng được trang hoàng và được coi là "linh hồn” của ngôi nhà nhưng thực chất chỉ để khoe mẽ, trong khi bữa ăn chung ngày càng ít đi. 


Cũng theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, thiếu bữa ăn chung, tất cả thành viên đều thiệt thòi. Bữa ăn không chỉ nạp thực phẩm bồi bổ sức khỏe mà còn thể hiện giao lưu chăm sóc lẫn nhau, để mỗi thành viên thể hiện mình và tăng sự gắn kết gia đình. Nếu càng ngày càng ít bữa cơm gia đình thì tính chất cơ học tồn tại bên nhau rất khiên cưỡng, sự thân thiết giữa các thành viên trong gia đình giảm dần. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy cho các gia đình. Vợ chồng ít dành thời gian cho nhau, lâu dần dẫn đến sự thiếu chia sẻ, thiếu cảm thông và phai nhạt tình cảm, đi đến rạn nứt hôn nhân. Cha mẹ thiếu sự quan tâm, gần gũi và chăm sóc con cái dẫn đến không kịp thời uốn nắn hành vi đạo đức, khiến trẻ bị lệch lạc trong quá trình phát triển nhân cách.

Xốc lại bữa cơm gia đình


Một nghiên cứu năm 2006 được ông Hoa Hữu Vân (Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL) đưa ra làm dẫn chứng đó là có trên 60% cha mẹ ở phía Bắc có con dưới 6 tuổi không đủ thời gian dành một tiếng/ngày cho con, ở phía Nam là 57,7%. Vì vậy, ý nghĩa giáo dục qua bữa cơm gia đình rất quan trọng. Ông Vân cho rằng, bữa cơm sum họp không chỉ để ăn mà còn là cơ hội giáo dục phi chính thống có tác dụng thực tiễn vô cùng lớn khi mà thời gian bố mẹ thực hiện vai trò của mình đối với con cái đang bị tiết giảm dần trong xã hội hiện đại. Trong bữa cơm, ông bà, bố mẹ có thể dạy cho con trẻ cách ứng xử kính trên nhường dưới, thể hiện tình yêu thương của mỗi thành viên dành cho nhau, góp phần hình thành giá trị nhân cách cho con trẻ.  


Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, bữa cơm gia đình là dịp để các thành viên trong gia đình quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm sống, học tập, lao động và bởi vậy có ý nghĩa nền tảng vun đắp hạnh phúc gia đình. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa  đất nước, cuộc sống bận rộn, giá trị văn hóa truyền thống có sự biến đổi, bữa cơm gia đình không thường đủ mặt thành viên như trước. 


Bộ VH, TT&DL lấy chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam năm nay là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” với ý nghĩa kêu gọi, nhắc nhở, vận động mọi người trân trọng những phút giây sum họp bên mâm cơm gia đình.


Và để khôi phục lại nét sinh hoạt cho các gia đình Việt Nam, Bộ VH, TT&DL đã phát động tuyên truyền khung giờ “vàng” từ 17h -19h trên phạm vi toàn quốc, dành cho các thành viên trong gia đình tổ chức thực hiện “Bữa cơm gia đình” một cách ý nghĩa.

Phạm Lý
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.