Quản lý

Bùng nổ thị trường đóng mới tàu thủy lớn

17/03/2016, 06:20

Thị trường đóng mới phương tiện thủy nội địa đang phát triển mạnh cả về số lượng và chủng loại...

9
Một xưởng đóng tàu ven sông Hồng cùng lúc nhận đóng mới 6 tàu trọng tải hơn 1.000 tấn

Nhà nhà đóng tàu to

Đi dọc các tuyến sông phía Bắc như: Thái Bình, Hồng, Đào… PV Báo Giao thông chứng kiến rất nhiều cơ sở đóng tàu cùng lúc đóng mới 2-3 phương tiện loại trọng tải từ 500 tấn trở lên, điều rất hiếm gặp trước đây. Ông Vũ Triệu Vinh (đường Hữu Nghị, TX Sơn Tây, Hà Nội) đang thuê đóng chiếc tàu chở hàng khô 800 tấn tại xưởng đóng tàu ven sông Hồng thuộc phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây cho biết, gia đình ông đã có 2 chiếc tàu vận tải hơn 200 tấn chuyên chở thuê đá, sắt thép. Năm 2015 đã đóng thêm 1 chiếc 800 tấn, nhưng giờ vẫn rủ bạn bè hùn vốn đóng thêm chiếc nữa để chở quặng, dăm gỗ.

“Xu hướng bây giờ nhà nhà đóng tàu to, chứ tàu nhỏ lãi ít lắm. Nhiều người đóng tàu nên các xưởng đều vội việc, tôi phải đăng ký trước nửa năm mới đến lượt”, ông Vinh nói.

Từ góc độ người làm vận tải, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) cho rằng, xu hướng đóng mới phương tiện thủy, nhất là phương tiện thủy trọng tải lớn là chủ đạo. Điều này phản ánh sự thu hút vận tải đường thủy, nhưng cũng cần chú ý đến việc phát triển nóng quá dẫn đến mất cân đối cung - cầu. 

Theo ông Nguyễn Thành Lê, Giám đốc Công ty CP tư vấn và đóng tàu Vietship, khác với cảnh ảm đạm của thị trường đóng mới phương tiện thủy nội địa giai đoạn 2009-2012, khoảng từ năm 2014 đến nay lĩnh vực đóng mới tàu bắt đầu phát triển về phân khúc tàu vận tải hàng hóa, sà lan, thi công công trình. Hầu hết cơ sở thiết kế, thi công đóng mới tàu đều làm không hết việc.

“Từ năm 2015 đến nay phát triển “nóng” nhất, trong đó tàu chở hàng, trọng tải chủ yếu từ 1.000 - 2.000 tấn, một số tàu sông pha biển 4.000 - 5.000 tấn”, ông Lê nói và cho biết thêm, lý do một phần do giá tôn, sắt thép rẻ hơn, nên giá thành một con tàu 1.000 tấn chỉ còn khoảng 6,5-7 tỷ đồng, rẻ hơn 10-20% so với cách đây vài năm. Bên cạnh đó, nguồn hàng vận tải ổn định, cơ chế vay vốn cũng tốt hơn.

Ông Lê Hồng Tiến, Giám đốc chi cục Đăng kiểm số 1 (Hà Nội) cho biết, trong 2 năm qua ở các khu vực như Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình có sự gia tăng nhanh chóng phương tiện thủy đóng mới. Trước kia trung bình mỗi con tàu chỉ đóng khoảng 3 tháng, nhưng do đơn hàng nhiều nên hiện nay có chiếc phải kéo dài 8-9 tháng mới xong.

“Năm 2016, xu hướng là giảm loại phương tiện nhỏ, phương tiện chở cát nhưng phương tiện chở hàng khô sẽ vẫn có sự gia tăng và xu hướng chung là chủ tàu ngày càng đóng tàu to, như tàu sông cấp 1 loại đến 2.500 tấn, tàu pha sông biển đến 3.000 tấn”, ông Tiến cho biết.

Ông Bùi Đức Dũng, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 2 (Nam Định) cũng cho biết, thời gian qua có sự đổ xô đóng tàu do khai thác vận tải thủy hiệu quả, sắt thép đóng tàu cũng rẻ nhất từ trước đến nay, việc vay tiền ngân hàng cũng thuận lợi. “Hầu hết tàu chở hàng khô, ngoài những tàu đã đóng sông pha biển đến 3.000 - 4.000 tấn, có chủ đầu tư còn đang lập dự án thiết kế tàu sông lên đến 8.000 tấn”, ông Dũng nói.

Tái cơ cấu vận tải mang lại hiệu quả lớn

Theo Cục Đăng kiểm VN, từ năm 2015 đến nay, toàn quốc đã có thêm hơn 4.200 phương tiện thủy nội địa được đóng mới, chủ yếu là phương tiện vận tải hàng hóa, tăng 173% so với năm trước đó. Đây cũng là mức tăng nhanh nhất từ trước đến nay, phản ánh xu thế phát triển nhanh chóng của đội phương tiện thủy nội địa.

Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm VN cho biết, phương tiện thủy đóng mới tăng trên toàn quốc nhưng nhiều nhất là khu vực Tây Nam bộ và đồng bằng Bắc bộ. Trong đó, tàu chở hàng ở khu vực phía Nam phần lớn loại trọng tải 1.000 tấn trở lên, phía Bắc từ trên 500 - 1.000 tấn, ngoài ra có các tàu 2.000 tấn hoạt động cửa sông, tàu sông pha biển 3.000 - 5.000 tấn.

Vận chuyển container bằng đường thủy cũng tăng, đặc biệt đã ra đời đội hình vận chuyển gần 20 phương tiện cấp sông pha biển vận chuyển đến 50-60 TEU, tương đương với tàu biển. Riêng tàu pha sông biển, đã có dự án đóng tàu 22.000 tấn dùng để chở than trên tuyến ven biển, chuyển tải từ tàu biển vào một số nhà máy thủy điện. “Lý do số lượng tàu đóng mới tăng do kinh tế phục hồi và định hướng của ngành GTVT trong việc tái cơ cấu vận tải, thúc đẩy vận tải đường thủy và kiểm soát chặt tải trọng đường bộ. Bên cạnh đó, thuận lợi khác là giá vật liệu xuống thấp, giá thành đóng phương tiện rẻ hơn nhiều so với những năm trước”, ông Học nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.